Xử lý biệt thự bỏ hoang: Phạt nhẹ cho tồn tại?

Dự thảo thông tư xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng vừa được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến, trong đó quy định cụ thể hóa mức xử phạt nếu chủ đầu tư bàn giao nhà chưa hoàn thiện mặt ngoài từ 200 - 300 triệu đồng.
 


Với mức phạt này, nhiều ý kiến cho rằng quá nhẹ, không đủ răn đe, chủ đầu tư có thể chấp nhận phạt để tồn tại. Trong khi đó, có ý kiến đề xuất, Nhà nước có thể quyết liệt trưng mua biệt thự bỏ hoang, sau đó hoàn thiện cho thuê hoặc bán lại cho người có nhu cầu...

Đề xuất xử phạt rồi thôi

Theo dự thảo, mức phạt tối đa 300 triệu đồng sẽ áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà khi chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực hoặc bàn giao khi chưa hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài (đối với trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô). Mức phạt này cũng áp dụng khi bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án được phê duyệt.

Thực tế không phải tới giờ mới có đề xuất quy định xử phạt biệt thự bỏ hoang. Năm 2013, UBND TP. Hà Nội đề xuất Bộ Tài chính thực hiện việc đánh thuế hoặc xử phạt các chủ sở hữu của nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Sau đó UBND TP. Hà Nội gửi lên Chính phủ mức đề xuất cụ thể, theo đó, dự kiến mức thuế đánh biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự.

Đồng thời, TP. Hà Nội còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Ngoài việc đánh thuế cao với tỉ lệ phần trăm dự kiến như trên, Bộ Tài chính còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt là 10 - 20 triệu đồng/căn. Các đề xuất trên thời điểm đó được nhận định là mạnh tay nhằm ngăn chặn biệt thự bỏ hoang tràn lan nhưng vì nhiều lý do đã không được thông qua.

Thế nhưng, chính vì không thông qua quy định xử phạt nên tại các khu đô thị tràn lan biệt thự bỏ hoang. Tại khu đô thị Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mỗi biệt thự có giá xấp xỉ 20 tỉ đồng, tuy nhiên cả dãy phố dài um tùm cỏ mọc. Có căn thành nơi trồng rau, nuôi gà. Chị Thanh, đường Lê Văn Lương chạy tập thể dục tại khu đô thị Trung Văn nói: “Cách đây khoảng 5 năm, nơi này vẫn nhộn nhịp mua bán. Bẵng đi vài năm thấy bỏ hoang, thành nơi tập kết phế liệu. Chẳng thấy chủ nhà đâu nên người dân mới canh tác trồng rau, nuôi gà cho đỡ lãng phí”. Còn khu đô thị Ideco (huyện Hoài Đức) hoang vắng không một bóng người thành bãi đáp của con nghiện. Bước vào một vài biệt thự thấy cả kim tiêm đang còn đỏ máu.

Phạt “cho có” hay mạnh tay trưng mua?

Theo thống kê, tại Hà Nội, trong số 16 dự án của 11 chủ đầu tư được kiểm tra với khoảng 2.684 căn biệt thự thì có gần 698 căn (chiếm gần 35%) vẫn còn ở tình trạng xây thô, bỏ hoang. Những biệt thự này đều có giá từ khoảng 10 - 20 tỉ đồng.

Kể từ đề xuất của UBND TP. Hà Nội không được thông qua, sau hơn 3 năm, Bộ Xây dựng đưa ra chủ kiến xử phạt chủ đầu tư bàn giao biệt thự bỏ hoang nhẹ rất nhiều so với phạt chủ biệt thự 5% giá trị hợp đồng hay tính thuế 10% tổng giá trị nếu bỏ hoang 1 năm.

Nhận xét về mức phạt cao nhất chỉ 300 triệu đồng với chủ đầu tư bàn giao nhà xây thô, luật sư Trương Thanh Đức ( Chủ tịch Cty luật Basico) cho rằng một khi đã bỏ ra hàng trăm tỉ, thậm chí cả ngàn tỉ đồng để triển khai dự án, thì một vài trăm triệu để được tồn tại, tránh rắc rối thực sự không đáng là bao. Theo ông Đức, nếu muốn thực sự răn đe nên xem xét phạt dựa trên tỉ lệ giá trị của từng căn hộ và theo thời gian doanh nghiệp cố tình trây ỳ làm trái quy định.

Còn ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho hay, năm 2010, ông cũng từng đề xuất, chỉ cần yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện mặt ngoài, còn bên trong ngôi nhà thì tuỳ chủ sở hữu quyết định. Chính quyền địa phương kiểm tra và xử phạt những chủ nhà để nhà không, đề ra thời hạn nhất định, bắt họ phải hoàn thiện. Nếu hết thời hạn mà chưa làm, thì thu hồi lại, đem đấu giá hoặc Nhà nước mua lại theo giá đã thẩm định để làm nhà ở công vụ, văn phòng.

Trao đổi với PV ngày 9.3, ông Liêm cho rằng chủ đầu tư và người mua có thể thỏa thuận việc hoàn thiện sản phẩm, nên việc phạt chủ đầu tư bàn giao thô là can thiệp vào thị trường. “Phải đặt câu hỏi, việc bỏ hoang biệt thự là do chủ đầu tư hay người mua?”, ông Liêm nói.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để giải quyết bài toán luẩn quẩn biệt thự bỏ hoang tràn lan gần chục năm nay tại các đô thị lớn thì Nhà nước cần là người đứng ra giải quyết. “Nhà nước có thể cho thời hạn nào đấy, như 1 năm nếu không hoàn thiện mặt ngoài thì sẽ trưng mua rồi hoàn thiện cho thuê hoặc bán lại sau đó trả tiền cho người mua. Tất nhiên, khi Nhà nước trưng mua thì quyền sở hữu tài sản của người dân vẫn sẽ được đảm bảo”, ông Liêm nói.



BDSGOVAP.com - Theo Lao Động