Kéo dài thời hạn gói 30.000 tỷ, nhưng phải chịu lãi cao?

TS. Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu dư địa vốn của gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn vẫn nên kéo dài thời hạn triển khai gói này. Tuy nhiên, chắc chắn lãi suất khó rẻ như hiện tại.
 

TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nên kéo dài thời hạn triển khai gói 30.000 tỷ đồng


Người dân đang rất lo lắng trước thông tin từ sau 1/6 gói vay tín dụng lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng sẽ được ngừng giải ngân. Theo ông, việc dừng cho vay gói 30.000 tỷ đồng và thay đổi lãi suất vay vào thời điểm này có hợp lý?

Gói vay 30.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi của Chính phủ, vai trò của Ngân hàng Nhà nước là đứng ra hỗ trợ triển khai. Ban đầu ý tưởng của gói vay này là dành cho người dân mua nhà có giá trị phổ thông, chứ không phải là dành cho đối tượng thu nhập thấp mua nhà ở, để kích thích thị trường bất động sản phục hồi. Nhưng sau khi suy xét thì thấy rằng, ở thời điểm đó việc hỗ trợ người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở sẽ hướng tới nhiều đối tượng hơn, trúng đối tượng hơn.

Đã là gói vay kích thích thì bao giờ cũng phải có thời hạn rõ ràng, không thể có gói vay ưu đãi nào kéo dài mãi mãi được. Chuyện gói vay 30.000 tỷ đồng dừng lại từ ngày 1/6 tới là bình thường, vì đã được quy định trong Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hiện gói vay 30.000 tỷ đồng cam kết cho vay tới 90%, song giải ngân mới được 2/3. Theo ông, có nên tiếp tục triển khai gói vay ưu đãi này khi dư địa vốn còn nhiều?

Đúng vậy, đây là vấn đề cần xem xét lại. Có thể sau ngày 1/6 NHNN không còn làm “bà đỡ” cho gói vay 30.000 tỷ đồng, nhưng nếu dư địa vốn của gói vay này vẫn còn thì vẫn nên tiếp tục triển khai cho tới khi hết dư địa vốn.

Tuy nhiên, chắc chắn mức lãi suất sẽ thay đổi, không còn lại mức lãi vay ưu đãi 5%/năm như hiện nay, bởi lẽ NHNN không thể “chu cấp” mãi cho các nhà băng. Khó khăn hiện nay là khi triển khai các gói vay ưu đãi thì Chính phủ không có tiền mà tiền là của ngân hàng nên họ phải cân nhắc cẩn thận.

Hiện tín dụng vào bất động sản đang có dấu hiệu tăng trở lại. Nếu “bung” lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng theo lãi vay thương mại thời điểm này có khiến tín dụng bất động sản tăng nóng, thưa ông?

Tôi cho là rất khó vì tồn kho bất động sản còn rất nhiều. Thanh khoản của thị trường cũng tăng từ từ, tháng trước tăng mạnh, tháng sau giảm chứ chưa có gì đột biến.

Thêm nữa, bối cảnh hiện giờ đã khác rất nhiều so với thời điểm thị trường bất động sản bong bóng cách đây 10 năm.

Tâm thế của các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam cũng khác hẳn trước đây. Nếu trước đây là lãng mạn quá đáng thì giờ đây là sự cẩn trọng, biết rõ điểm mạnh, yếu.

Quan trọng hơn, TPP đang tạo ra làn sóng di dời người từ nông thôn ra thành thị, riêng ngành dệt may dự báo sẽ di dời khoảng 2,5 triệu người từ nông thôn ra thành thị. Điều này sẽ tạo ra làn sóng đô thị hóa lần thứ 2, nhưng ổn định hơn, bền vững hơn.

Sự bùng nổ bất động sản thời đó không bền vững, ngắn hạn, đầu cơ chộp giật trên nền tảng lãi suất cao. Nhưng lần này thị trường bất động sản đã vững hơn, yếu tố đầu tư không lớn.

Dù các yếu tố bên ngoài giữa 2 thời kỳ này giống nhau, nhưng lại khác nhau về căn bản. Vì thế, sẽ không có yếu tố bùng nổ thị trường bất động sản như nhiều nghi ngại.


BDSGOVAP.com - Theo Infonet