Người mua không nên lo lắng

Mấy ngày nay, dư luận  đang xôn xao về việc một số ngân hàng tạm dừng thế chấp nhà hình thành trong tương lai, kể cả nhà riêng đang ở, nhưng chưa có sổ đỏ. Tuy nhiên, theo những người trong giới, việc tạm dừng này không có gì đáng lo.

Anh Lê Văn Chiến (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), cho biết, vừa qua, anh đã tới một số ngân hàng để xin vay vốn cho căn hộ chung cư vừa mua tại KĐT Đặng Xá, nhưng chưa được. Có ngân hàng thì nhân viên từ chối tài sản thế chấp là căn hộ chung cư đang xây và yêu cầu tài sản đảm bảo khác. Có ngân hàng nhân viên vẫn nhận làm thủ tục, nhưng phải chờ khi nào có thông tư hướng dẫn cụ thể mới được giải ngân... “Tôi thực sự vô cùng lo lắng. Nếu không vay được, đồng nghĩa với việc tôi từ bỏ mua nhà” - anh Chiến nói.
 

Tạm dừng thế chấp nhà hình thành trong tương lai khiến nhiều người lo lắng về giấc mơ mua nhà khó thành hiện thực.


Còn bác Dương Quốc Sự (tổ 36, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), không giấu nổi sự lo âu bởi gia đình bác dự định năm sau cưới vợ cho con trai, nhà chật chội nên đang tính mua một căn hộ chung cư ở Linh Đàm, nhưng nếu không được thế chấp nhà đang ở để vay thêm tiền thì rất khó mua được. “Nhà tôi đang  ở vẫn chưa làm sổ đỏ, vì làm sổ cũng mất khá nhiều tiền. Trước đây, tôi nghĩ đơn giản, mình ở chứ có bán chác gì đâu, nên chưa làm sổ đỏ. Dù tôi có các giấy tờ hợp lệ, ngân hàng cũng không giải quyết cho vay. Nếu mua chung cư mà không được thế chấp bằng hợp đồng mua nhà thì chúng tôi không thể mua được. Nhà chật thế này, con trai lấy vợ về nữa, sống cũng bất tiện trong sinh hoạt”- bác Sự chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cho rằng lý do một số ngân hàng tạm dừng cho vay là nằm ở các hướng dẫn liên quan đến luật chưa rõ ràng, nên họ sợ trái với các quy định mới của pháp luật. Cụ thể là nằm ở Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99 hướng dẫn Luật này. Trước đây, việc thế chấp để vay vốn các văn bản pháp lý được phép dùng “Quyền tài sản” hình thành trong tương lai, nhưng nay theo quy định của luật mới (Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở) việc thế chấp cho vay phải là “Tài sản” hình thành trong tương lai.  Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, có 2 lý do chính dẫn đến sự việc trên. Một là có thể một số ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng cho vay bất động sản 2015 nên tạm dừng để xin hạn mức 2016. Hai là, các ngân hàng đó cũng muốn siết lại việc cho vay nhằm tránh bong bóng.

Trên phương tiện truyền thông, ngân hàng BIDV- đơn vị tạm thời dừng cho vay mua nhà đối với khách hàng có tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương - cho biết, một trong những nguyên nhân việc tạm dừng thế chấp nhà hình thành trong tương lai là bởi Luật Nhà ở, Nghị định 99 và Thông tư số 26/2015/TT-NHNN đều chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc nhận thế chấp “Quyền tài sản” liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở/nhà ở hình thành trong tương lai. Do vậy, các trường hợp thế chấp mà không tuân theo 2 văn bản luật này đều không được pháp luật công nhận.

Còn ông Vũ Kim Giang - Giám đốc Sàn BĐS Hải Phát - cho rằng việc “tắc” này xuất phát từ việc một số ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Vietcombank có văn bản phát hành ngày 10.12.2015 không cho thế thấp bằng Quyền tài sản, mà thay vào đó là dùng bằng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp. Điều này dẫn đến vấn đề công chứng, vì chưa có hướng dẫn công chứng như thế nào. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 99, thì trách nhiệm trong vấn đề này bị “đẩy hết” sang ngân hàng. Do vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng TMCP Nhà nước phải thẩm định kỹ, chịu trách nhiệm toàn bộ về vấn đề này, do đó, một số ngân hàng tạm thời ngừng để chờ xin hướng dẫn. Người mua nhà không nên lo lắng quá” - ông  Giang nói.


BDSGOVAP.com - Theo Lao động Thủ đô