Đừng “siết” ước mơ an cư của người thu nhập thấp

Đây là mục tiêu chính của hội thảo “Tìm kiếm nguồn vốn cho thị trường bất động sản 2016” do Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam phối hợp tổ chức ngày hôm nay (23.3) tại Hà Nội. Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 100 chuyên gia gồm lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS uy tín… nhằm tìm ra các giải pháp vững chắc về vốn cho thị trường BĐS trong thời gian tới.
 


Việc siết vốn lên thị trường bất động sản đang “siết” chặt hơn giấc mơ sở hữu nhà của người lao động có thu nhập thấp.


 Nguồn vốn đang bị bóp chặt

Năm 2016, thị trường BĐS được đánh giá tiếp tục đà tăng trưởng theo xu hướng tốt, bền vững và có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các khó khăn về nguồn vốn và vướng mắc trong cơ chế chính sách hiện đang trở thành lực cản để thị trường này phát triển bền vững. Mới đây, dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và thay đổi hệ số rủi ro các khoản vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% dấy lên lo ngại sẽ siết chặt vốn ngân hàng vào các dự án.

Theo ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), tổng dư nợ tín dụng BĐS đang ở mức hợp lý, khoảng 360.000 - 380.000 tỉ đồng trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là khoảng 4 triệu nghìn tỉ đồng. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng BĐS khoảng dưới 10%, trong khi đó thông thường dư nợ vào khoảng 15% mới cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế cho vay. Nếu được ban hành, chính sách này sẽ khiến các điều kiện đối với cho vay BĐS được nâng cao hơn. Khi đó chi phí cho vay cũng tăng theo. Cũng theo đại diện VNREA, điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến BĐS mà còn tác động xấu đến nhiều thị trường khác có liên quan cũng như cả nền kinh tế.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Quang - Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - đánh giá, nếu Thông tư 36 sửa đổi theo hướng thắt chặt tín dụng sẽ tạo ra một chính sách mới vô cùng nguy hiểm, gây ra hiệu ứng một số dự án bị ngừng trệ do thiếu vốn trong khi các nguồn khác như vốn FDI, quỹ tín dụng, quỹ đầu tư BĐS còn hạn hẹp.

Ước mơ mua nhà vụt bay

Ngoài lo ngại của giới đầu tư kinh doanh BĐS trước dự thảo sửa đổi Thông tư 36, các chuyên gia cho rằng, những nội dung này còn gây lãng phí lực lượng lao động phổ thông làm việc cho các nhà thầu xây dựng và nhà cung cấp vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước. Đồng thời, siết chặt hơn giấc mơ sở hữu nhà của người lao động có thu nhập thấp. Đáng chú ý, thời hạn giải ngân gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỉ đồng dự kiến sẽ kết thúc kể từ ngày 1.6.2016 đang không chỉ khiến người dân mà cả các chủ đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp hoang mang, lo ngại vì sẽ không còn được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp để mua nhà. Trong khi trước đó, khi ký hợp đồng giao dịch, nhiều khách hàng không hề biết gói lãi suất ưu đãi này chỉ kéo dài tối đa là 36 tháng.

Theo Bộ Xây dựng, sau 3 năm triển khai thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, đến nay tổng số tiền đã ký hợp đồng cam kết cho vay đạt trên 29.500 tỉ đồng (trên 98%), đã giải ngân trên 20.300 tỉ đồng (gần 70%). Các chuyên gia nhận định, gói tín dụng mới nếu được xây dựng theo lộ trình cũng phải mất từ 1-2 năm mới đi vào thực tiễn. Nhà ở thương mại nếu vừa không được hưởng ưu đãi từ vốn ngân hàng, vừa không được hưởng hiệu ứng domino từ sự phát triển của BĐS trung, cao cấp thì rõ ràng giấc mơ về chốn an cư ngày càng xa tầm tay với.

Trước tình hình đó, giới chuyên gia và các nhà đầu tư kinh doanh BĐS, Hiệp hội BĐS Việt Nam, Hiệp hội BĐS TPHCM đều có văn bản kiến nghị chưa sửa đổi Thông tư 36 theo dự thảo vì những tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và cả nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước tuy thể hiện sự cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp của hiệp hội ngành nghề, cơ quan bộ ngành liên quan, sẽ đánh giá thẩm định dựa trên hệ thống dữ liệu thông tin cam kết để điều chỉnh có lộ trình nhưng có chỉnh sửa hay giữ nguyên vẫn còn là điều còn phải chờ đợi.



BDSGOVAP.com - Theo Lao động