Thị trường quý III, tiếp tục đột khởi
Dù chưa kết thúc quý III, song ghi nhận thực tế cũng như theo dự báo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, thị trường bất động sản TP. HCM tiếp tục có một quý khởi sắc mạnh mẽ. Hai phân khúc thể hiện sự tăng trưởng mạnh nhất là văn phòng cho thuê và nhà ở.
Ảnh: Lê Toàn
|
Thị trường văn phòng: cung tăng, cầu giảm
Cuối tuần qua, CBRE Việt Nam đã có buổi công bố kết quả khảo sát diễn biến của thị trường văn phòng cho thuê quý III/2015. Theo CBRE, điểm khác biệt nổi bật của thị trường văn phòng cho thuê quý này là thị trường chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu thuê văn phòng từ các công ty thuộc lĩnh vực phần mềm và công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các công ty gia công.
Trong khi đó, nguồn cung văn phòng ở TP. HCM đang ngày càng khan hiếm, khiến thị trường bước vào xu thế mất cân đối cung – cầu. Hiện trên địa bàn TP. HCM chỉ có 5 tòa nhà văn phòng tại trung tâm Thành phố có thể cung cấp cho khách thuê khoảng 1.000 m2 sàn liên tiếp.
Điều này đang khiến cho giá thuê văn phòng nhích lên. CBRE khẳng định, thực tế này sẽ còn diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới, nguồn cung văn phòng hạng A sẽ tiếp tục khan hiếm cho tới năm 2017-2020, khi thị trường bắt đầu đón nhận một vài dự án mới.
Cầu tăng cung giảm khiến giá thuê văn phòng thời gian gần đây tăng lên. Cụ thể, mức giá chào trung bình tại các tòa nhà hạng A hiện tại khoảng 34 UDS/m2/tháng, tăng 2 USD/m2/tháng so với quý trước. Giá thuê trên thị trường sẽ có biến động với dự đoán tăng khoảng 5% mỗi năm cho tới 2017 mới có thể dừng lại.
Việc khan hiếm mặt bằng văn phòng đẩy các khách thuê phải lên kế hoạch trước ít nhất 18 tháng trước khi hợp đồng thuê của họ hết hạn. Một số công ty đa quốc gia và các công ty lớn trong nước hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ sử dụng trên 1.000 m2 sàn, thậm chí còn phải lên kế hoạch cho mình trước tới 24 tháng so với ngày hợp đồng của họ hết hạn. Các cam kết thuê trước khi tòa nhà hoàn thành chiếm tới 85% tại tòa nhà hạng A trong quý III/ 2015 chứng minh cho việc phải có kế hoạch sớm trong tình hình thị trường khan hiếm.
Theo ông Greg Ohan, Giám đốc cấp cao về dịch vụ môi giới của CBRE Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ thuê thực tại các tòa nhà hạng A đã tăng nhanh.
“Chúng tôi dự đoán quý IV/2015 và những năm kế tiếp thị ttrường văn phòng cho thuê sẽ còn tốt hơn khi một số giao dịch lớn trên thị trường có khả năng sẽ hoàn tất”, ông Greg Ohan nhấn mạnh.
Thị trường căn hộ, phân hóa theo khu vực
Cùng với phân khúc văn phòng cho thuê, thị trường nhà ở tại TP. HCM cũng có sự tăng trưởng bứt phá trong thời gian qua. Số liệu thống kê từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 8/2015, lượng giao dịch bất động sản thành công ở cả hai thị trường Hà Nội và TP. HCM tăng nhẹ so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ, tỷ lệ tăng trưởng gần gấp đôi.
Trong một báo cáo phân tích do CTCK Rồng Việt thực hiện mới đây, đơn vị này đã nhận định, sự phát triển của thị trường bất động sản TP. HCM đang có xu hướng phân hóa theo khu vực. Trong khi nguồn cung và giá bất động sản tại khu vực phía Đông Thành phố đã tăng khá mạnh thì thị trường đang hướng về khu Nam, đặc biệt là sau khi UBND TP. HCM công bố việc xây dựng Đề cương chi tiết Đề án thành lập Khu kinh tế đặc biệt trên bốn quận, huyện là quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ.
