“Băng” bất động sản không tan trong những ngày nóng bức
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) vắng ngắt. Các “cò” thay vì hăng hái dẫn khách đi xem nhà, căn hộ thì giờ đây ngồi ôm điện thoại để tư vấn. Tình trạng này đang diễn ra trong vài tuần trở lại đây khiến cho lượng giao dịch thành công về BĐS giảm so với những tháng đầu năm 2015.
Những “chiêu” mới khi trời nóng
Tính đến ngày 20-5, lượng tồn kho BĐS đã giảm hơn 47,3% so với năm 2013, tương đương với mức 67.443 tỷ đồng. Lượng giao dịch BĐS thành công tăng trong 5 tháng đầu năm chủ yếu là do sự điều chỉnh chính sách linh hoạt của Bộ Xây dựng và các chủ đầu tư. Như các năm trước, tháng 6 luôn là thời điểm “lạnh” của thị trường BĐS do ảnh hưởng của thời tiết. Do đó, nhiều chủ đầu tư dự án đã tung ra nhiều “chiêu trò” để kích thích nhu cầu mua nhà của người dân, ví dụ như việc mua nhà được tặng ô tô hay việc phạt lãi suất nếu chậm tiến độ của dự án.
Điểm qua một số dự án tại Hà Nội, những người mua nhà sẽ bị thu hút khi chủ đầu tư dự án cao cấp Hòa Bình Green City trên địa bàn quận Hai Bà Trưng công bố sẽ tặng xe ô tô Chevrolet Spark cho khách hàng đặt mua căn hộ ngay trong dịp mở bán. Điều này khiến cho lượng khách hàng tham dự ngày mở bán của dự án sẽ tăng lên.
Dạo qua một số quận, huyện khác trên địa bàn TP, chủ đầu tư các dự án lại đưa chính sách “mới” đánh trúng vào tâm lý lo ngại của khách hàng trước đây. Đó là việc phạt lãi suất nếu dự án bị chậm tiến độ, hay nói cách khác là khách hàng sẽ được hưởng lãi từ số tiền đóng mua nhà nếu như dự án không thực hiện tiến độ theo như thời gian cam kết.
Ví dụ như dự án Văn Phú Invest tọa lạc trên quận Hà Đông, chủ đầu tư đã cam kết chịu phạt 20% giá trị hợp đồng nếu dự án chậm tiến độ. Hay chủ dự án Rainbow Linh Đàm trên địa bàn quận Hoàng Mai là Cty CP BIC Việt Nam cũng “hứa sẽ chịu phạt tính theo ngày kể từ ngày bị chậm tiến độ.
Một dự án khác có chính sách phạt “hấp dẫn” khác là dự án Hạ Đình Tower ở quận Thanh Xuân. Chủ đầu tư liên kết với ngân hàng Bảo Việt đã cam kết tiến độ và sẵn sàng chịu phí phạt nếu dự án chậm tiến độ bằng việc hoàn trả toàn bộ số tiền khách hàng đã đóng khi mua căn hộ.
Những chính sách này được tung ra nhằm “hâm nóng” thị trường BĐS trong những ngày nắng nóng. Nhiều khách hàng ngại tham quan dự án thời điểm này vẫn quan tâm và bị thu hút bởi những chính sách “ưu đãi” đó.
Thị trường bất động sản “im ắng” . Ảnh: N.Tuấn
|
Thị trường vẫn “lạnh”
Thực tế, những chính sách “mới” mà một số chủ đầu tư dự án đưa ra chủ yếu kích thích nhu cầu và sự quan tâm của khách hàng chứ chưa thể “phá băng” thị trường BĐS trong thời điểm này. Ví dự như dự án cao cấp Hòa Bình Green City dù công bố tặng xe ô tô Chevrolet Spark nhưng không phải đối tượng khách hàng nào cũng có thể tiếp cận bởi giá bán các căn hộ nơi đây đều từ 2 tỷ đồng trở lên.
Hay việc chủ đầu tư chấp nhận chịu phạt nếu chậm tiến độ cũng chỉ là một “chiêu trò” bán hàng chứ chẳng có cơ sở nào để khách hàng kỳ vọng vào việc “hưởng lãi” bởi: Thứ nhất, các chủ đầu tư triển khai chậm tiến độ chủ yếu là do “thiếu vốn” nên nếu càng chậm tiến độ thì chủ đầu tư lấy đâu tiền trả lãi cho khách hàng.
Thứ hai, những cam kết về chính sách này phần lớn phụ thuộc vào uy tín của chủ đầu tư. Một chủ đầu tư thực hiện dự án chậm tiến độ thì uy tín đã bị coi là “kém” rồi. Vậy nên việc trả lãi khó có thể thực hiện hoặc nếu có được thực hiện thì liệu có bị “chậm tiến độ” trả lãi cho khách hàng hay không (?).
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát, nhận định, ngoài việc cam kết trả lãi chậm tiến độ, nhiều dự án hiện nay còn cam kết hỗ trợ khách hàng làm thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng, nếu không được phê duyệt thì khách hàng sẽ được hoàn trả 100% số tiền đặt chỗ mà không mất bất cứ một khoản chi phí nào. Một số dự án cũng được giảm giá bán căn hộ để khách hàng có đủ điều kiện vay gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, thời điểm này các chủ đầu tư sẽ dùng nhiều “chiêu trò” quảng cáo, quảng bá sản phẩm để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Một số điểm mà khách hàng cần tìm hiểu khi xem dự án là tính pháp lý dự án, năng lực chủ đầu tư, chất lượng dự án, đơn vị thi công…. Đây là những yếu tố quan trọng mà khách hàng cần tìm hiểu trước khi quyết định việc có mua nhà ở dự án hay không.
“Thị trường BĐS khi thời tiết nắng nóng như hiện nay thông thường sẽ bị “đóng băng” bởi lượng giao dịch giảm, tiến độ thực hiện thường “chậm” và quan trọng tâm lý khách hàng là không muốn “đội nắng” đi mua căn hộ”, ông Sơn phân tích thêm.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12-2014, cả nước có tổng cộng 3.978 dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã được quy hoạch, cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư ước tính 4.470.942 tỷ đồng. Tổng diện tích đất theo quy hoạch là 101.391 ha, trong đó tổng diện tích đất xây dựng nhà ở 35.883 ha.
Qua rà soát kiểm tra, các dự án được tiếp tục triển khai chỉ còn 3.172 dự án với diện tích đất là 80.653 ha, trong đó diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.268 ha. Dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu là 460 dự án với tổng diện tích đất khoảng 20.128 ha, trong đó diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 7.574 ha. Dự án tạm dừng triển khai là 306 dự án với tổng diện tích đất là 14.897 ha, bao gồm 4.394 ha đất xây dựng nhà.
BDSGOVAP.com - Theo Pháp Luật & Xã hội
Tin khác
- Bỏ quy định kinh doanh BĐS phải có 50 tỷ đồng
- Chờ một chính sách cởi mở, rõ ràng
- Nhiều dự án bất động sản xin chuyển sang nhà ở xã hội
- Nháo nhác chung cư bình dân
- Không chấp thuận đề nghị hoãn trả phí bảo trì của chủ đầu tư Keangnam
- Lo ngại sau vụ mất 3.000 phôi sổ đỏ
- Sốt căn hộ cho thuê tại Nha Trang
- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Phát triển nhà ở xã hội phải làm từ từ
- Thị trường bất động sản đón dòng vốn mới
- Cho thuê đất vùng ven biển phải xin ý kiến liên Bộ