TPHCM sẽ làm gì trong lòng đất?

Tp.HCM đang manh nha những kế hoạch dài hạn, trong đó tập trung kêu gọi và thu hút đầu tư các nguồn vốn trong và ngoài nước, vốn viện trợ ODA để đầu tư phát triển mạnh không gian ngầm.

- Trong chiến lược đầu tư phát triển đến năm 2020 theo các quy hoạch đề ra, Tp.HCM sẽ hình thành một “thành phố năng động” sâu bên dưới lòng đất.

- Thành phố cần ưu tiên dành diện tích đất xung quanh công viên 23/9 hiện hữu để đầu tư phát triển bến xe buýt ngầm và một phần làm bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại với quy mô tối đa 4 tầng ngầm.

TPHCM sẽ làm gì trong lòng đất?
 
Theo Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Tp.HCM, trong chiến lược đầu tư phát triển đến năm 2020 theo các quy hoạch đề ra, Tp.HCM sẽ hình thành một “thành phố năng động” sâu bên dưới lòng đất. Điều này có nghĩa là trong vòng 5 năm tới sẽ có một đại công trường ngầm để xây dựng những dự án trung tâm thương mại và hạ tầng giao thông quy mô hiện đại bên dưới khu vực phát triển mạnh nhất của thành phố mà không gây hảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động bên trên mặt đất hiện hữu.

Cụ thể, khu trung tâm sẽ được chia thành 5 phân khu chính, trong đó ngoài việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử kiến trúc hiện hữu, thành phố sẽ biến nơi đây thành một khu vực kinh tế - thương mại phát triển ngang tầm khu vực vực châu Á. Tất cả đều nằm dưới lòng đất. Phân khu 1 sẽ là khu vực tập trung các công trình có chức năng thương mại - tài Chính (CBD) của thành phố, đa số được xây dựng ngầm trong lòng đất với diện tích gần 50.000m2.

Theo đó, tại phân khu 1 có tổng cộng 7 nhà ga metro ngầm (tàu vận tải khối lượng lớn) sẽ được xây dựng, gồm 2 nhà ga của tuyến số 1, 2 nhà ga của tuyến số 2, 2 nhà ga của tuyến số 3A và 1 nhà ga của tuyến số 4. Nhà ga Bến Thành là điểm gặp nhau của các tuyến số 1, 2, 3A và 4. Như vậy, trước chợ Bến Thành, bên cạnh nhà ga xe buýt hiện hữu, còn có các nhà ga metro và BRT (vận chuyển nhanh bằng xe buýt), tạo thành một khu vực ga giao thông công cộng ngầm quan trọng nhất của TP.HCM.

Phân khu 2 có 3 tuyến metro, đó là tuyến số 3 đi dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai với 3 nhà ga; tuyến số 4 đi từ đường Hai Bà Trưng lên nhà ga Bến Thành; và tuyến số 2 đi dưới đường Cách Mạng Tháng 8 tới nhà ga Bến Thành.

Phân khu 3 sẽ có hai nhà ga UMRT được quy hoạch cho tuyến số 1 và số 5. Dự kiến Nhà ga UMRT bố trí gần cầu Sài Gòn. Hiện tại, khả năng tiếp cận từ khu CBD tới đường Nguyễn Hữu Cảnh còn hạn chế, nhưng những dịch vụ kèm theo của tuyến metro sẽ tăng cường khả năng tiếp cận của khu vực trong tương lai. Phân khu 4, sẽ có các tuyến metro 2, 3, và 4. Tuyến số 2 và số 3 sẽ lần lượt chạy dưới đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Thị Minh Khai. Tuyến số 4 sẽ đi dưới đường Hai Bà Trưng.

Phân khu 5 sẽ là khu vực kế cận phân khu 1 về phía Nam, phát triển với chức năng kinh doanh thương mại tiếp nối từ khu Trung tâm Thương mại - Tài chính, thuộc một phần quận 1 và quận 4.

Sở QHKT cũng cân nhắc việc phát triển cao tầng trong lõi trung tâm vẫn được khuyến khích, tuy nhiên cần có sự cân đối hợp lý để giảm bớt sự quá tải lên cơ sở hạ tầng ngầm và dành nhiều diện tích đất cho không gian đi bộ, không gian xanh dọc bờ sông Sài Gòn và không gian công cộng hướng ra sông từ cảng quận 4 đến khu Tân Cảng.

Trong đó, thành phố cần ưu tiên dành diện tích đất xung quanh công viên 23/9 hiện hữu để đầu tư phát triển bến xe buýt ngầm và một phần làm bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại với quy mô tối đa 4 tầng ngầm (2 tầng đậu xe và 2 tầng thương mại – dịch vụ) nhằm giải phóng không gian trên mặt đất và chống ùn tắc giao thông khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung mở rộng không gian đô thị về phía sông, thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ Tây sông Sài Gòn nhằm tạo động lực phát triển, sức hút đầu tư cho vùng phía Bắc khu trung tâm và dọc tuyến metro số 1.

Để đạt được mục tiêu đầu tư hạ tầng cơ sở ngầm đề ra đúng với Đồ án, theo tính toán của nhà thầu tư vấn Nikken Sekkei của Nhật Bản, thì từ nay đến năm 2020 TP.HCM cần ít nhất nguồn vốn đầu tư là 900 triệu USD.

Các dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư

- Xây dựng đường ngầm theo đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên Bến Bạch Đằng tạo công viên bờ sông.

- Đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm ngầm dưới Công viên 23/9.

- Bãi đậu xe và trung tâm mua sắm bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn và Công trường Mê Linh làm.

Ngoài ra còn các dự án đang được xem xét, triển khai như bãi xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám, sân khâu Trống Đông, sân thể thao Hoa Lư..

BDSGOVAP.com