Quy hoạch chạy theo dự án?
Trong khi nhiều quận, phường ở Hà Nội đang thiếu trường học, bãi đỗ xe, không ít dự án được quy hoạch làm trường học, bãi đỗ xe lại được thay thế bằng các dự án khu chung cư thương mại cao tầng để bán, gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng quy hoạch đang chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư, của doanh nghiệp?
Khu đất C3 nay trở thành dự án chung cư cao tầng để bán. Ảnh: Nguyễn Tú
|
Cao ốc thế chỗ trường học, bãi đỗ xe
Đến thời điểm này, quận Thanh Xuân là một trong những quận nội đô của Hà Nội chưa có công viên, chưa có vườn hoa công cộng. Nhiều khu vực, người dân bức xúc trước tình trạng quá tải của hạ tầng đô thị. Như về điểm đỗ xe, hàng loạt dự án đã được quy hoạch làm bãi đỗ xe, làm công trình hạ tầng trên địa bàn quận nhưng sau đó lại được chuyển thành các dự án nhà chung cư cao tầng để bán.
Đơn cử tại khu chung cư cao tầng N thuộc khu tái định cư Trung Hòa- Nhân Chính là khu đô thị mới với mật độ dân cư rất cao dù xung quanh liên tục xuất hiện các tòa nhà cao tầng san sát nhau (hiện có 19 toà chung cư cao tầng) khiến nhu cầu trông giữ, gửi xe ngày càng bức thiết.
Theo quy hoạch được duyệt của khu N, tại ô đất C3 (với diện tích 2.400m2)-nằm ngay mặt đường Lê Văn Lương, là nơi xây dựng nhà cao tầng để xe kết hợp với văn phòng nhằm giải quyết chỗ đỗ xe cho người dân khu vực.
Tuy nhiên, ô đất đã bị điều chỉnh thành dự án khu nhà ở-dịch vụ-thương mại, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Theo giấy phép xây dựng số 53 do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 23/4/2012 cho Tổng Cty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội cùng hợp tác với Cty CP Đầu tư Thương mại Hà Nội Xanh và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm tòa tháp chung cư thương mại cao 17 tầng+3 tầng hầm.
Điều đáng nói, sau khi chuyển đổi thành dự án chung cư, chủ đầu tư dự án vừa triển khai thi công vừa xin điều chỉnh giấy phép xây dựng. Cụ thể ngày 28/11/2014, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã có chấp thuận điều chỉnh phương án kiến trúc sơ bộ của dự án với nội dung như: số tầng là 20 tầng nổi +3 tầng hầm (trong đó tầng 18 và tầng 19 trở thành tầng chức năng căn hộ để bán).
Cũng tại khu đất “vàng” ở lô đất ký hiệu H1 nằm cạnh siêu thị BigC Thăng Long thuộc phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), nằm trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và trường dạy nghề, nhà ở kết hợp nhà trẻ do Cty Cổ phần VIMECO (thuộc Tổng Cty CP Vinaconex) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, lô đất H1 có chức năng trường học (nhà trẻ). Ngày 18/10/2004, Sở Quy hoạch-Kiến trúc có văn bản chấp thuận bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng dự án với chức năng ô đất để xây dựng trường dạy nghề. Dù đã nhiều lần khu đất H1 được điều chỉnh từ dự án trường học thành trường dạy nghề, thế nhưng nó không chỉ dừng lại mà tiếp tục được điều chỉnh thành một dự án công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại cao 42 tầng. Cụ thể 39 tầng + 4 tầng hầm + 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái với trên 400 căn hộ chung cư để bán.
Điều chỉnh quy hoạch nhiều lần - trách nhiệm của cơ quan tham mưu
Ông Hoàng Trung Thành, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho hay, tuyến đường Lê Văn Lương nơi có khu đô thị Trung Hoà-Nhân Chính đang chịu áp lực rất lớn trước nguy cơ quá tải khi dọc hai bên tuyến đường này nhan nhản dự án nhà ở cao tầng “mọc lên”: “Chỉ riêng khu đô thị Trung Hoà-Nhân Chính đã có tới 19 toà chung cư cao tầng. Trong khi cả khu không có chợ dân sinh, còn khu đất dự kiến làm bãi đỗ xe thì đã chuyển thành nhà cao tầng nên chúng tôi rất vất vả trong việc quản lý vỉa hè, đường nội bộ của khu dân cư khi bị chiếm dụng làm bãi trông giữ xe”, vị cán bộ phường Nhân Chính cho biết.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng, thực tế nhiều khu vực, nhiều tuyến phố nội thành dù hạ tầng, đường sá đã quá tải nhưng vẫn phải gồng mình gánh những khu nhà chọc trời kéo theo nhiều hệ lụy. “Quy hoạch không phải là bất biến nhưng nếu thay đổi xoành xoạch, phá vỡ quy hoạch các dự án về hạ tầng như bãi đỗ xe, trường học, công viên… thì không phải là an toàn nữa. Khi quy hoạch bị phá vỡ sẽ làm rối loạn vận hành của đô thị”, ông Liêm nói.
Nhiều ý kiến chuyên gia về quy hoạch, công tác quy hoạch kiến trúc là nhiệm vụ trọng yếu, rất quan trọng trong quản lý đô thị, nhưng lâu nay các sở, ngành Hà Nội chưa làm tốt, thậm chí quy hoạch đang chạy theo dự án, theo nhà đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo từng nêu trong một lần làm việc với Sở Quy hoạch-Kiến trúc: “Một dự án điều chỉnh nhiều lần, có dự án vừa được điều chỉnh quy hoạch tổng thể rồi lại tiếp tục trình điều chỉnh cục bộ. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của cơ quan tham mưu”.
BĐSGOVAP.com - Theo Tiền phong
Tin khác
- Bảo lãnh bất động sản: Chủ đầu tư không biết trả ngân hàng mức phí bao nhiêu?
- Xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm mua, thuê mua nhà ở xã hội
- Cấp đổi giấy chứng nhận nhà đất: ách tắc vì quy định mới
- Khu đô thị Cát Lái, điểm đến mới của cư dân trẻ Sài Gòn
- Chây ì làm sổ đỏ cho dân
- Bán nhà cho Tây, đô la có dễ hốt?
- Hồ sơ nhà, đất trễ: Quy rõ trách nhiệm
- 1,5 tỷ đồng nên đầu tư vào bất động sản nào ?
- 11 năm, siêu Dự án Công viên Sài Gòn Safari vẫn bất động
- Thị trường đang làm “hoa mắt” nhà đầu tư thứ cấp