Thương vụ ngàn tỷ: Chấn động nhà đất thời hồi phục

Nếu như trước đây, các chủ đầu tư chấp nhận chuyển nhượng dự án với mức giá hợp lý, thay vì phải “ôm” dự án để chịu các chi phí, thì  hiện nay đã bắt đầu có sự thay đổi về quan điểm, kỳ vọng bán dự án với giá cao vì cho rằng thị trường đang tốt.

Có lời ngay thì bán

Cuối tuần qua, thị trường xôn xao thông tin đại gia Đường 'bia' bán đứt tháp đôi Hòa Bình giá 735 tỷ đồng, trong khi dự án đất vàng này vẫn đang hoạt động và sinh lời.

Tháp Hòa Bình cao 22 tầng được xây dựng trên khu đất rộng hơn 5.000m2, gồm 1 tòa văn phòng và 1 tòa căn hộ cao cấp. Dự án được đưa vào sử dụng năm 2006, là một trong những tháp đôi đầu tiên tại Hà Nội, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau nhiều lần đưa ra các mức giá khác nhau, Công ty TNHH quản lý bất động sản An Cư giành quyền sở hữu khi 'chốt hạ' với mức giá 735 tỷ đồng.

Một thương vụ khác cũng khá đình đám là Indochina Land bán tòa tháp Indochina Plaza Hanoi (IPH) tại Cầu Giấy. Chủ mới của dự án này là Gaw Capital Partners, một đơn vị quản lý quỹ trong khu vực có trụ sở tại Hong Kong.
 

Mua bán dự án sôi động


Mặc dù không tiết lộ giá của cuộc chuyển nhượng này nhưng từ dự án có thể thấy mức giá phải lên tới vài trăm triệu đô. Dự án căn hộ cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại do Indochina Land làm chủ đầu tư với tổng số vốn lên tới 150 triệu USD. Đây là một trong những dự án căn hộ đắt đỏ tại Hà Nội. Vào thời điểm năm 2011, giá bán căn hộ từ 52 triệu đồng/m2. Hiện, hai tòa tháp căn hộ đã đi vào hoạt động, khối văn phòng và bán lẻ đang được chủ đầu tư vận hành.

Ngoài dự án trên, IndochinaLand còn chuyển nhượng 3 dự án khác khu nghỉ dưỡng sang trọng Hyatt Regency Danang và 02 dự án đang phát triển khác tại Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh cho nhà đầu tư Hồng Kông.

Đầu tháng 3 năm 2015, Hongkong Land và Sumitomo & Development xin trả lại dự án 7.100 tỷ đồng tại khu đất vàng số 164 Đồng Khởi (Tp.HCM), ngay sau khi “chia tay” dự án này Hongkong land đã nhận giấy phép đầu tư liên doanh với SơnKim Land để phát triển dự án căn hộ tại P.Thảo Điền, Q.2.

Mua vào đón nguồn lợi tương lai

Nửa đầu 2015, thị trường M&A địa ốc tiếp tục ghi nhận thêm nhiều thương vụ bất ngờ. Sau những đồn đoán về việc dự án toà tháp 265 Cầu Giấy sắp sang tên, đổi chủ, đại diện lãnh đạo tập đoàn FLC đã xác nhân hoàn tất việc mua lại dự án này và đã khởi công xây dựng chỉ vài tuần sau khi chuyển nhượng thành công.

Khảo sát các dự án vừa được chuyển nhượng trong thời gian gần đây cho thấy, các chủ đầu tư đã kiếm được một khoản lợi nhuận từ các dự án này chính vì thế họ quyết định bán đi để có vốn đầu tư mới.  Đại diện của Hòa Bình Group cho biết, bán dự án Hoàng Quốc Việt để đầu lấy tiền đầu tư 63 trung tâm thương mại trên cả nước.

Ông Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành của Indochina Capital nhận định, quỹ này đang tìm kiếm và tiếp tục theo đuổi các dự án mới, đặc biệt cao câp trong tương lai dài hạn. Trong nghiệp vụ quản lý quỹ BĐS, chiến lược thoái vốn cũng quan trọng không kém gì chiến lược đầu tư.

Trong khi đó, từ phía các nười nhận chuyển nhượng, không ít đại gia đã chấp nhận bỏ ra ngàn tỷ để làm sống lại các dự án một thời để chờ đón cơ hội mới của thị trường hồi phục. Bà Đàm Ngọc Bích - Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của FLC cho biết, ngay sau khởi công xây dựng thì thời điểm mở bán đang được thị trường chờ đợi và việc mở bán sẽ thực hiện khi có đủ điều kiện như luật định.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, so với trước đây, hiện nay việc đàm phán mua lại dự án gặp nhiều khó khăn hơn. Một mặt, do thị trường phục hồi, nhiều chủ dự án đã không còn muốn bán dự án hoặc nếu bán cũng đưa những yêu cầu cao hơn về giá cả. Mặt khác, việc đàm phán mua lại dự án lúc này cũng gặp phải sự canh tranh nhiều từ các đối tác khác.


BDSGOVAP.com - Theo Vef