Tiền lại đổ vào đất

Thị trường bất động sản (BĐS) ấm lại, nhưng đi kèm niềm vui là nỗi lo cũ lại lấp ló: tiền lại chảy vào đất dẫn đến nguy cơ bong bóng BĐS và làm tê liệt nền kinh tế. Từ góc nhìn kiều hối sẽ minh chứng điều đó!

 

 

Nhiều dự án bất động sản đang triển khai tại TPHCM đón dòng kiều hối đổ về. Ảnh: CAO THĂNG

Hấp lực từ bất động sản

Chị Lê Hoa Mỹ, ngụ quận 10 (TPHCM) cho biết, chồng chị đang làm việc trong xưởng sản xuất gỗ tại Trung Quốc, hàng năm chuyển về nước khoảng 30.000 USD. Do lãi suất tiền đồng 2 năm gần đây đã xuống thấp nên chị quyết định rút khoảng 1 tỷ đồng để mua 200m2 đất ở Củ Chi. “Tôi thấy thị trường nhà đất đã ấm dần lên là có thật, vì miếng đất này cách đây 2 năm được rao bán với giá khoảng 800 triệu đồng, nhưng nay chúng tôi phải mua với giá gần 1 tỷ đồng. Nếu có lời chúng tôi sẽ bán, còn không, có thể xây nhà để ở”, chị Hoa cho hay.

Đây là một thực tế bắt đầu hình thành đối với dòng kiều hối chảy về Việt Nam. Lãnh đạo một công ty kiều hối hàng đầu tại TPHCM nhận định, lượng kiều hối trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đổ vào đầu tư BĐS ngày càng tăng. Thông thường khi nhận kiều hối thông qua ngân hàng, những năm trước khách hàng thường bán ngoại tệ cho ngân hàng, chuyển sang tiền đồng để gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, gần đây do lãi suất tiền gửi đồng VN thấp, lãi suất USD càng thấp hơn, nên không ít khách hàng đã đổ vào bất động sản: thông qua ngân hàng, khách hàng đã giải ngân trực tiếp cho các dự án đang bán! Với chính sách cởi mở cho phép người nước ngoài mua nhà, nếu các điều kiện thủ tục đi theo đó thông thoáng thì chắc chắn lượng kiều hối chuyển vào BĐS sẽ gia tăng hơn nữa.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2015, kiều hối có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 5, nguồn kiều hối chảy về TPHCM thông qua các ngân hàng trên địa bàn đạt 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014 và bằng khoảng 35% so với nguyên năm 2014. Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam chủ yếu vẫn từ thị trường châu Âu, châu Mỹ. Với tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước đang có chuyển biến tích cực, nhất là khi thị trường BĐS trong nước có dấu hiệu ấm lên, sẽ là điều kiện tốt để thu hút nguồn kiều hối từ các nước chảy về Việt Nam trong năm nay. Nhiều dự báo kiều hối năm 2015 có thể lên đến 5,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, đang có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư, ngoài chảy vào kinh doanh thì lượng kiều hối chảy vào kênh BĐS tăng cao hơn trong năm 2014 và năm 2015. Dự báo lượng kiều hối chuyển vào BĐS sẽ tăng nhiều hơn từ nay đến cuối năm. “Tỷ lệ kiều hối chuyển vào BĐS tăng khoảng 21,2% trong năm 2014 thì có thể cuối năm 2015, dự kiến lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực này có thể sẽ tăng 23% - 24%. Kiều hối đổ vào lĩnh vực BĐS chủ yếu được đầu tư vào các dự án đang thực hiện dở dang, trong đó có cả những dự án đầu tư cao cấp”, ông Minh nói.

Bung hàng khủng, ai cũng nói bán chạy!

Nếu so với năm 2007 thì năm nay rổ hàng BĐS lớn khủng khiếp, trải đều các phân khúc, nhưng riêng hàng cao cấp thì nhiều hơn hết. Có điều rất lạ, với thu nhập chung còn rất thấp, nhưng kết quả kinh doanh của các công ty BĐS đều bán hàng rất chạy!

Trong khu vực nóng quận 2 - Bình Thạnh, có khoảng 20.000 sản phẩm nhà ở cao cấp đang hình thành và mở bán, như Masteri, Sala… Theo các sàn giao dịch BĐS, sau khi mở bán 2 lốc với 1.600 căn hộ, hiện nay chủ đầu tư tiếp tục mở bán lốc tiếp theo, nhận xét chung là “giá bán lốc sau tăng hơn lốc trước khoảng 3 triệu đồng/m2”. Nếu tính trung bình giá trị một sản phẩm khoảng 3 tỷ đồng, khu vực này sẽ hút dòng tiền khoảng 60.000 tỷ đồng! Theo nhận xét của Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, trong quý 1-2015 có 7 dự án mới và các giai đoạn mới của 13 dự án hiện hữu tung bán khoảng 6.600 căn hộ, tăng 40% theo quý và tăng 137% theo năm. Đây là mức tăng nhiều nhất trong một quý kể từ quý 2 năm 2011. Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng giao dịch thành công năm 2014 và quý 1 năm 2015 tăng trưởng khá, chủ yếu tại phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, các dự án đã hoàn thành, dự án tại khu vực có đầy đủ các công trình hạ tầng và các dự án đang thi công với tiến độ tốt, bên cạnh đó cũng đã có nhiều giao dịch thành công tại phân khúc sản phẩm trung và cao cấp. Năm 2014, tại Hà Nội có 11.550 giao dịch thành công, tăng gần 2 lần so với 2013; tại TPHCM có khoảng 10.350 giao dịch thành công, tăng gần 30% so với 2013. Trong 4 tháng đầu năm 2015 có khoảng 5.850 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2014, riêng tháng 4-2015 có khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng 10% so với tháng 3-2015.

Song song với BĐS bán chạy thì các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay. Dự án BĐS ngày càng nhiều, lượng tiền đổ vào BĐS tăng mạnh là điều đáng lo ngại. Chính vì lẽ đó, trong phiên họp gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý theo dõi sát, kiểm soát tốt tình hình, tránh việc xảy ra bong bóng BĐS như những năm trước đây, phải rất gian nan để xử lý.

BDSGOVAP.com - Theo SGGP