Những bất cập về nhà ở cho công nhân
Nhếch nhách, nóng nực, chật chội… là thực trạng phổ biến ở nhiều nhà trọ công nhân tại các khu công nghiệp (KCN). Không ai muốn sống trong điều kiện như thế, nhưng vì giá rẻ, tâm lý tự do, thuận tiện mà họ chấp nhận bỏ qua những khó khăn.
Nhiều khu nhà xây khang trang dành cho công nhân vắng khách thuê. |
Nằm bên cạnh KCN Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), có tới cả hàng nghìn dãy trọ công nhân. Các dãy trọ cấp 4 được xây dựng tạm bợ, mái lợp bằng phi-brô-xi-măng, ngày mưa thì dột, trong những ngày hè nóng nực cho dù hắt nước lên tường, đổ xuống sàn mà vẫn không xua đi được cái nòng hầm hập trong phòng. Những người lao động phổ thông có thu nhập thấp không có lựa chọn nào khác bởi theo họ, ngoài việc phải lo việc tính toán giá cả hàng ngày, thì việc ở gần công ty cũng là một cách tiết kiệm.
Bạn Nguyễn Thị Tâm (quê Phù Ninh, Phú Thọ), công nhân Công ty TNHH Haesung Vina cho biết: “Mới tháng trước, cứ hết giờ làm là em lại phải rong ruổi đi tìm kiếm nhà trọ do chủ nhà tăng giá. Gần một tuần, loanh quanh chỉ tìm được vài căn phòng tồi tàn trong ngõ ngách, đành mất tiền cho môi giới để tìm được phòng vừa ý, mất thêm một ít nhưng đỡ phải đi xa”.
Chính tâm lý ngại đi xa, thích ở gần đã tạo cơ sở để các chủ nhà trọ luôn thường trực việc tăng giá cho dù họ biết mức lương của công nhân luôn ổn định và “giẫm chân tại chỗ” trong nhiều năm qua.
Hiện nay, Vĩnh Phúc đã hình thành 12 khu, cụm công nghiệp thu hút hàng vạn lao động. Sự gia tăng nhanh về số lượng lao động nhập cư đến làm việc tại các KCN đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, nhà ở… Vì vậy xuất hiện tồn tại và phát triển thị trường nhà cho thuê chung quanh. Thị trường này góp phần giải quyết vấn đề chỗ ở cho một bộ phận lớn công nhân, song các khu nhà trọ bình dân chỉ được xem là chỗ trú ngụ qua đêm hơn là một nơi nghỉ ngơi, thư giãn để tái tạo sức lao động sau một ngày làm việc vất vả.
Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp về quy hoạch, xây dựng nhà ở công nhân tại các KCN, cũng như nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các khu đô thị với các dự án như: Dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân tại KCN Bá Thiện với diện tích 15ha, đáp ứng cho 25 nghìn người; Dự án khu nhà ở CN tại KCN Khai Quang với diện tích 4,8ha, đáp ứng cho 4.000 người. Tuy nhiên, đến nay chỉ có dự án khu nhà ở tại KCN Khai Quang được triển khai.
Khởi công xây dựng từ năm 2010, đến năm 2013 dự án nhà ở CN tại KCN do Công ty CP Đầu tư xây dựng Bảo Quân làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hai khối nhà A4, A5 với tổng số 107 căn hộ. Ông Bùi Văn Hiếu – Trưởng ban Quản trị tòa nhà cho biết: Trong đề án xây dựng, sẽ xây dựng hai khối nhà A4,A5 để cho công nhân thuê, tuy nhiên sau khi hoàn thành nhận thấy việc để cho công nhân thuê, doanh nghiệp sẽ khó thu hồi vốn và khó khăn trong công tác quản lý lao động. Chính vì vậy doanh nghiệp đã xin chuyển đổi thành nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
Như vậy, có thể thấy mục đích chính của dự án để cho người công nhân thuê đã không còn ý nghĩa, bởi những khó khăn của kinh tế, thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp không mặn mà để đầu tư nhà cho thuê. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Hiếu cũng thừa nhận rằng: “Nếu vẫn giữ nguyên chức năng nhà cho thuê tại hai khối nhà thì vẫn chỉ là “muối bỏ bể” để đáp ứng được số lượng công nhân tại các KCN”.
Hiện nay, số công nhân làm việc trong tỉnh Vĩnh Phúc là 90 nghìn lao động, trong đó có khoảng 81.200 người làm việc trong các KCN. Trung bình mỗi năm lao động làm việc tại các KCN ở Vĩnh Phúc tăng khoảng từ 3-5%. Theo số liệu điều tra của Công đoàn các KCN Vĩnh Phúc hiện có khoảng 40% công nhân lao động có nhu cầu thuê nhà, tương đương khoảng 32.480 công nhân.
Không chỉ đáp ứng được số lượng công nhân ngày càng đông lên nhưng ngay cả khi có nhà ở cho công nhân thuê thì người lao động cũng không mặn mà đến thuê. Ông Đoàn Hồng Quý – Phó Trưởng ban Quản lý KCN Vĩnh Phúc cho biết: Tập quán sinh hoạt của người lao động vốn thích có không gian riêng, không thích nghi với sự quản lý về giờ giấc. Việc bố trí sáu, bảy người trong một phòng trong khi mọi người làm khác công ty, không cùng làm ca kíp đã không thu hút được công nhân tới thuê ở các nhà do ban quản lý cho dù môi trường sống ở đó tốt hơn rất nhiều so với các khu nhà trọ ở bên ngoài.
Một chuyên gia phân tích: Yêu cầu của người lao động về nhà là chính đáng nhưng khi có nhà công nhân không đến ở. Đó là mâu thuẫn mà các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc kỹ khi đầu tư xây dựng.
Đã có những đề xuất về việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, cho phép xây dựng nhà ở công nhân dưới hình thức chỉ đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và được hưởng cơ chế ưu đãi như dự án xã hội. Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (khoảng 5.000 lao động) khi đầu tư phải có cam kết xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, đó là những đề xuất mang tính tham khảo, bởi doanh nghiệp nào cũng đều phải cân đong đo đếm đến hiệu quả và lợi nhuận của công trình.
Thực tế cho thấy, phần đông công nhân thuê trọ hiện nay đều có tâm lý làm vài năm rồi lại về quê. Cũng có ý kiến về vai trò của cơ quan chức năng với các biện pháp quản lý giá nhà trọ cho thuê, ấn định mức giá, khung tương đương theo từng phòng. Tuy vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, đây là chỉ mối quan hệ dân sự giữa chủ nhà và người đi thuê, trong khi đây chính là đối tượng cần chăm lo về nhà ở nhất. Do đó, giải pháp nào cũng nên hướng tới nhóm đối tượng này, có vậy mới mong có giải pháp triệt để cho vấn đề nhà ở cho công nhân hiện nay.
Tin khác
- Đề xuất cho phép dùng chung cư làm văn phòng
- Cung BĐS tăng: Chuyện của nhà giàu
- Một góc nhìn về đất nền vùng ven
- Nhà thu nhập thấp... rất thấp
- Nhà phố rục rịch chuyển động
- Nhà giàu Hà Thành mua mặt biển Đà Nẵng: Tiền không phải nghĩ?
- Bán khống địa ốc, chủ đầu tư hay môi giới gây nhiễu thị trường?
- Các dự án bất động sản “nóng” cuộc đua kiến trúc
- Tín dụng BĐS tăng: Thị trường có đủ sức hấp thụ?
- Vay gói 30.000 tỷ đồng mua nhà không cần chứng minh thu nhập