Sở Xây dựng TP.HCM: Chưa nhận được hồ sơ Thuận Kiều Plaza

“Đến 1g30’ chiều ngày 29/10 Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ nào liên quan đến Thuận Kiều Plaza. Khi nhận được tôi sẽ căn cứ giải quyết theo quy định”.

Ngày 29/10 Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo để thông báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành xây dựng trong 9 tháng đầu năm. Trong khuôn khổi buổi hợp này báo chí đã đặt ra câu hỏi liên quan đến việc Thuận Kiều Plaza (nếu) tháo dỡ có cần phải xin giấy phép hay không?
 

Thuận Kiều Plaza - nơi đang xảy ra những đồn đoán về việc phá đi xây lại.


Trả lời câu hỏi này bà Phạm Thị Minh Tâm – Trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng cho biết không có quy định việc tháo dỡ công trình phải được cấp phép. Tuy nhiên khi xin phép xây dựng công trình mới thì chủ đầu tư phải có kế hoạch tháo dỡ công trình cũ.

Bổ sung vào phần trả lời này, một vị Trưởng phòng khác của Sở xây dựng nhấn mạnh việc tháo dỡ công trình đã được quy định trong Luật xây dựng, và có ba trường hợp. Thứ nhất là tháo dỡ để giải phóng mặt bằng, thứ hai là tháo dỡ công trình vi phạm, thứ ba là tháo dỡ để xây công trình mới.

Vị này cho biết hai trường hợp trên thì thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn trường hợp thứ ba thì thực hiện sau khi đã có giấy phép xây dựng (công trình mới).

Tiếp tục giải thích rõ hơn, ông Lê Hòa Bình – Phó giám đốc Sở Xây dựng khẳng định về mặt nguyên tắc, theo Luật Xây dựng thì chủ thể phải chịu trách nhiệm phá dỡ là chủ đầu tư.

“Dù có phá dỡ theo trường hợp nào trong ba trường hợp nới trên thì chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm về phương án phá dỡ. Nếu không đủ năng lực thì họ phải thuê tư vấn để lập phương án này trước khi thực hiện và công ty được thuê phải đủ chức năng phương tiện hành nghề tùy theo cấp độ công trình”.

Theo ông Bình, trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở trong trường hợp này là kiểm tra xem chủ đầu tư đã xây dựng phương án phá dỡ chưa và đơn vị xây dựng phương án phá dỡ có đủ năng lực để thực hiện hay không? Nếu chưa đủ sẽ không cho thực hiện.

“Quản lý nhà nước không cấp phép phá dỡ nhưng sẽ kiểm tra có thực hiện đúng quy định về phá dỡ công trình hay không” – ông Bình nhấn mạnh.
 

Ông Lê Hòa Bình – Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.


Tuy vậy theo ông Trần Trong Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng thì: “Những câu trả lời trên chỉ là về mặt nguyên tắc, vì chính thức tôi kiểm tra đến 1g30’ chiều ngày 29/10 Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ nào liên quan đến Thuận Kiều Plaza. Khi nhận được tôi sẽ căn cứ giải quyết theo quy định”.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời về về việc Bộ Xây dựng chỉ đạo cả nước tăng cường kiểm tra chất lượng các biệt thự cổ sau vụ sập căn nhà số 105-107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), ông Bình cho biết Sở đã triển khai việc này thường xuyên.

Theo ông sự cố xảy ra là do công tác bảo trì công trình. Do đó không phải chỉ là nhà cổ, chung cư cũ mà tất cả công trình xây dựng đều phải thực hiện việc bảo trì, và khi con người sử dụng sai công năng, không bảo trì thì dẫn đến sự cố.

“Chúng tôi nhận thức rất rõ và theo quy định chủ sở hữu công trình phải thực hiện nghiêm công tác bảo trì theo quy định nên năm nào Sở cũng đi kiểm tra và tăng cường hoạt động này tại 24 quận huyện.

Về câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Sở trước ý kiến cho rằng việc chậm ban hành các tiêu chuẩn của hồ điều tiết đã khiến việc xây dựng những công trình này bị chậm, ảnh hưởng để công tác chống ngập của thành phố?

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Minh Tâm cho rằng: “Trên nguyên tắc, những quy chuẩn của hồ điều tiết chống ngập là do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành. Về quy chuẩn xây dựng sẽ do Bộ Xây dựng ban hành, do vậy việc chậm chễ xây dựng hồ điều tiết do thiếu quy chuẩn không phải là vấn đề, mà vấn đề là khi tham gia thiết kế hồ điều tiết thì vận dụng những tiêu chuẩn liên quan, những thông tin của đầu vào như thế nào? Vì những tiêu chuẩn này đã có”.


BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn