“Lạm phát” tin nhắn chào mời mua bất động sản
Uy tín của chủ đầu tư và dự án có nguy cơ bị mai một khi nhiều nhân viên môi giới bất động sản tận dụng mọi phương thức để đẩy doanh số bán hàng.
Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn
|
Tin nhắn lúc nửa đêm
Phản ánh đến Báo Đầu tư, nhiều thuê bao di động tại Hà Nội của các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone, MobiFone tỏ ra bức xúc về tình trạng bội thực tin nhắn chào bán căn hộ, biệt thự tại Hà Nội thời gian qua.
Chị Lê Hải Yến (sống tại phố Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, ngày nào cũng có hàng chục số điện thoại lạ vẫn “cần mẫn” nhắn tin chào mua bất động sản, từ chung cư cao cấp đến biệt thự liền kề, từ căn hộ bình dân đến dự án siêu sang.
“Chỉ cần có 10 triệu, 20 triệu là có thể đặt cọc căn hộ ở những dự án hạng sang ở Hà Nội. Có những thời điểm có 2 - 3 thuê bao tự giới thiệu ở các sàn giao dịch khác nhau giới thiệu 1 căn hộ ở cùng dự án đâm ra nghi ngờ khả năng “hút hàng” mà dự án đã từng quảng bá trước đó. Khó chịu nhất vào thời điểm ban đêm hay cuối tuần, những vị khách này vẫn tìm đến. Vì bội thực các loại tin nhắn rác này mà đâm ra ghét lây tên tuổi những dự án mà mình bị chào mời”, chị Yến nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình trạng “lạm phát” tin nhắn chào mời mua bất động sản hiện nay, ông Lê Xuân Trường, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở tại đường Lê Văn Lương (Hà Nội) và đang là nhà thầu ở nhiều dự án bất động sản cho biết, thực tế, từ cuối năm 2014, tại Hà Nội, với việc hàng loạt chủ đầu tư tái khởi động các dự án đình trệ trước đây như Castle Plaza (136 - Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm - nay là Goldmark City); CT7 Dương Nội (nay là Park View Residence, quận Hà Đông), Gemek Tower (huyện Hoài Đức)… áp lực bán hàng luôn là vấn đề đau đầu với cả chủ đầu tư lẫn đơn vị môi giới. Bản thân ông cũng nhận được hàng chục cuộc gọi, tin nhắn chào bán bất động sản bất kể ngày đêm.
“Trong khi các chủ đầu tư đang tận dụng sự ấm lên của thị trường để khởi động lại dự án và đẩy mạnh doanh số bán hàng, thì lại không có bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào đứng ra khảo sát nhu cầu thực sự về bất động sản của người dân. Đây có thể là con dao 2 lưỡi đẩy thị trường bất động sản đóng băng trở lại do nguồn cung dư thừa”, ông Trường nói.
“Bóng ma” hàng tồn
Ông Trần Anh Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản sống tại Khu đô thị Splendora (huyện Hoài Đức, Hà Nội) từng “ôm” căn hộ, biệt thự ở khu vực phía Tây Hà Nội nhiều năm nay tỏ ra nghi ngờ số lượng giao dịch bất động sản do các chủ đầu tư công bố. “Tôi đang chào bán nhiều bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội với giá chỉ bằng 1 nửa so với thời điểm năm 2012, nhưng không có giao dịch”, ông Tuấn cho biết.
Về những chiêu trò của giới kinh doanh bất động sản, ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Việc giá chênh ở một vài dự án là thành quả của sự bắt tay giữa chủ đầu tư và các sàn bất động sản. Chủ đầu tư thường giao hàng độc quyền cho một vài sàn bất động sản. Sau đó, các sàn này, với chức năng chính là môi giới sẽ làm “thủ thuật”, tạo sự khan hiếm ảo, khiến người mua khó tiếp cận. Còn chủ đầu tư, tuy còn hàng, nhưng nếu người dân hỏi đến sẽ trả lời là ‘hết’, tiếp tay cho các sàn đẩy giá lên”.
Mặc dù con số thống kê về các giao dịch của một số chủ đầu tư đều đặn tăng “tháng sau hơn tháng trước” kể từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lượng hàng tồn kho bất động sản tính đến ngày 20/5/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 67.443 tỷ đồng, so với thời điểm 20/4/2015, giá trị hàng tồn kho giảm 1.338 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư còn 12.908 căn, tương đương 19.799 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 9.066 căn, tương đương 16.130 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở 8.378.856 m2, tương đương 26.969 tỷ đồng; tồn kho đất nền thương mại 1.637.782 m2, tương đương 4.545 tỷ đồng.
TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cảnh báo: “Thực tế thị trường bất động sản thời gian qua cho thấy cái giá phải trả cho việc đầu tư lướt sóng bất động sản là rất lớn. Khi nhà đầu tư tham gia thị trường quá say mê, sẽ đẩy giá lên quá cao, ngoài khả năng chi trả của người mua. Chủ đầu tư dự án nếu kỳ vọng quá cao vào thị trường, thì hậu quả là tiếp tục một chu kỳ xuống giá mới, đem lại nhiều tổn thất hơn không chỉ cho thị trường bất động sản, mà còn cho cả nền kinh tế”.
BDSGOVAP.com - Theo Đầu tư
Tin khác
- Vẫn quy định vốn pháp định công ty bất động sản không dưới 50 tỷ đồng
- Sẽ có kết quả thanh tra các dự án khu đô thị tại Hà Nội trước tháng 10
- Top 10 chủ đầu tư uy tín tại Hà Nội - Kỳ 1
- Nhật muốn đầu tư xây nhà ga Metro và siêu thị ngầm Bến Thành
- Bỏ yêu cầu xây nhà phải chừa ‘đuôi’ đất
- 'Cháy' nhà ở xã hội cho thuê
- Nháo nhác chung cư bình dân
- Nhiều dự án bất động sản xin chuyển sang nhà ở xã hội
- Chờ một chính sách cởi mở, rõ ràng
- Bỏ quy định kinh doanh BĐS phải có 50 tỷ đồng