Báo cáo Quốc hội việc ngân hàng lập lờ về gói 30.000 tỷ đồng

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn ý kiến của cử tri, cho rằng, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng về thời hạn gói vay 30 ngàn tỷ

Điều này được nêu trong ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII.

Nêu kiến nghị của cử tri trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII sáng 21/3, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho nhiều người dân có thu nhập thấp mua được nhà để ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, dẫn ý kiến của cử tri, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.
 

Theo quy định của NHNN, các khoản vay từ gói 30.000 tỷ đồng giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ phải chịu lãi suất vay thương mại


Theo Thông tư 11/2015/TT-NHNN thì những người vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỷ sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi đối với phần dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016 mà theo lãi suất thương mại.

“Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống”- ông Nhân nhấn mạnh.

Trong số gần 3.800 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội, nhiều ý kiến của cử tri tỏ ra lo ngại trước tình trạng lừa đảo của hoạt động kinh doanh đa cấp.

“Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý”- ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.

Đáng nói là vụ việc lừa đảo hơn 60.000 người của Công ty Liên Kết Việt tại 27 tỉnh, thành phố chỉ sau 1 năm hoạt động, với số tiền chiếm đoạt hơn 1.900 tỷ đồng thực sự gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, nhân dân.

“Trong số hơn 60.000 người bị lừa, người bị lừa ít nhất là hơn 8 triệu đồng, đặc biệt có người bị lừa đến 6 tỷ đồng”- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc lo lắng.

 

Truyền đạt kiến nghị của cử tri, ông Nhân đề nghị, Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định về bổ sung và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 5/1/2016.

BDSGOVAP.com - Theo Infonet