Chây ì làm sổ đỏ cho dân
Tại nhiều quận/huyện trên địa bàn TPHCM, số hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) của người dân chưa được giải quyết còn tồn đọng rất nhiều. Đặc biệt tại nhiều dự án nhà ở, chung cư, tình trạng chủ đầu tư (CĐT) nợ sổ đỏ đã trở nên phổ biến, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Mòn mỏi chờ sổ đỏ
Việc CĐT dự án nhà ở chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã được người dân phản ánh rất nhiều, nhất là những dự án nhà ở đã hoàn thành, các hộ mua nhà đã trả hết tiền cho CĐT và nhận nhà để ở trong nhiều năm. Dù đã có chế tài xử phạt chủ CĐT đối với việc chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ nhưng khâu kiểm tra, giám sát, thực thi luật chưa nghiêm nên doanh nghiệp luôn cố tình chây ì, thậm chí bán nhà cho khách hàng trong khi tài sản đã đem thế chấp ở ngân hàng.
Dẫn chứng về sự vi phạm hợp đồng, chậm ra sổ đỏ tại một dự án chung cư trên địa bàn quận 9, ông Trần Hoàng Nam, một cư dân cho chúng tôi xem các điều khoản trong hợp đồng. Trong đó, điều khoản quy định thực hiện hồ sơ, thủ tục cấp sổ đỏ thể hiện rõ: “Bên A (CĐT) cam kết hoàn thành và nộp hồ sơ cho cơ quan cấp sổ đỏ quyền sở hữu căn hộ trong thời hạn 60 ngày kể từ khi bên B (người mua nhà) thanh toán đầy đủ theo quy định của hợp đồng, trừ trường hợp lỗi bên B trong việc cung cấp giấy tờ, hồ sơ, thay đổi địa chỉ và thông tin cá nhân nhưng không thông báo bên A hoặc quy định của pháp luật thay đổi”.
Ông Nam và nhiều hộ dân khác đã thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng cho CĐT, dọn vào ở từ năm 2012, đủ điều kiện để CĐT làm thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Tương tự, ông Trần Hoàng An, sống tại khu dân cư Gia Hòa (phường Phước Long B, quận 9), cho biết, năm 2006 ông mua 1 nền đất tại đây, sau đó cất nhà và dọn vào ở năm 2012.
Năm 2014, CĐT bắt đầu ra sổ đỏ cho từng nền đất nhưng đứng tên Gia Hòa. Ông An không nhận giữ sổ đỏ này vì cho rằng không có giá trị và tiếp tục hối thúc công ty ra sổ đỏ đứng tên mình. CĐT đã yêu cầu ông An bổ sung nhiều loại giấy tờ để hoàn thiện thủ tục cấp sổ đỏ, nhưng cũng như ông Nam, đến nay ông An chưa nhận được sổ đỏ.
Tình trạng ách tắc cấp sổ đỏ tại chung cư The Ruby Land (4 Lê Quát, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú), do Công ty Tân Hoàng Thắng làm CĐT, kéo dài nhiều năm qua cũng khiến người dân hết sức bức xúc, gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Tòa nhà được hoàn thành từ năm 2009 với quy mô 18 tầng và 280 căn hộ, song 6 năm qua chưa có hộ nào được cấp sổ đỏ. Theo người dân phản ánh, CĐT không làm được sổ đỏ cho từng hộ do họ còn nợ thuế. Không những thế, CĐT đã đem sổ đỏ và tài sản gắn liền với toàn bộ căn hộ đã bán cho người dân đem thế chấp ngân hàng, đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Trong buổi làm việc mới đây với đại diện các cơ quan ban ngành liên quan nhằm giải quyết khiếu nại của cư dân Ruby Land về vấn đề cấp sổ đỏ, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị Công ty Tân Hoàng Thắng khẩn trương làm việc với ngân hàng đang thế chấp, có ý kiến bằng văn bản thống nhất cấp sổ đỏ cho các cư dân đã mua căn hộ. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản trị tiếp xúc, giải thích và hướng dẫn cư dân hoàn thành hồ sơ cấp sổ đỏ, đảm bảo minh bạch và đúng quy định.
Sẽ phạt nặng
Mua nhà, đất bị treo sổ đỏ tại các dự án gây thiệt thòi lớn cho người dân vì không thể thực hiện được các quyền về mua bán, thế chấp, nhập hộ khẩu, cũng như không thể tạo lập được cuộc sống ổn định trong chính ngôi nhà của mình. Có nhiều nguyên nhân khiến cho quá trình cấp sổ đỏ dây dưa, trong đó có thể kể đến như CĐT xây dựng trái phép, nợ thuế hoặc thế chấp dự án cho ngân hàng để vay vốn.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, việc thế chấp giữa CĐT và ngân hàng là quan hệ dân sự. CĐT có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng bằng tài sản của mình; ngân hàng có trách nhiệm khi cho vay phải kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo thu hồi vốn. Không thể để người dân đã mua nhà hợp pháp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với CĐT, nhưng lại không được quyền sở hữu đối với căn hộ của mình trong nhiều năm.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân mua nhà tại các dự án trên địa bàn TPHCM, ông Tín đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan rà soát toàn bộ dự án trên địa bàn có tình trạng cầm sổ đỏ dự án; phân tích, thống kê cụ thể các dự án và các trường hợp người mua nhà chưa được cấp sổ đỏ tại các dự án trên; khẩn trương dự thảo văn bản cho UBND TP báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với CĐT tại các dự án này.
Ngoài ra, cần có chế tài để chấn chỉnh, xử lý mối quan hệ giữa ngân hàng và CĐT nhằm nâng cao trách nhiệm của ngân hàng khi cho CĐT vay tiền. Theo đó, ngân hàng có trách nhiệm theo dõi tiến độ sử dụng vốn vay và đề ra giải pháp thu hồi nợ vay, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà.
UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người mua nhà tại các dự án trên địa bàn. Ảnh: M.Tuấn
|
Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (có hiệu lực từ ngày 25-12-2014), CĐT nhận trách nhiệm làm sổ đỏ cho người mua nhà ở, nếu chậm làm thủ tục cấp giấy sẽ bị phạt nặng.
Cụ thể, CĐT chậm cấp sổ đỏ cho người dân từ 3-6 tháng sẽ bị xử phạt 10-100 triệu đồng; chậm làm thủ tục từ trên 6-9 tháng phạt tiền 30-300 triệu đồng; chậm làm thủ tục từ trên 9-12 tháng phạt 50-500 triệu đồng; chậm làm thủ tục từ trên 12 tháng trở lên mức phạt 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
BĐSGOVAP.com - Theo Sài Gòn Đầu tư
Tin khác
- Quy hoạch chạy theo dự án?
- Bảo lãnh bất động sản: Chủ đầu tư không biết trả ngân hàng mức phí bao nhiêu?
- Xử lý nghiêm chủ đầu tư vi phạm mua, thuê mua nhà ở xã hội
- Cấp đổi giấy chứng nhận nhà đất: ách tắc vì quy định mới
- Bán nhà cho Tây, đô la có dễ hốt?
- Hồ sơ nhà, đất trễ: Quy rõ trách nhiệm
- 1,5 tỷ đồng nên đầu tư vào bất động sản nào ?
- 11 năm, siêu Dự án Công viên Sài Gòn Safari vẫn bất động
- Thị trường đang làm “hoa mắt” nhà đầu tư thứ cấp
- Thu 80 triệu đồng “đặt chỗ” nhà ở xã hội: “Phải mời công an vào cuộc ngay”