Mỗi người dân có 22 m2 sàn nhà ở

Đó là số liệu được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành xây dựng năm 2015 diễn ra ngày 15/1 tại Hà Nội.

Con số này đã tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014 và tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010. Năm 2015 cả nước phát triển thêm khoảng 1 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2.
 


Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội.


Bộ Xây dựng cho biết, tính đến ngày 20/12/2015, lượng tồn kho bất động sản còn 50.889 tỷ đồng, giảm 42,3% so với thời điểm tháng 12/2014 (tương đương 54.100 tỉ đồng). Tồn kho bất động sản giảm do lượng giao dịch thành công tăng, chủ yếu ở phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, dự án đã hoàn thành, có tiến độ xây dựng tốt.

Tại Hà Nội, trong năm qua, có khoảng 19.350 giao dịch thành công, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014. Còn ở TP Hồ Chí Minh, có khoảng 18.700 giao dịch thành công, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ 2014.

Bộ Xây dựng đánh giá, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý hơn trên địa bàn cả nước, với 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 43.370 căn hộ. Bên cạnh đó, có 94 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ từ 42.000 căn hộ thành 56.500 căn hộ.

Về kết quả thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền cam kết cho vay là 26.999 tỷ đồng, đạt 90%. Số tiền đã giải ngân là 17.711 tỷ đồng, đạt 59%.

Liên quan đến công tác lập quy hoạch: Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đã đạt 100%, tăng 7% so với năm 2010. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết chỉ đạt khoảng 33%, tăng 3% so với năm 2014. Quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%, tăng 3,3% so với năm 2014.

Một số chuyên gia cho rằng, công tác lập và quản lý quy hoạch ở khu vực đô thị còn nhiều yếu kém. Đáng lo ngại là việc triển khai nhiệm vụ sau khi quy hoạch chung được phê duyệt rất trì trệ, không đáp ứng yêu cầu quản lý. Điển hình là trường hợp Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng ký duyệt ngày 26/7/2011. Đến nay đã gần 5 năm nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vẫn chưa được phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới, cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng đô thị, gắn với các loại quy hoạch khác. Đây là điểm mấu chốt vì quy hoạch xây dựng đặt nền móng những tài sản cố định, tồn tại cả trăm năm. Sau khi có quy hoạch, cần phải kiểm soát xây dựng theo kế hoạch cụ thể để không phá vỡ quy hoạch.

BDSGOVAP.com - Theo Báo Tin tức