TP.HCM: Nhùng nhằng đền bù vì giá đất chưa sát giá thị trường

Nguyên tắc định giá đất trong Luật Đất đai năm 2013 quy định “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường", nhưng ý kiến của các chuyên gia cho rằng việc này không khác gì “đi tìm lá diêu bông”.

Tóm tắt

Trên thực tế, để đẩy nhanh quá trình bồi thường, chủ đầu tư đề nghị chủ động liên hệ tự thỏa thuận hỗ trợ cho người sử dụng đất song hầu như không đạt được thỏa thuận do người dân đòi giá bồi thường sát giá thị trường, dẫn đến những bất đồng và người dân liên tục khiếu nại.

TP.HCM: Nhùng nhằng đền bù vì giá đất chưa sát giá thị trường

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, trong danh sách gần 600 dự án bất động sản (BĐS) chậm tiến độ buộc phải thu hồi dứt điểm trên địa bàn Tp.HCM, có đến trên 400 dự án bị “dính” vào chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là mức giá đền bù của chủ đầu tư đưa ra với người dân quá thấp, không sát với thực tiễn, từ đó đã phát sinh các cuộc tranh chấp kéo dài.

Nói về vấn đề này, một cán bộ thuộc Ban Quản lý (BQL) Khu Nam Tp. HCM, cho biết hiện giờ còn đến 70 dự án chiếm một diện tích đất lớn thuộc khu Nam vẫn chưa triển khai công tác đền bù được vì người dân không chấp nhận mức giá đền bù do thành phố đưa ra.

Trên thực tế, để đẩy nhanh quá trình bồi thường, chủ đầu tư đề nghị chủ động liên hệ tự thỏa thuận hỗ trợ cho người sử dụng đất song hầu như không đạt được thỏa thuận do người dân đòi giá bồi thường sát giá thị trường, dẫn đến những bất đồng và người dân liên tục khiếu nại.

Điển hình như tại dự án Công viên văn hóa lịch sử dân tộc Tp.HCM, gần 15 năm nay chỉ còn 7 hộ dân nằm dọc mặt tiền đường xa lộ Hà Nội vẫn không di dời được. Nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ kéo dài này chung quy vẫn chính là…định giá đất để đền bù không phù hợp. Hiện nay, ban quản lý dự án vẫn áp mức giá đền bù cho các hộ này theo bảng giá đất từ năm 1999, tức vào thời điểm thành phố có quyết định thu hồi đất.

Một doanh nghiệp đang đầu tư dự án biệt thự liền kề trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7, thừa nhận rằng trong một quy trình đầu tư dự án thì hầu hết các nhà đầu tư đều sợ nhất ở khâu đền bù giải tỏa. Mặc dù chủ đầu tư đã thực hiện mọi nghĩa vụ tài chính, cố gắng hết sức để thương thuyết với người dân nhưng với lý do giá đền bù thấp hơn giá thị trường nên hơn 10 năm qua còn 6 hộ dân không thể thực hiện di dời được để đầu tư tiếp dự án.

Một ví dụ khác, dự án Công viên Sarafi có diện tích hơn 485ha, được quy hoạch từ năm 2004, vẫn còn 20 hộ dân không chịu di dời vì cho rằng mức giá đền bù đất thấp không đủ khả năng để mua nền đất tái định cư. Chính số hộ còn lại này đang làm cho toàn dự án "bất động" suốt 11 năm qua.

Một chuyên gia kinh tế cho biết mỗi khi có một dự án đầu tư nào chậm tiến độ thì chủ đầu tư và đơn vị chủ quản lại chỉ ra rất nhiều nguyên do, trong đó nổi cộm nhất vẫn là câu chuyện về giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói là trước khi lập dự án đầu tư, chủ đầu tư và chính quyền địa phương ít khi ngồi lại với nhau để xem xét tình hình thực tế của địa phương nhằm tìm ra phương án đền bù giải tỏa, tái định cư một cách thỏa đáng.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nhận định rằng câu chuyện định giá đất để đền bù thỏa đáng cho người dân bị mất đất quả là một câu chuyện dài chưa có hồi kết. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật, hiện giờ có nhiều phương pháp tính giá đất nhưng thực ra để cung cầu gặp nhau không khác gì việc “đi tìm lá diêu bông”.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TP.HCM, đề xuất rằng để nhà nước và người dân có thể gặp nhau trong việc định giá đất đền bù thì nhà nước cần phải trực tiếp đứng ra tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư chỉ nhận đất sạch và trên cơ sở đó thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Chứ để nhà đầu tư làm hết mọi công đoạn thì vẫn mãi đối đầu với người dân, dự án thì không triển khai được…

 
BĐSGOVAP.com - Theo Trí Thức trẻ