Bán nhà duy nhất nhiều tiền phải nộp thuế?

Có ý kiến cho rằng chỉ những trường hợp bán nhà duy nhất trị giá trên 5 tỉ đồng thì mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án luật sửa đổi, bổ sung bảy luật về thuế sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10, đại diện Bộ Tài chính cho hay sẽ đề xuất sửa đổi quy định về luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo đó, trường hợp bán căn nhà duy nhất có thể không được miễn thuế thu nhập cá nhân như trước nay. Thay vào đó, Bộ sẽ quy định định mức được miễn thuế TNCN trong trường hợp này. Hiểu nôm na là bán nhà ít tiền sẽ được miễn, nhà nhiều tiền phải nộp thuế dù là căn duy nhất.

Bên cạnh quan điểm không đồng tình, không ít ý kiến cho rằng đề xuất này có thể áp dụng nhưng đi kèm là phải có định mức phù hợp. Mục đích để tránh tình trạng người nghèo phải bán nhà còn “mắc cái eo” vì gánh nặng thuế, lệ phí. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến đáng chú ý.

Chị NGUYỄN THỊ THANH HÀ, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM:

Bán nhà hàng chục tỉ đồng, nộp thuế cũng hợp lý

Đúng là lâu nay có tình trạng nhiều người tìm cách lách luật để khỏi nộp thuế TNCN khi bán nhà. Chẳng hạn một người có nhiều căn nhà sẽ nhờ cha mẹ, vợ con đứng tên rồi những người này bán cho người khác. Như vậy tài sản khỏi bị nộp thuế TNCN do đây là căn nhà duy nhất của bên bán.

Một cách lách thuế khác là họ khai trong hợp đồng công chứng mua bán giá trị tài sản thấp hơn nhiều so với thực tế để nộp thuế thấp (vì thuế TNCN tính bằng 2% giá trị hợp đồng). Trong khi đó, có những người bán thật sự chỉ có một căn nhà duy nhất nhưng thủ tục xác nhận, cam kết để được miễn thuế lại bị khó khăn như báo chí đã phản ánh.
 

Có ý kiến đề xuất những trường hợp bán nhà duy nhất trị giá trên 5 tỉ đồng thì mới nộp thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: CTV


Về đề xuất của Bộ Tài chính bán nhà duy nhất chưa chắc được miễn thuế mà phải tùy theo định mức, hiểu nôm na là nhà giá trị thấp thì khỏi nộp, nhà giá trị cao phải nộp, tôi thấy cũng hợp lý. Một người có căn nhà duy nhất nhưng trị giá hàng chục, hàng trăm tỉ đồng thì rõ ràng hoàn toàn khác biệt với một người cũng có một căn nhà duy nhất nhưng giá trị một vài tỉ đồng. Do đó việc người bán nhà có giá trị cao phải nộp thuế cũng không phải là quá đáng.

Vấn đề là định mức như thế nào cho hợp lý. Chưa kể trường hợp khai giá trị nhà thấp hơn thực tế để khỏi “dính” định mức hoặc nộp thuế thấp sẽ giải quyết ra sao. Theo tôi, để khỏi rắc rối, không nên phân biệt nhà duy nhất hay căn thứ hai, thứ ba..., hễ bán nhà là nộp 2% giá trị căn nhà xác định theo bảng giá đất do TP ban hành. Còn nếu định mức để tính thuế TNCN với căn nhà duy nhất, tôi nghĩ rằng con số trên 5 tỉ đồng là hợp lý.

Ông LÊ VĂN NHƯỢNGngụ đường Huỳnh Tịnh Của, quận Phú Nhuận, TP.HCM:

Đa số người dân phải gánh vì một ít người lách luật

Tôi cho rằng đa số người dân chỉ có một căn nhà. Một số ít thuộc tầng lớp trung lưu thì có thể có hai căn. Không nhiều người có từ ba căn nhà trở lên. Do vậy, việc người dân chuyển nhượng căn nhà duy nhất (để mua lại căn nhà khác) được miễn thuế TNCN là một hình thức hỗ trợ của Nhà nước để họ tạo lập chỗ ở mới. Đó là ý nghĩa của việc miễn thuế khi bán căn nhà duy nhất.

