Cảnh báo tín dụng tăng nhanh dễ dẫn tới "bong bóng" tài sản

ính đến tháng 9-2015, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tốc độ cùng kỳ năm 2014. Trước việc tín dụng tăng nhanh, trong đó tốc độ cho vay bất động sản tăng mạnh, các chuyên gia cảnh báo cần thận trọng với khả năng hình thành “bong bóng” tài sản do chính sách tiền tệ được nới lỏng.
 

Các chuyên gia cảnh báo, tín dụng bất động sản tăng mạnh có nguy cơ gây ra “bong bóng”


Tăng mạnh ở khối khách hàng cá nhân

Kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng tăng trở lại cộng với việc lãi suất được điều chỉnh giảm mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt con số ấn tượng. Tính tới tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tín dụng bất động sản tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến đầu tháng 9, tín dụng bất động sản tăng 13%.

Các ngân hàng cho biết, tín dụng tăng trưởng và cải thiện trong hơn 3 quý qua chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng cá nhân, trong đó phải kể đến là nhu cầu vay mua nhà, tiêu dùng cuối năm. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ, trong gần 13% dư nợ tín dụng của ngân hàng trong 9 tháng qua, tín dụng khối cá nhân chiếm gần 70%. Điều này cũng phù hợp với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ của ngân hàng từ đầu năm. Việc tín dụng khối khách hàng cá nhân tăng trưởng tốt cũng giúp ngân hàng tự tin về khả năng sẽ vượt chỉ tiêu về lợi nhuận cả năm.

Theo thông lệ, tín dụng của các ngân hàng sẽ tăng tốc trong các tháng của quý IV. Đặc biệt, khi nhiều ngân hàng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nới “room” tăng trưởng dư nợ tín dụng lên mức 30-36% đã mạnh tay đẩy vốn ra thị trường với nhiều chính sách cho vay ưu đãi. Đây là cơ sở để các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm chắc chắn sẽ vượt con số 17%.

Nhiều lựa chọn cho khách hàng

Các ngân hàng cho biết, mặc dù tín dụng tiêu dùng được đánh giá có nhiều tiềm năng, song hiện nay cạnh tranh về thị phần dần trở nên gay gắt. Để có được chữ ký của khách hàng, lãi suất cũng được các ngân hàng điều chỉnh theo hướng từng bước cắt giảm. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cỡ nhỏ cho biết, mức tăng trưởng tín dụng của khối khách hàng cá nhân trong 8 tháng năm 2015 là hơn 10%, tương đương mức bình quân chung của toàn hệ thống. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng này, ngân hàng đã phải từng bước giảm dần lãi suất đầu ra, thậm chí lãi suất chỉ còn 0% trong 3 năm đầu tiên áp dụng cho khách hàng mua căn hộ tại dự án có liên kết.

Theo đại diện Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), từ nay tới hết ngày 2-11-2015, ngân hàng sẽ triển khai chương trình ưu đãi vay mua nhà, mua xe và tiêu dùng với lãi suất tối thiểu chỉ từ 1%/năm dành cho các khách hàng cá nhân trên toàn quốc. Với chương trình ưu đãi này, khách hàng còn được quyền lựa chọn mức lãi suất vay ưu đãi phù hợp với khả năng tài chính của mình.

Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) cũng triển khai chương trình hỗ trợ tài chính phục vụ đa dạng các nhu cầu như xây sửa nhà, mua sắm vật dụng gia đình, đồ nội thất, du lịch, học tập trong dịp cuối năm… áp dụng cho khách hàng có mức thu nhập thường xuyên chỉ từ 4 triệu đồng/tháng, chứng thực đơn giản qua hợp đồng lao động và sao kê lương. Khách hàng có thể vay tới 500 triệu đồng, thời gian giải ngân chỉ trong vòng 2-3 ngày làm việc.

Các chuyên gia cho rằng, với sự phục hồi của nền kinh tế thì việc tín dụng tăng là hoàn toàn dễ hiểu.

Tuy nhiên, Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III-2015 vừa được Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố đưa ra cảnh báo rằng: “Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và “bong bóng” tài sản trong giai đoạn sau. VEPR đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa”.

Các chuyên gia từ VEPR nhấn mạnh: “Cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành “bong bóng” bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản”.

BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn