Nhiều bất cập trong quản lý, vận hành chung cư tại TP.HCM
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi tập trung nhiều chung cư và đa dạng về phân khúc, phân bổ ở nhiều khu vực, đáp ứng nhu cầu bức bách về chỗ ở cho người dân.
Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN
|
Thế nhưng trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều tranh chấp cả về chất lượng công trình, dịch vụ cũng như công tác quản lý, vận hành chung cư, gây không ít tâm lý không tốt đến các cư dân sinh sống tại đây.
Một căn hộ, nhiều chủ sở hữu
Tại chung cư Gia Phú (quy mô 156 căn) xây dựng tại địa chỉ 68 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức xuất hiện tình huống hiếm có khi một căn hộ được bán cho nhiều người. Cụ thể, từ tháng 9/2013 vài khách hàng phát hiện chủ đầu tư là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Gia Phú bán trùng căn hộ. Tính đến tháng 3/2015, Công ty Gia Phú đã bán trùng 68 căn (bằng cách lập nhiều hợp đồng) cho 162 người, ít nhất một căn bán cho 2 người, nhiều nhất 1 căn bán cho 5 người.
Trước diễn biến trên, Ủy ban Nhân dân phường Linh Trung , quận Thủ Đức mời chủ đầu tư lên làm việc nhưng lãnh đạo Công ty Gia Phú đã trốn tránh. Tháng 6/2014 Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có công văn gửi Công an thành phố đề nghị khẩn trương xác minh, làm rõ nội dung mà khách hàng mua căn hộ dự án Gia Phú phản ánh.
Đến tháng 3/2015, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gửi công văn yêu cầu nội dung tương tự đối với Công an thành phố.
Đầu tháng 6/2015, do chưa thấy công an thành phố trả lời tiến độ xác minh điều tra nên Ủy ban Nhân dân thành phố lại tiếp tục có công văn yêu cầu báo cáo kết quả. Thế nhưng đến nay vụ việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Chủ đầu tư bỏ trốn, dự án đã xây xong phần thô nhưng để hoang, còn khách hàng “bơ vơ” không biết đòi tiền ở đâu.
Mới đây nhất, ngày 9/9, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Công an thành phố thực hiện theo thẩm quyền và quy định pháp luật việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng vi phạm để phục vụ công tác điều tra.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng mời Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh và các bên liên quan để bàn giải pháp chuyển nhượng dự án nhằm đảm bảo hoàn thành dự án trong thời gian nhanh nhất, giải quyết quyền lợi của các hộ dân đã mua căn hộ, hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người.
Tương tự, ngày 18/8 vừa qua, hàng chục khách hàng mua căn hộ dự án chung cư PetroVietNam Landmark (phường An Phú, quận 2) do Công ty PVC Land làm chủ đầu tư đã đến trụ sở Tập đoàn dầu khí Việt Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh) đòi nhà. Lý do là họ đã đóng 95% giá trị căn hộ nhưng 4 năm qua (từ năm 2011), dự án vẫn đắp chiếu, không biết khi nào hoàn thành, chủ đầu tư (hiện không còn xuất hiện) đã bán các căn hộ bị tòa án phong tỏa tài sản thế chấp ngân hàng.
Một trường hợp khác là chị Đặng Thị Liễu (ngụ quận Tân Bình) mua căn hộ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân.
Năm 2004, Công ty Hoàng Quân chuyển nhượng cho chị Liễu lô đất số 11 tại dự án Khu dân cư Phú An với tổng số tiền 33 1 triệu đồng. Chị Liễu đã thực hiện đầy đủ hợp đồng chuyển nhượng, bản thân Công ty Hoàng Quân cam kết sẽ bàn giao nền đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong tháng 12/2005 nhưng đã 10 năm trôi qua, cam kết trên vẫn chỉ là lời hứa suông.
Chất lượng không đảm bảo
Vừa qua, tập thể hơn 140 cư dân đang sinh sống tại chung cư MB Babylon (683 Âu Cơ, quận Tân Phú) do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng - Investco làm chủ đầu tư, phản ánh, chung cư được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2014, nhưng đến nay Investco vẫn không tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo Luật Nhà ở, làm cho cư dân bị mất quyền làm chủ tập thể.
Chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã vội đưa vào sử dụng, đến nay xuất hiện nhiều vết nứt, gây thấm trong căn hộ, nứt sàn tầng hầm để xe, tồn tại nhiều hạng mục chưa hoàn thiện vật liệu.
Đặc biệt, đã hơn 1 năm nay, tất cả các hộ dân đã đóng đầy đủ tiền mua nhà cho chủ đầu tư (bao gồm thuế VAT) trước khi nhận nhà nhưng nhiều lần các hộ dân đến yêu cầu Investco thực hiện xuất hoá đơn nhưng bị từ chối hoặc khất hứa nhiều lần, khiến các cư dân không thể hoàn thiện hồ sơ pháp lý để được cấp giấy chứng nhận.
