Cư dân tự ‘bơi’ tránh cháy ở chung cư
Cảnh sát PCCC nói chung cư dễ cháy là lỗi của chủ đầu tư và cư dân hãy “ép” chủ đầu tư hoàn thiện, khắc phục.
Nhiều công trình cao tầng khi thi công đã không tuân thủ thiết kế dẫn đến không đạt tiêu chuẩn về các hệ thống báo cháy, chữa cháy, thoát nạn, thông gió, hút khói… Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư”. Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, nói tại buổi tọa đàm phòng, chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng ở Hà Nội do báo Hà Nội Mới tổ chức chiều 22-10.
Cháy thật chuông “điếc”, không cháy chuông kêu
Một đại biểu cho hay ở chung cư M3-M4 (quận Đống Đa) cao 21 tầng vừa xảy ra cháy lớn nhưng cư dân không hề nghe chuông báo cháy. Một số khu chung cư khác, như ở Xa La (quận Hà Đông) lại thường xuyên bị báo cháy giả khiến người dân nhiều phen hoảng loạn.
“Tại các chung cư cao tầng ở Hà Nội liên tiếp xảy ra cháy. Đáng nói, nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do công tác PCCC tại các chung cư còn yếu. Thực tế có rất nhiều nhà cao tầng đã xảy ra cháy nổ và để lại hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do việc phòng ngừa và hệ thống PCCC tại chỗ không hiệu quả” - ông Tô Quang Phán, Tổng Biên tập báo Hà Nội Mới, nhận xét.
Đại tá Sơn cho biết hiện Hà Nội có khoảng 900 công trình nhà cao tầng, trong đó có gần 780 công trình đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC, 121 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC... “Quy định hiện hành nghiêm cấm việc tổ chức nghiệm thu và đưa công trình vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện đảm bảo an toàn PCCC. Tuy nhiên, lực lượng PCCC rất mỏng nên khó thể tổ chức cưỡng chế đối với số lượng công trình sai phạm lớn như hiện nay” - Đại tá Sơn phân trần.
Vụ cháy tại chung cư HH4B khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội). Ảnh: NH
Trách nhiệm cảnh sát PCCC mờ nhạt
Theo Đại tá Sơn, người dân khi mua nhà cần tìm hiểu kỹ về việc công trình đã được nghiệm thu về PCCC hay chưa. Ngoài ra, cư dân cũng nên tìm hiểu về vị trí cầu thang thoát nạn, bình chữa cháy, vòi nước... Với những chung cư đã đưa vào sử dụng, người dân đã vào ở mà chưa được nghiệm thu về PCCC thì phải ép chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống này một cách nhanh nhất.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Sơn cho biết nếu chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC thì người dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện những nội dung mà cơ quan PCCC đã nêu. “Các cơ quan chức năng cũng sẽ làm việc với các chủ chung cư chưa đạt yêu cầu về PCCC. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền, đình chỉ xây dựng công trình, cắt điện, cắt nước. Mạnh hơn là kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư và kiến nghị cấm họ tiếp tục thực hiện dự án ở Hà Nội” - Đại tá Sơn nói.
Theo ông Sơn, nếu biện pháp vừa nêu được thực hiện sẽ gây thiệt hại lớn so với việc phạt tiền. Tuy vậy, biện pháp này là cần thiết để áp dụng với các chủ đầu tư cố tình không thực hiện tốt các yêu cầu về PCCC.
Mỗi tháng có gần 15 vụ cháy
Trong sáu tháng đầu năm, ở Hà Nội xảy ra 86 vụ cháy, làm bảy người chết, chín người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 17,6 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã xử phạt 1.691 tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC, đình chỉ hoạt động ba cơ sở.
|
Tin khác
- Khách hàng nhận trái đắng
- Kiều hối nối nhau vào bất động sản
- BĐS Việt Nam sẽ hưởng lợi gì từ TPP?
- Thị trường Bất động sản: Đang “hóng” hội nhập
- Đổi chủ, Thuận Kiều Plaza có đổi vận?
- Bất động sản đang… “cơn điên loạn”
- Tuyến metro số 2 TP.HCM tăng vốn từ 1,347 lên hơn 2 tỉ USD
- Nhà ở thương mại vay gói 30.000 tỷ: sẽ khó có chuyện gia hạn
- Căn hộ cao cấp khó tăng giá
- Tiến độ một số dự án tại khu Nam Sài Gòn