11 năm, siêu Dự án Công viên Sài Gòn Safari vẫn bất động

Được phê duyệt thực hiện năm 2004 với kỳ vọng khi hoàn thành sẽ trở thành công viên sinh thái mang tầm cỡ khu vực, song Dự án Công viên Sài Gòn Safari đã qua 11 năm triển khai mà vẫn chưa biết ngày về đích.

 

 

Dự án Công viên Sài Gòn Safari hiện bất động sau hơn một thập kỷ triển khai

Người dân bức xúc

Năm 2004, Dự án Công viên Sài Gòn Safari được UBND TP.HCM phê duyệt thực hiện tại địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, với mong muốn biến Dự án thành mô hình công viên giải trí du lịch sinh thái, tổ chức nuôi dưỡng, trưng bày nhân giống các loài động, thực vật trong nước và các châu lục khác trên thế giới.

Để thực hiện Dự án, tháng 6/2004, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi đất, giao chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và xây dựng khu tái định cư cho 705 hộ dân. Tới nay, huyện Củ Chi đã chi trả bồi thường 684/705 hộ, với số tiền 560/619 tỷ đồng, đạt 97%. Trong số 750 hộ bị ảnh hưởng, có 246 hộ đăng ký tái định cư, nhưng khu tái định cư hiện vẫn chưa được xây dựng.

Có mặt tại khu vực dự án, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận, khu vực này đã được cắm mốc lộ giới và quây hàng rào kẽm gai, nhưng bên trong chỉ là bãi đất bị cỏ mọc um tùm xen lẫn dấu tích của những căn nhà đã bị đập bỏ... “Nếu Dự án không thực hiện được thì Thành phố nên trả đất lại cho dân canh tác, chứ để đất hoang hơn chục năm trời quá lãng phí”, Lâm Thị Hiếu, một người dân thuộc vùng bị ảnh hưởng bức xúc.

Theo bà Hiếu, khi vận động người dân, lãnh đạo huyện Củ Chi nói chỉ sau 3 tháng sẽ có nhà tái định cư, nhưng đã 11 năm trôi qua, mà người dân vẫn không có nhà để ở, không có đất để sản xuất. Hiện tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, quá trình bồi thường phát sinh nhiều vấn đề khiến người dân khiếu kiện khắp nơi.

Được biết, chính vì sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng cùng quá trình thương thảo giá thuê thầu diễn ra quá lâu mà năm 2013, Công ty Bernard Harrison & Friends Ltd (Singapore), đơn vị được thuê làm chủ thầu tư vấn dự án đã xin rút khỏi Dự án.

Chủ đầu tư chưa nản

Dự án Công viên Sài Gòn Safari được phê duyệt vào tháng 6/2004, nhưng tới năm 2009 mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2.000. Sau đó phải tới tháng 1/2011, UBND TP.HCM mới chấp thuận cho Công ty Bernard Harrison & Friends Ltd (Singapore) làm chủ thầu tư vấn thực hiện thi công.

Tuy nhiên, tới tháng 12/2012, việc đàm phán hợp đồng tư vấn lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 giữa chủ đầu tư và Công ty Bernard Harrison & Friends Ltd vẫn không thành công, khi phía Công ty đưa ra mức giá cao hơn 1,9 lần so với thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.

Trao đổi về tiến độ của Dự án cũng như việc xây dựng khu tái định cư cho người dân, ông Lê Minh Tấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, vấn đề này do chủ đầu tư thực hiện, huyện đã làm hết trách nhiệm của mình.

Về phía chủ đầu tư, ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, tới thời điểm này, Công ty đã có hàng trăm văn bản yêu cầu huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng Dự án, vì UBND Thành phố chỉ giao Công ty quyền ghi vốn khi phía huyện Củ Chi yêu cầu chi.

“Từ năm 2012 đến 2014, Thảo Cầm Viên Sài Gòn phải trả lại vốn được ghi vì Ban Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi không giải ngân được kinh phí giải phóng mặt bằng cho Dự án”, ông Hưng nói.

Trước câu hỏi về việc có tiếp tục thực hiện Dự án hay không, ông Hưng khẳng định là có và cho biết, mới đây, văn bản của Công ty đề xuất giá hợp đồng lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được UBND Thành phố chấp thuận, nhưng còn phải chờ ý kiến của Bộ Xây dựng.

Theo ông Hưng, với số vốn của Dự án quá lớn, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã có phương án khắc phục bằng cách kêu gọi những đơn vị cùng lĩnh vực tại Singapore, Thái Lan… hỗ trợ nguồn vốn bằng hình thức qua lại, vì Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng từng hỗ trợ các đơn vị này xây dựng công viên Safari tại các nước bạn.


 BĐSGOVAP.com - Theo Đầu tư