Mất 200 triệu vì cú lừa ăn chênh diện tích sổ đỏ

Bằng chiêu thức tung tin hỏa mù về diện tích nhà trên sổ đỏ khác xa thực tế, chủ nhà đã qua mặt rất nhiều người, khiến họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì khoản tiền đặt cọc đang nằm trong tay người bán.

Gần tháng nay, gia đình anh Trịnh Minh Hiếu (Q.Đống Đa, Hà Nội) đang đau đầu về khoản tiền 200 triệu đồng có nguy cơ mất trắng từ việc tin vào lời của chủ nhà trong một giao dịch nhà đất. Mọi việc bắt nguồn từ cuối tháng 5/2015, khi anh Hiếu đọc được mẩu tin bán nhà trên một trang rao vặt. Từ đoạn quảng cáo “diện tích 65m2, diện tích xây dựng 50m2 x 4,5 tầng, mặt tiền 3” lại ở ngay quận Đống Đa nên anh Hiếu thấy rất phù hợp với nhu cầu đang tìm nhà của mình.

Khi tới xem thực tế, khoảng sân rộng trước nhà khiến anh Hiếu mê mẩn. Đại diện gia chủ cho hay: “Diện tích thực tế trên sổ đỏ của nhà tôi đúng ra là 43m2. Nhưng khi làm thủ tục xin cấp sổ đỏ, vợ tôi đã khai thấp thành 38m2 để giảm tiền nộp thuế. Nay ai mua thì gia đình tôi sẽ chịu trách nhiệm đính chính sổ đỏ thành 43m2”.

Nghe gia chủ nói vậy, gia đình anh Hiếu đều tin tưởng. Để yên tâm, anh Hiếu còn nhờ bạn bè hỏi thêm thông tin nhà này có thuộc phạm vi giải tỏa mở đường hay không, đồng thời xác minh thông tin sổ đỏ tại cơ quan địa chính.
 

Đặt cọc mua nhà khi thiếu thông tin dễ dẫn tới mất tiền oan


Tới chiều 2/6, gia đình anh Hiếu đã đặt cọc 200 triệu đồng, trong 15 ngày sau 2/6, bên mua trả 95% tiền cho bên bán. Anh Hiếu cũng yêu cầu bên bán khẩn trương đính chính lại sổ đỏ thì ngay lập tức nhận được câu trả lời: “Nếu chi phí 20 triệu đồng trở xuống thì bên bán chịu, nếu cao hơn sẽ chia đôi”. Tuy nhiên, thỏa thuận này không được ghi rõ vào trong giấy tờ đặt cọc.

Mấy ngày sau, chủ nhà gọi điện báo cho gia đình anh Hiếu không thể đính chính được sổ đỏ thành 43m2. Để trấn an, phí người bán cho hay sẽ bớt 20 triệu đồng này vào tiền bán nhà.

Lúc này, gia đình anh Hiếu mới bắt đầu hiểu rằng mình chính thức bị chủ nhà lừa. Chiêu trò của bên bán “sẽ chạy đường dây đính chính sổ đỏ” thực chất nhằm lừa phỉnh người mua yên tâm đi về. Bởi nếu ngay lúc đó bố mẹ anh kiên quyết đòi lại tiền đặt cọc thì đã không mất. Nhưng sang ngày 3/6, nếu không đồng ý mua đương nhiên sẽ mất 200 triệu đồng tiền đặt cọc.

Đàm phán với chủ nhà năm lần bảy lượt không thành công. “Vì cả tin và sơ suất không kiểm tra thông tin, gia đình tôi đành chịu mất trắng 200 triệu đồng tiền đặt cọc”, anh Hiếu cho hay.

“Của đau con xót”, mấy ngày sau đó, bố mẹ anh Hiếu cãi nhau vì khoản tiền có thể mất trắng. Hai ông bà mặt mũi bơ phờ, khóc lên khóc xuống vì tiếc tiền.
 

Cẩn trọng với các tin rao bán nhà trên vỉa hè


Chiều 24/6, anh Hiếu gọi điện cho ông chủ nhà, chỉ dám nói “xin lại một phần tiền đặt cọc” thì nhận được câu trả lời sẽ bàn với gia đình xem trả lại bao nhiêu. Tuy nhiên, tới chiều 30/6, bố anh Hiếu gọi điện “xin lại một phần” thì ông chủ nhà cho biết sẽ không trả đồng nào hết. “Thích kiện đâu thì kiện”, chủ nhà còn thách thức.

Tương tự như vậy, chị Bùi Thị Phương Thảo (phố Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng suýt trở thành nạn nhân. Theo tin chính chủ quảng cáo rao bán nhà gấp trên báo, người thân của chị đến xem ngôi nhà  ngõ Thổ Quan (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) có diện tích đất 60m2. Tuy nhiên, gia đình chủ nhà cung cấp bản photo sổ đỏ thể hiện diện tích chỉ 37,9m2.

Anh Nghị, chủ nhà giải thích, diện tích hợp pháp lẽ ra phải thể hiện trong sổ đỏ là 47-48m2, nếu mua phía bán sẽ làm lại sổ đỏ thành diện tích 48m2. Bên bán khẳng định sẽ đính chính lại sổ đỏ cho đúng diện tích hợp pháp. Chi phí đính chính khoảng 50-70 triệu đồng, thời gian mất khoảng 6 tháng. Do đó, chủ nhà thuyết phục không nên làm vì mất thời gian. Hơn nữa, ngôi nhà không bị tranh chấp, khiếu kiện,… nên cứ yên tâm ở lâu dài, không cần phải đính chính sổ đỏ.

Thấy vậy, người nhà chị Thảo hoàn toàn tin tưởng nên đã nhận tiền đặt cọc bán nhà và cửa hàng của mình ở phố Lê Duẩn để chuẩn bị mua nhà. Do bên bán không cho bên mua đặt cọc mà yêu cầu trả hết ngay 100% tiền nên chị Thảo vội đi vay “nóng”, góp vào cho đủ, dù chưa xem sổ đỏ gốc do đang được chủ nhà thế chấp ngân hàng để vay tiền.

Nghi ngờ trước những thông tin mập mờ, chị Thảo đã gửi đơn tới cơ quan chức năng hỗ trợ. Đồng thời, khuyến cáo rộng rãi để những người mua nhà hết sức cẩn thận với những thông tin gian dối.
 

BDSGOVAP.com - Theo Diễn Đàn Kinh tế Việt Nam