Nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ: sẽ khó có chuyện gia hạn

Mặc dù còn hơn 7 tháng nữa mới hết thời hạn giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, nhưng nhiều ngân hàng cho biết, với dự án có cam kết cho khách hàng vay, nhưng thời gian bàn giao nhà sau 1/6/2016, thì ngân hàng sẽ không giải ngân.
 


Gói 30.000 tỷ đồng chỉ nên cho vay với nhà ở xã hội - Ảnh: Lê Toàn


Gói 30.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra trong thời điểm thị trường bất động sản gặp khó khăn với mục đích hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp và người mua nhà các dự án này. Đây là phân khúc phù hợp với nhu cầu của đại đa số người có nhu cầu thực. Từ sự sôi động của phân khúc này, sẽ lan tỏa dần ra thị trường và qua đó giúp phá băng thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, gói hỗ trợ này gặp nhiều vướng mắc nên khó khăn trong việc giải ngân. Sau một số lần sửa đổi, đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng đã được nới rộng hơn rất nhiều là các bất động sản thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng.

Với việc điều kiện vay gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 5%/năm này được nới rộng đã giúp nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, thậm chí là đất nền ven đô “tận dụng” để giải phóng hàng tồn kho. Đến nay, theo một số ý kiến, thị trường đã hồi phục, vai trò lịch sử của gói hỗ trợ này cũng đã dần hoàn thành. Nhất là đối với các dự án nhà ở thương mại, đất nền, nhiều quan điểm cho rằng, nên sớm chấm dứt việc ưu đãi cho vay gói 30.000 tỷ đồng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đối với nhà ở xã hội đến năm 2018 và hạ lãi suất ở mức 3,5 - 4%/năm cho phù hợp với người mua nhà. Tuy nhiên, lại không mấy “thiết tha” với việc nhà ở thương mại được “ké” chính sách của nhà ở xã hội.

“Đối tượng nhà ở xã hội mới cần có ưu đãi, còn những đối tượng khác có điều kiện hơn, thậm chí đã có nhà ở rồi thì không nhất thiết phải ưu tiên”, ông Châu nêu quan điểm.

“Cho vay gói 30.000 tỷ đồng đối với nhà ở thương mại, cố định lãi suất thấp trong vòng 15 năm thì Việt Nam thuộc loại hào phóng nhất thế giới”, một chuyên gia trong ngành địa ốc nhận định. Dù là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang được vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng ông này ủng hộ việc cắt hỗ trợ đúng thời hạn đối với nhà ở thương mại. “Cho khách hàng vay là Nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp lúc khó khăn. Nay thoát khó rồi phải tự tìm đường mà bơi. Cạnh tranh phải sòng phẳng”.

Thực tế cho thấy, nếu gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng vẫn tiếp tục được áp dụng cho nhà ở thương mại thì nhà ở xã hội rất khó triển khai. Vì thế, việc tạo lập một chốn an cư cho người nghèo lại rơi vào bế tắc. Đặc biệt, tại các đô thị lớn như TP. HCM hay Hà Nội, số DN tham gia dự án nhà ở xã hội quá ít, bởi so về ưu đãi thì không tạo được “độ chênh lệch” về giá so với nhà ở thương mại, lại phải thông qua xét duyệt nhiều tầng nấc. Chủ đầu tư bị khống chế lợi nhuận không quá 10%, dự án còn bị kiểm toán “áp” theo quy định, nhất là trong cách tính tiền sử dụng đất.

Chị Hiền - người dân đang tìm mua nhà tại Dự án Tecco Green Nest (quận 12) cho biết: “Sau khi nghiên cứu kỹ các dự án có vị trí tương đương thì Tecco Green Nest có giá hợp lý hơn cả, lại được vay gói 30.000 tỷ đồng nên tính toán để mua. Với căn hộ 800 triệu đồng, nộp trước 300 triệu, số còn lại vay ngân hàng thì mỗi tháng phải trả 4,9 triệu đồng. Cho thuê lại nhà rẻ nhất cũng 3,5 triệu đồng/tháng. Tính ra mỗi tháng chỉ bù khoảng 1,4 triệu đồng để mua nhà”. Thế nhưng, chị Hiền đã chậm một bước...

Ông Nguyễn Đăng Khoa - đại diện chủ đầu tư Dự án Tecco Green Nest giải thích: “Dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng 2 block A, B đã bán xong, dự kiến giao nhà đúng thời hạn. Nhiều khách hàng cũng đã vay gói 30.000 tỷ đồng để mua tại 2 block trên. Còn Block C giờ mới xây đến tầng 2, không thể giao nhà cho khách vào tháng 6/2016 được nên ngân hàng không cho vay. Hơn nữa, dù không được vay nhưng giá tốt nên Block C cũng đã bán chỉ còn hơn 20 căn”. Lý giải về việc “trâu chậm uống nước đục” ở gói 30.000 tỷ đồng, chị Hiền than thở: “Giờ kinh tế khá lên, kiếm được tiền mới tính chuyện gom góp, đầu tư thì lại chậm chân”.

Có hay không việc chấp thuận kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến năm 2018, việc kéo dài này (nếu có) có được áp dụng cho cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội hay không vẫn chưa có thông báo chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thị trường 2 tháng gần đây ghi nhận những dự án được vay gói 30.000 tỷ đồng “chạy” hàng hơn các dự án cùng loại do tâm lý người mua sợ hết hạn giải ngân.

Cùng với thông tin này, thị trường đang “đồn đoán” khả năng có gói tín dụng 50.000 tỷ với lãi suất cố định 7%/năm trong vòng 15 năm sẽ được bung ra vào năm 2016. Dù mức độ xác thực của thông tin chưa được kiểm chứng, nhưng nhiều khách hàng vẫn tin nếu có gói tín dụng này thì việc “cắt” hỗ trợ đối với nhà ở thương mại đang hưởng ưu đãi tại gói 30.000 tỷ đồng là chắc chắn.
 

BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn