Giải cứu giấy chứng nhận khách hàng mua dự án

Liên quan đến việc nhiều chủ đầu tư tại các dự án BĐS sau khi bán nhà, đất (dưới hình thức hợp đồng góp vốn, nhà hình thành trong tương lai..) đã cầm sổ đỏ của dự án đi thế chấp ngân hàng, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
 


Tại TPHCM, hàng ngàn trường hợp mua căn hộ, nền đất tại các dự án đang rơi vào tình cảnh “ở trọ nhà mình”, nghĩa là nhà đất của mình đang sử dụng nhưng đứng tên người khác, cụ thể là tên doanh nghiệp hoặc cá nhân là chủ đầu tư các dự án.

Lý do trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã lấy sổ đỏ dự án đi thế chấp ngân hàng vay vốn. Tại nhiều dự án phát triển nhà ở, khách hàng đã hoàn thành các nghĩa vụ với chủ đầu tư và đã nhận bàn giao nhà ở nhưng chủ đầu tư đang thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nên khách hàng không thể thực hiện các thủ tục để xác lập quyền sở hữu hợp pháp cho tài sản của mình.

Trong năm 2014, UBND TP có rất nhiều cuộc họp tìm cách giải quyết vấn đề này nhưng vẫn không xong. Thậm chí trước đó, trong một cuộc họp Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo các sở, ngành phải tham mưu để TP ban hành văn bản trong tháng 12-2014 xử lý dứt điểm các trường hợp nói trên, nhưng sau đó đều không tìm được lối ra do vướng pháp lý.

Theo quan điểm của TP, chủ đầu tư có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng bằng tài sản của mình và ngân hàng khi cho vay phải kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo thu hồi vốn. Không thể để người dân khi đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư nhưng lại không được quyền sở hữu đối với tài sản của mình.

Nhiều luật gia cho rằng, để xử lý phải xem cụ thể việc sổ đỏ bị cầm cố cho ngân hàng trước hay dự án bán cho khách hàng trước. Bởi việc nhận thế chấp tài sản của ngân hàng được pháp luật công nhận. Đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM cho rằng xử lý vấn đề này rất phức tạp, không thể chung chung được mà phải xem xét từng dự án, chủ đầu tư cụ thể.

Giả sử chủ đầu tư đang nợ dự án này nhưng còn nhiều dự án khác để đảm bảo sẽ xem xét giải chấp. Trong trường hợp chủ đầu tư chỉ có một dự án duy nhất đang bị thế chấp thì không thể. Bởi nếu giải chấp dẫn đến không thể thu hồi nợ, người duyệt cho vay trước đó có thể bị xử lý hình sự.

Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết dứt điểm những vướng mắc nói trên cần giải quyết mối quan hệ tay ba: ngân hàng - chủ đầu tư - người dân. Chính quyền cũng không thể vô can trong chuyện này, bởi dự án khi xây dựng đã được các cơ quan chức năng cho phép.

Như vậy người dân tin vào cơ sở pháp lý của Nhà nước họ mới mua. Khi xét duyệt dự án cơ quan chức năng xem xét đủ thứ bây giờ không thấy trách nhiệm của mình là không được. Những chủ đầu tư sai phạm cần có chế tài mạnh trong quá trình giao đất, cấp phép làm dự án mới.


BDSGOVAP.com - Theo Sài Gòn Đầu tư