Phân lô bán nền và khu “ổ chuột mới”
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ “bí thư Huyện ủy Hóc Môn (TP.HCM) kêu oan”, liên quan đến chuyện phát hiện dấu hiệu vi phạm trong việc phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Cư - Bí thư huyện ủy Hóc Môn - Ảnh: Tự Trung
|
Quy định của UBND TP.HCM về diện tích tối thiểu để tách thửa nêu khá rõ: hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở do tách hộ, khó khăn về nhà ở... có nhu cầu tách thửa được cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Việc tách thửa này không áp dụng cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng nhà, đất để kinh doanh bất động sản không đúng quy định.
Một chính sách nhằm giải quyết cho những người khó khăn về nhà ở, nhưng thực tế khi áp dụng lại có tình trạng cán bộ công chức chưa hiểu đúng hoặc cố tình hiểu sai nội dung để lại hậu quả xấu, có lợi cho giới kinh doanh nhưng bất lợi cho người dân.
Cụ thể có cán bộ giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm mục đích kinh doanh, không phải từ nhu cầu về nhà ở của cá nhân, ảnh hưởng đến quản lý quy hoạch, tạo ra những khu “ổ chuột” mới với hạ tầng chưa đồng bộ, khó kết nối hạ tầng chung với khu vực.
Ngược lại, có cán bộ từ chối giải quyết nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật của người dân có nhu cầu về nhà ở, khiến quyền lợi của dân bị ảnh hưởng.
Cần nhắc lại trước năm 2002, tình trạng phân lô bán nền diễn ra khá rầm rộ trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt ở các quận ven, huyện: 12, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè...
Công bằng mà nói, phân lô hộ lẻ phần nào đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp. Nhưng ngược lại cũng phải trả giá đắt khi quy hoạch bị phá nát, đường sá nhếch nhác, điện - nước chập chờn, hình thành các khu “ổ chuột” mới.
Hậu quả từ đó đến nay các quận huyện và người dân phải tốn rất nhiều tiền để làm đường, điện, nước, chỉnh trang các khu “ổ chuột” mới này. Có những khu “ổ chuột” do pháp lý đất đai chưa rõ ràng, đường sá chưa hoàn thiện nên người dân chưa được cấp giấy chủ quyền.
Để lại hậu quả nặng nề như vậy, nhưng chỉ một số ít trường hợp bị xử lý theo pháp luật, còn lại những người phân lô đất, kiếm lời nhiều tỉ đồng, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi...
Ấy vậy mà bài học cũ vẫn chưa thuộc. Dù năm 2002 UBND TP.HCM đã có chỉ thị chấn chỉnh việc này, nhưng những khu “ổ chuột” mới vẫn mọc lên. Khác với trước, lần này việc phân lô bán nền nhỏ lẻ diễn ra hợp pháp khi các quận huyện “hiểu chưa đúng” về quy định của UBND TP.HCM.
Theo các số liệu, tại huyện Hóc Môn chỉ riêng từ năm 2010 đến nay, UBND huyện đã duyệt 220 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo phân lô khoảng 2.300 nền nhà.
Tại Q.Thủ Đức, từ tháng 10-2014 đến cuối năm 2015 đã có 133 hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 13,5ha, hơn 1.500 nền đất đã được phân lô. Chuyện tương tự cũng đang diễn ra rầm rộ ở nhiều quận, huyện khác.
Rồi đây, các vụ hiểu chưa đúng về phân lô bán nền này sẽ được xử lý ra sao, giải quyết quyền lợi của người dân thế nào khi họ mua nhà được chính quyền cho phép?
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi để những vụ phân lô bán nền bất thường này kéo dài nhiều năm mà không thổi còi, chấn chỉnh?
Tin khác
- Xử lý biệt thự bỏ hoang: Phạt nhẹ cho tồn tại?
- Ưu đãi gói 30.000 tỉ “đột ngột” kết thúc: Người mua nhà có nên khởi kiện chủ đầu tư?
- Dừng ưu đãi lãi suất gói 30.000 tỷ đồng: Một hợp đồng hai lãi suất
- Kéo dài thời hạn gói 30.000 tỷ, nhưng phải chịu lãi cao?
- “Siết van” bất động sản: Thị trường mới chỉ nhen nhóm đà tăng
- Nhiều bất cập trong quy định về thuê đất
- Mập mờ lãi suất gói 30.000 tỷ đồng: “Sẽ yêu cầu các ngân hàng báo cáo rõ”
- Thị trường bất động sản rúng động vì Thông tư 36?
- Giá nhà vẫn tăng ở khắp mọi nơi trên thế giới
- Bất động sản 2016: Hấp dẫn nhưng lo chính sách không ổn định