Chỉ tay vào những vết nứt chạy khắp tường, chị Nguyễn Thị Hoài Thy, chủ căn hộ C03-04B bức xúc: "Nhiều lần phản ánh, Ban quản lý chung cư chỉ lên xác nhận nhưng rồi vẫn để đấy, hàng tháng trời không thấy người đến sửa chữa. Mưa xuống là ngấm theo vết nứt, chảy cả vào nhà."
Ông Đỗ Quốc Tuấn, đại diện hộ dân tại đây cho biết thêm, chung cư chỉ thuộc hạng tiện tích trung bình nhưng thu phí giá dịch vụ lên đến 8.800đ/m2 cao hơn so với các toà nhà trong khu vực xung quanh. Phí giữ xe máy tại chung cư MB Babylon lên đến 165.000 đồng/xe/tháng, cao hơn quy định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (quy định tối đa 100.000 đồng/xe/tháng). Ngoài ra, chung cư có 2 tháng máy nhưng thường xuyên bảo trì, nhiều lần thang máy bị trục trặc, đe dọa an toàn tính mạng cho cư dân.
Theo Công ty Investco, tính đến ngày 31/8/2015 đã có 361 căn hộ đã được bán tại đây, trong đó có 352 căn đóng phí bảo trì chung cư với số tiền gần 5,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều cư dân bức xúc vì còn 9 hộ chưa đóng phí bảo trì nhưng Investco vẫn bàn giao nhà, đến nay vẫn chưa có biện pháp thu phí, tạo sự công bằng chung. Investco cũng đã thừa nhận, công tác vệ sinh tòa nhà chưa được đảm bảo, hệ thống thang máy có những sự cố nghiêm trọng, tòa nhà có hiện tượng thấm nước mưa.
Tình cảnh tương tự cũng đã xảy ra với hơn 200 hộ dân tại chung cư Green Hills, Khu dân cư Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân).
Cơn mưa lớn vào chiều ngày 15/9 đã khiến tầng hầm của chung cư ngập sâu đến 1,3 m, khiến hàng trăm xe máy và hàng chục ôtô chìm trong biển nước. Lực lượng chức năng đã phải huy động 5 máy bơm hoạt động liên tục hơn một ngày đêm mới hút gần hết nước ra khỏi hầm.
Đặc biệt, cư dân tại căn hộ A1-01 bị nước ngập đến chân giường và phải đục lan can để nước chảy ra ngoài. Theo phản ánh của người dân ở đây, nhiều căn hộ ở dãy A2, A3 thường xuyên bị nước tràn vào nhà qua các khe cửa sổ khi trời mưa lớn.
Lan can chỗ cầu thang bộ thiết kế thấp nhưng lại không có rào hoặc kính chắn, rất nguy hiểm nhất là với trẻ em. Khe co giãn hành lang nối các blok hở rộng, gây mất thẩm mỹ…
Liên quan đến vấn đề chất lượng các chung cư trên địa bàn, Sở Xây dựng thành phố đã tổ chức kiểm tra 30 chung cư trên địa bàn và đã phát hiện nhiều vi phạm như chưa lập Ban quản trị, chủ đầu tư chưa bàn giao phần diện tích sử dụng chung, chưa bàn giao quỹ bảo trì 2%, tranh chấp về quyền sử hữu chung phòng sinh hoạt cộng đồng (chủ đầu tư sử dụng sai công năng), tranh chấp tầng hầm, vi phạm về an toàn điện, chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, chất lượng công trình.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nguyên nhân là do chủ đầu tư, ban quản trị, doanh nghiệp quản lý vận hành chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo trì công trình, bảo trì trang thiết bị, chưa tập huấn lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Các văn bản quy phạm pháp luật vừa có nhiều nội dung chưa thống nhất với nhau vừa chưa có chế tài xử lý mạnh đối với hành vi vi phạm của các bên…
Do vậy để tránh tranh chấp, khiếu nại đông người, thiết nghĩ chủ đầu tư, đơn vị thi công và bản thân cư dân cần tuân thủ các quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố Hồ Chí Minh cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng, vận hành chung cư để đảm bảo quyền lợi người dân cũng như phát huy hiệu quả chính sách an cư, tạo diện mạo văn minh đô thị.
BDSGOVAP.com - Theo Vietnam+
Tin khác
- BĐS dành cho nhà giàu bước vào cuộc đua mới
- Hên, xui cuộc sống chung cư
- Nhà đất tung “ma trận” giá, bẫy khách mua
- Những tín hiệu vui từ Luật Nhà ở
- Bùng nổ tranh chấp chung cư: Chọn mặt gửi... tiền
- Ai để công trình cao ốc xây sai phép?
- Bán đấu giá 6 trụ sở dư tại Vũng Tàu trong năm 2015
- Người TQ dồn dập mua BĐS: Đà Nẵng khẳng định "biết rõ"
- Kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư nhà giá rẻ
- Chưa có bong bóng bất động sản thời điểm này