Nhiều hạn chế trong quản lý biệt thự cổ, cũ

Ngày 9/12, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã có báo cáo kết quả đợt giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP về quản lý quỹ nhà biệt thự, khu chung cư cũ; thực hiện kết luận thanh tra việc xác định 312 biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP; thực hiện kết luận giám sát của Thường trực HĐND TP về quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Bước đầu kiểm soát tình trạng vi phạm

Theo kết quả giám sát, từ năm 2008 - 2014, HĐND TP đã ban hành 4 Nghị quyết nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng biệt thự, cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp, cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954. TP cũng đã lập danh mục 1.253 nhà biệt thự xây dựng trước năm 1954, phân loại thành các nhóm 1, 2, 3 để quản lý theo Quy chế (theo Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND TP); đã tổ chức kiểm định chất lượng 42 chung cư hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng và tiếp tục có kế hoạch bố trí kinh phí để kiểm định 137 công trình; đã thực hiện phá dỡ 11 nhà chung cư cũ để xây dựng lại. Đến nay, TP đã cơ bản xử lý xong các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D.
 


Một biệt thự cũ trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Hiền Nhân


Từ thực tế giám sát, Ban Pháp chế cũng chỉ rõ: Sau khi có Nghị quyết của HĐND TP, tình trạng vi phạm cấp phép, phá dỡ, cải tạo, xây dựng đối với nhà biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 đã dần được kiểm soát. Trong năm 2015, thực hiện kết luận chất vấn của HĐND TP, UBND TP đã chỉ đạo Thanh tra TP thực hiện thanh tra toàn diện việc tham mưu, đề xuất xác định 312 biệt thự đưa ra ngoài danh sách quản lý theo Đề án. Sở Xây dựng đã chủ trì cùng các sở, quận thực hiện việc đánh giá, phân loại đối với 22 biệt thự, đồng thời đề xuất phân loại đối với 92 biệt thự để quản lý theo kết luận của Thanh tra TP, trên cơ sở đó tham mưu UBND TP ban hành quyết định sửa đổi điều chỉnh Quyết định số 7177/QĐUBND ngày 28/11/2013 về danh mục nhà biệt thự trên địa bàn. Thanh tra TP tiếp tục thực hiện việc thanh tra trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phá dỡ, cấp phép xây dựng các nhà biệt thự Nhà nước, nhà biệt thự đan xen sở hữu Nhà nước và tư nhân sau khi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP đã yêu cầu dừng cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự… Tại thời điểm Ban Pháp chế giám sát và kết luận giám sát, các nội dung này đang được tiến hành.

Chưa nghiêm túc trong dừng cấp phép phá dỡ

Tuy nhiên, Ban Pháp chế HĐND TP cũng chỉ ra không ít hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết về quản lý quỹ nhà biệt thự, như: TP chưa lập danh mục nhà cổ, biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp thuộc diện nhà nguy hiểm, từ đó lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013; Chưa thực hiện được việc nghiên cứu thí điểm dùng ngân sách Nhà nước mua lại của các chủ sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan, nhà biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn với lịch sử Thủ đô, đất nước đã xuống cấp để bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên trạng ban đầu theo tinh thần Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND ngày 9/7/2014 của HĐND TP.

Từ giám sát thực tế, Ban Pháp chế cũng chỉ rõ, hiện nay, nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 ở cả 3 nhóm, nhất là nhóm 3 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới, nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự, nhưng Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép xây dựng để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ. Công tác quản lý theo dõi cũng bị đánh giá thiếu chặt chẽ: 63 biệt thự đã tự phá dỡ, xây mới, hiện cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn biệt thự (16 biệt thự vẫn còn, 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà (biệt thự) báo cáo không phải là biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự.

Theo kết luận của Ban Pháp chế, nguyên nhân gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó có việc quản lý, khai thác sử dụng quỹ nhà biệt thự trên địa bàn của Công ty THHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng, không hiệu quả, để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng. Sự phối hợp giữa lực lượng Thanh tra xây dựng với chính quyền cơ sở chưa tốt, không xử lý kịp thời và kiên quyết các vi phạm…

Từ thực tế này, Ban Pháp chế kiến nghị, UBND TP tiếp tục thẩm định, lập danh mục; nghiên cứu thí điểm việc dùng ngân sách Nhà nước hoặc giao Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội mua lại của các chủ sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan, nhà biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn với lịch sử Thủ đô, đất nước đã xuống cấp để bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên trạng ban đầu…. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp tự phá dỡ, làm biến dạng, xây dựng mới nhà biệt thự không đúng quy định. Rà soát và xử lý các công trình vi phạm cơi nới, lấn chiếm, xây dựng trái phép đang tồn tại trong khuôn viên biệt thự thuộc danh mục quản lý theo Đề án…


BDSGOVAP.com - Theo KTĐT