Lo ngại sau vụ mất 3.000 phôi sổ đỏ

Vụ 3.000 phôi sổ đỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành cho Đà Nẵng và Phú Yên đã “không cánh mà bay” khiến nhiều người lo ngại. 5 tháng trôi qua, cơ quan chức năng vẫn không lần ra manh mối gì. Đáng lo ngại việc thất lạc này có nguy cơ dẫn đến hàng nghìn vụ lừa đảo liên quan đến mua bán, thế chấp bất động sản. 

Cảnh báo rộng rãi

Việc mất 3.000 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở (sổ đỏ) xảy ra vào tháng 1/2015. Đây là số phôi mất khi phát chuyển về địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) 2 địa phương này đã ủy quyền cho Công ty Cổ phần Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên môi trường trực tiếp nhận phôi sổ đỏ từ Tổng cục Quản lý đất đai. Sau đó công ty này đã chuyển giao số phôi sổ đỏ cho Tổng Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Hợp Nhất (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội) để đưa vào Đà Nẵng và Phú Yên.

Lo ngại sau vụ mất 3.000 phôi sổ đỏ
 

Kho hàng của Tổng Công ty Cổ phần Chuyển phát nhanh Hợp Nhất tại Hà Nội - nơi 3.000 phôi sổ đỏ bị thất lạc


Được biết, 3.000 phôi sổ đỏ thất lạc có số seri từ BY 811001 tới BY 812000, BY 823001 tới BY 824000, BY 893001 tới BY 894000. Số phôi sổ đỏ này đã bị “mất tích” bí ẩn khi đang thực hiện các thủ tục để chuyển phát nhanh từ Hà Nội vào Đà Nẵng (2.000 phôi) và Phú Yên (1.000 phôi).

Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi tới 63 Sở TN&MT đề nghị không sử dụng, xác nhận đối với những phôi sổ đỏ có số seri nằm trong dãy seri phôi sổ đỏ thất lạc kể trên. Nếu phát hiện phôi sổ đỏ có seri nêu trên phải báo ngay cho cơ quan công an hoặc thông báo về Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) để có hướng xử lý kịp thời.

Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cũng đã có văn bản đề nghị Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, truy tìm nhưng đến nay chưa có kết quả.

Về vấn đề này, ông Phạm Ngô Hiếu, Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), cho biết: “Số phôi sổ đỏ trên được xác định thất lạc từ kho của đơn vị chuyển phát nhanh tại phường Trung Tự, quận Đống Đa (Hà Nội), còn việc để thất lạc ra sao thì phải chờ cơ quan công an điều tra”.

Trao đổi với phóng viên về khả năng các phôi sổ đỏ thất lạc sẽ bị sử dụng để lừa đảo trong giao dịch nhà đất tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội thừa nhận nguy cơ này rất cao. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, việc lừa đảo cũng chỉ có thể diễn ra tại thị trường tự do, khi người mua bán thay vì đến các cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật lại thực hiện giao dịch trao tay vì sợ phiền hà.

Ông Nghĩa cũng cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về việc 3.000 phôi sổ đỏ bị thất lạc, Sở TN&MT Hà Nội cũng nhanh chóng chặn “đầu vào” bằng cách mã hóa các sổ đỏ có số seri bị thất lạc trên hệ thống máy tính. Do đó, khi những sổ đỏ thất lạc xuất hiện, máy tính sẽ tự động loại bỏ các mã seri này và cơ quan chuyên môn dễ dàng phát hiện ngay sổ giả.

Cần quy định về chuyển phát nhanh

Trao đổi với phóng viên Báo Năng Lượng Mới, ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin 3.000 phôi sổ đỏ thất lạc.

Ông Cuông cho rằng, Tổng cục Quản lý đất đai đã có hướng dẫn về quy trình cấp phát rất chặt chẽ. Đối với các tỉnh, thành phố xa trung tâm Hà Nội và TP HCM thường kết hợp lịch công tác để nhận trực tiếp. Rõ ràng, Bộ đã có quy định mà vẫn cho chuyển phát nhanh để xảy ra chuyện thất lạc 3.000 phôi sổ đỏ thì cần phải xem xét trách nhiệm.

“Không ai có thể phủ nhận tính tiện lợi, hiệu quả của dịch vụ chuyển phát nhanh nhưng qua vụ việc này, theo cá nhân tôi, cần công tác quản lý Nhà nước để ngăn chặn các vụ việc tương tự. Đặc biệt đối với cơ quan Nhà nước cần có các danh mục tài liệu quan trọng không được sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh. Việc tùy tiện chuyển, gửi với các tài liệu quan trọng, ví dụ như phôi sổ đỏ hay các phôi giấy tờ quan trọng khác sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu phạm pháp”, ông Cuông nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, Luật sư Bùi Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc bị thất lạc tới 3.000 phôi sổ đỏ khiến thị trường bất động sản có nguy cơ diễn ra lừa đảo nhiều hơn. Ông Hưng phân tích, khác với tiền giả có thể dùng tay hoặc mắt thường phân biệt được, còn sổ đỏ giả phải do cơ quan chức năng xác nhận. Trong khi đó, rất nhiều giao dịch địa ốc, nhất là giao dịch liên quan đến thế chấp, đặt cọc, người tham gia giao dịch thường giao dịch “tay bo”, nên khả năng bị lừa đảo là rất cao.

“Thực tế cũng cho thấy, hiện tượng lừa bán đất bằng sổ đỏ giả từng xảy ra khá nhiều. Hậu quả là không ít người đến nay vẫn chưa thể đòi lại tiền sau nhiều năm trời”, ông Hưng cho biết thêm.


BDSGOVAP.com - Theo PetroTimes