Nhà phố rục rịch chuyển động

Thị trường đang dần ấm lên với hàng loạt các DA bung hàng, từ chung cư đến đất nền. Thậm chí, hàng tồn chưa giải phóng hết thì nhiều DA mới tiếp tục tham gia với độ “khủng” còn hơn cả lúc thị trường ở cao điểm.
 

Ảnh: Lê Toàn


Tại phía Bắc, FLC với DA khu đô thị phức hợp tại Sầm Sơn, phía Nam là các DA án ngữ trên các mảnh đất vàng của Hưng Thịnh và Novaland. Xa nội đô một chút là DA của Đại Quang Minh cùng KĐT mới Thủ Thiêm sẽ khởi động… Một số DA đất nền và chung cư tại Hà Nội thậm chí còn có “tiền chênh” cả vài trăm triệu đồng cho một căn hộ do “chiêu” huy động vốn của chủ đầu tư. Sự hiện hữu của các DA mới khiến những người có nhu cầu nhà phố không thể để tiền trong túi lâu hơn được nữa.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận xét: “Mua bán bất động sản vẫn bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố tâm lý. Hơn nữa, người mua nhà phố đa phần là có sẵn tiền, lãi suất cho vay đã xuống thấp nên nếu thiếu chút đỉnh họ có thể vay ngân hàng. Thường thì người mua nhà phố ít nhất cũng có khoảng trên 80% giá trị căn nhà chứ không giống người mua chung cư, chỉ cần 20 - 30%, thậm chí ít hơn vẫn có thể mua nhà tại các DA đang xây dựng, thậm chí vào ở ngay. Thị trường tốt lên thì tâm lý chờ đợi cũng ít đi”.

Tại TP. HCM, nhà phố đang “rục rịch” chuyển động, đặc biệt là phân khúc nhà vừa túi tiền, giá từ 1,2 - 2,5 tỷ đồng/căn. Anh Thành - vừa mua căn nhà tại hẻm đường Lạc Long Quân cho biết: “Nhà có 32 m2, một lầu giá 1,35 tỷ đồng là cao hơn khoảng 20 - 30 triệu đồng so với giá thị trường, nhưng đã có quy hoạch mở rộng đường nên nếu mở rộng thì khoảng các từ đường lớn đến nhà mình ngắn lại. Nhà mình có giá hơn. Hiện, gia đình không ở vì nóng quá nhưng cho thuê cũng được 7 triệu đồng/tháng. Tính ra cũng bằng lãi suất gửi ngân hàng mà nhà thì vẫn có”.

Nếu như nhà vừa túi tiền cả người mua và bán đều “cò cưa” giá cả thì ở loại nhà có mức giá từ 2,4 - 4 tỷ đồng/căn lại được giao dịch nhiều. Chị Loan - cò đất tại quận Phú Nhuận cho biết: “Hồi thị trường đóng băng thì nhà rẻ dễ bán, người mua cũng nhiều nhưng giờ nhà rẻ lên giá khoảng 20 - 50 triệu đồng/căn nên bán khó. Nhà khoảng 3 - 4 tỷ bán dễ hơn vì người mua nhà tầm này là người có nhiều tiền. Mình môi giới bán 6 căn trong tháng vừa rồi thấy không có ai ở mà toàn mua cho thuê. Chắc họ mua để giữ tiền thôi, giá đó ở Phú Nhuận khi cần cũng dễ bán”.

Còn Trần Hoàng - môi giới đất quận 1 có cả danh sách dài lê thê nhà có giá trên 10 tỷ đồng lại ngán ngẩm: “Tiếng là quận 1 nhưng chỉ bán nhiều được loại nhà giá vừa vừa, tầm 2 - 7 tỷ đồng, chứ trên 10 tỷ khó lắm. Có vài nhà cứ đòi 12 - 13 tỷ đồng, đợi mãi đến lúc cần cũng phải bán 10 - 11 tỷ đồng. Cái chính là phải gặp khách mua, chứ cứ bán theo thị trường khó lắm. Họ bán được giá hay không đâu có quan trọng, cứ bán là mình có tiền”.

Trái với sự chán nản của các cò quận 1, đội ngũ môi giới địa ốc quận Thủ Đức hay quận 2 lại bán được hàng. Cò mấy quận này tiết lộ chiêu “dọa người bán” bằng cách so sánh giá với các DA phân lô, bán nền trong khu vực. Thường thì giá bán nhà phố bao giờ cũng cao hơn khoảng 20 - 30% so với đất nền tùy vị trí. Trong khi các DA thường quy hoạch có đường rộng hơn, sạch sẽ hơn. Chỉ cần có khách mua là cò sẽ “hù” chủ nhà xuống giá bán cho dễ.

Anh Vinh ở Hà Nội đã mua liền 3 căn nhà tại TP. HCM với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng, anh này phân tích vị trí chọn mua là ở các khu đông dân cư, tiện cho thuê kinh doanh. Với 2 căn ở Gò Vấp và 1 căn ở quận 3, mỗi tháng tổng cộng tiền thuê cũng được 46 triệu đồng. Với mức đầu tư 8 tỷ đồng thì tại Hà Nội cùng lắm chỉ cho thuê được 20 triệu đồng/tháng. Theo quan điểm của nhà đầu tư này thì ‘cái chính là giữ tiền bằng bất động sản, hàng tháng vẫn có một khoản cho thuê kha khá. Đầu tư kinh doanh cái gì giờ cũng chưa thấy lãi”.

Nhà phố - “nhất cử lưỡng tiện” đang là bài tính của những người có tiền.

BDSGOVAP.com - Theo  Đầu tư Bất động sản