Bên cạnh đó, mới đây, Sở Giao thông Vận tải được UBND TP. HCM giao cho ký kết hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông về dự án kết nối đường D3 vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông và phát triển KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 theo quy hoạch; đồng thời phục vụ việc di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Dự án có vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 293 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2016.
Nắm bắt xu hướng này, thời gian gần đây, khá nhiều doanh nghiệp địa ốc rục rịch chuyển hướng về khu Nam Sài Gòn săn tìm quỹ đất để phát triển dự án, nhằm đón lõng quy hoạch. Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, hiện Hưng Lộc Phát vừa khởi động Dự án cao ốc Hưng Phát 2 (Hưng Phát Silver Star) tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (giáp ranh quận 7 - Phú Mỹ Hưng).
Dự án có quy mô 8.956 m2, gồm 3 block với tổng số 447 căn hộ cùng khu trung tâm thương mại 3 tầng và diện tích cảnh quan cây xanh. Giá chào bán dự kiến khoảng từ 1,3 tỷ đồng/căn hộ 2 phòng ngủ. Theo ông Lực, từ nay đến năm 2018, Công ty sẽ triển khai 4 dự án tại Nam Sài Gòn, với khoảng 4.000 căn hộ cao cấp, tổng vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Novaland đã mua lại Dự án Khu dân cư Trần Thái tại huyện Nhà Bè để xây dựng một khu căn hộ có quy mô hơn 1.000 căn hộ, với tên gọi mới là Sunrise Riverside. Dự án đã được Novaland chính thức động thổ từ đầu tháng 8 vừa qua, dự kiến sẽ chính thức tung sản phẩm ra thị trường trong tháng 10 tới.
Một loạt các doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang ồ ạt khởi động các dự án tại khu Nam gần đây, như Tập đoàn Đất Xanh mua lại dự án của Công ty Thế Kỷ 21 tại quận 7 và phát triển thành dự án căn hộ với tên gọi mới là LuxCity.
Công ty Sacomreal đang tăng tốc đầu tư Dự án Jamona City tại quận 7, Công ty Địa ốc Phú Long, đang khẩn trương xây dựng và chuẩn bị tung ra thị trường giai đoạn 2 Dự án căn hộ Dragon Hill Residences and Suites 2, dự án thành phần trong Khu đô thị Daragon City. Ngoài dự án này, kế hoạch của Phú Long từ đây đến cuối năm nay là tung ra thị trường 2 khu biệt thự trong Dự án Dragon City.
Theo bà Võ Thị Dịu Hiền, Phó tổng giám đốc Sacomreal, sự chuyển dịch thị trường bất động sản về khu Nam là điều dễ hiểu.
Từ trước đến nay, quận 7 mà chủ thể là Khu đô thị Phú Mỹ Hưng luôn là tâm điểm phát triển khu Nam Sài Gòn. Đặc biệt, gần đây khi các chính sách phát triển mới được Thành phố hướng về khu Nam đã kích thích các nhà đầu tư mạnh tay đổ vốn vào khu vực này để đón đầu tiềm năng do hạ tầng mang lại.
Không chỉ vậy, khu Nam Thành phố còn là khu vực kinh tế rất sôi động, với sự hiện diện của Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước..., do vậy, là khu vực có sức cầu bất động sản rất lớn. Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản khu Nam.
Hiện tại, hàng loạt tuyến giao thông hiện đại đã được đưa vào sử sụng: cầu Phú Mỹ, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ… Việc kết nối giao thông thuận tiện sẽ giúp bất động sản khu Nam càng thịnh hơn trong thời gian tới.
Tin khác
- Văn phòng hạng A có thể tăng giá 5% mỗi năm
- Kiếm bộn nhờ săn cao ốc cho thuê
- Nhà giá rẻ cung chưa đủ cầu
- Giải cứu giấy chứng nhận khách hàng mua dự án
- Bài 1: Quỹ bảo trì chung cư - “Miếng mồi” béo bở!
- Quy định pháp luật không thống nhất làm khó thực thi đấu giá đất
- Không phải thanh toán hết tiền mua bất động sản nếu chưa có “sổ đỏ”
- Mua nhà nhưng chưa ký được hợp đồng
- Nhiều chỉ số bất động sản Đà Nẵng tăng điểm
- Thị trường bất động sản đã có sự thanh lọc mạnh