Tôi đồng ý thực tế có tình trạng lách luật như chuyển nhượng lòng vòng cho người thân đứng tên để né thuế. Thế nhưng dù có “ăn gian” đi nữa thì họ cũng chỉ có thể làm một vài lần là tối đa bởi như đã nói, không nhiều người có vài ba căn nhà để chuyển nhượng và họ cũng chỉ có một số người thân để đứng tên giùm. Do đó trường hợp được hưởng lợi kiểu này không nhiều trên thực tế nhưng đa số người dân sẽ phải chịu nếu áp dụng kiến nghị của Bộ Tài chính.

Buộc nộp thuế khi bán nhà, bất kể nhà duy nhất hay không thì khi người dân mua lại căn khác giá cao hơn, phải bù tiền thì có chính sách gì giảm cho họ không? Không phải vì không quản được vài trường hợp lách luật thì chuyển thành siết hết, đánh đồng hết. Ở các nước khác cũng vậy, công dân được làm những gì luật không cấm. Dù biết dân lách luật nhưng nếu họ không vi phạm luật thì Nhà nước cũng phải chịu.

Ông LÊ NGỌC TÚGiám đốc Công ty Nhà Bình Dân:

Có thể áp dụng nhưng định mức để nộp thuế phải phù hợp

Quan điểm điều tiết thu nhập với những trường hợp chuyển nhượng những căn nhà giá trị lớn là đúng. Có những trường hợp hưởng lợi từ việc mua nhà rồi bán nhà bỏ túi hàng chục tỉ đồng, thậm chí hơn nữa mà không nộp đồng thuế nào cho Nhà nước. Đó là điều rất không hợp lý. Do vậy đề xuất của Bộ Tài chính phải có định mức khi bán căn nhà duy nhất để được miễn thuế TNCN hay không theo tôi là phù hợp. Vấn đề là định mức như thế nào, nhà 5 tỉ đồng hay 10 tỉ đồng… để tính thuế cho hợp lý là vấn đề không đơn giản, còn phải bàn nhiều vì phải có căn cứ.
 

Trên thực tế từng có những vụ chuyển nhượng bất động sản duy nhất nhưng giá trị rất lớn. Vụ đầu tiên tại TP.HCM là một người xây nhà cao tầng, bán lại cho một ngân hàng trên đường Kỳ Đồng, lẽ ra được miễn thuế vì căn nhà duy nhất. Cơ quan thuế không chấp nhận, lấy lý do nhà cao tầng, để kinh doanh cho thương mại - dịch vụ nên không là nhà ở, không được miễn thuế.

Vụ thứ hai là vụ một cá nhân tặng cho người con căn nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, sau đó người con bán cho một công ty sữa. Người con cũng đề nghị được miễn thuế vì đây là căn nhà duy nhất của cô nhưng cơ quan thuế không chịu. Cả hai vụ này sau đó người dân đều kiện cơ quan thuế và thắng kiện.

Từ dẫn chứng trên, tôi cho rằng Bộ Tài chính đề xuất hạn chế về giá trị bất động sản duy nhất được miễn thuế khi chuyển nhượng cũng hợp lý. Làm như vậy để người có đất, nhà duy nhất nhưng thuộc diện “khủng” thì vẫn phải nộp thuế chứ không miễn hết như hiện nay. Điều quan trọng là phải xác định giá trị nhà, đất phải nộp thuế sao cho hợp lý để người dân, nhất là người nghèo, không phải nghèo thêm vì thuế.

Luật sư TRẦN XOAGiám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang

BDSGOVAP.com - Theo Pháp Luật TP