Lãng phí dự án đất vàng dở dang
Tại TP.HCM, hàng loạt dự án đã xây dựng gần xong và tốn cả trăm triệu USD, nhiều khu đất vàng ngay giữa trung tâm TP bỏ hoang, hỏng hóc nhiều năm trời, gây lãng phí vô cùng lớn cho doanh nghiệp cũng như nguồn ngân sách nhà nước.
Dự án M&C Tower nằm “trơ xương” vài năm nay - Ảnh: D.Đ.Minh
|
Dự án M&C Tower là tòa văn phòng và căn hộ hạng A tọa lạc vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM khi nằm ngay góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (Q.1). Dự án do Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, là liên doanh giữa Saigontourist, Công ty CP M&C, Ngân hàng Đông Á và Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Đông Á, với số vốn đầu tư khoảng 256 triệu USD, tương đương khoảng 5.600 tỉ đồng.
Mất trắng hàng ngàn tỉ đồng
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu dự án này không “đắp mền” mấy năm nay, khi đã thi công gần như xong phần thô, hàng loạt thiết bị nội thất cũng đã được lắp đặt. Hàng ngàn tỉ đồng đã bị “chôn” theo dự án này từ cuối năm 2011 đến nay kéo theo đó hàng loạt hệ lụy. Một đại diện của Công ty CP M&C cho hay nguyên nhân khiến dự án này bị ngưng trệ 4 năm qua do triển khai vào thời kỳ khó khăn nhất của thị trường bất động sản, căn hộ bán không được. Trong khi đó dự án cạn vốn và các ngân hàng đã không tiếp tục giải ngân vốn vay.
Trước nhu cầu bức thiết về nguồn vốn, gánh nặng lãi vay, cộng với một số điều kiện thực tế tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án thay vì đấu thầu chọn nhà đầu tư. |
Dự án ngừng thi công, chủ đầu tư vẫn phải nợ ngân hàng với chi phí lãi ước tính trên 1 tỉ đồng mỗi ngày, hàng loạt nhân viên và người lao động công ty mất việc. Ông Đào Anh Đạt, Chủ tịch công đoàn CTCP địa ốc Sài Gòn M&C đã phải gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng về việc công ty không trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với số tiền lên đến vài tỉ đồng. Những khách hàng mua căn hộ tại dự án với giá lên đến 7.000 USD/m2 mấy năm nay bất lực khi tiền đã trả đủ cho chủ đầu tư mà nhà thì không thấy đâu.
Khu đất C30 rộng gần 50 ha nằm trên địa bàn Q.10 và Q.Tân Bình có vị trí đắc địa nhất hiện nay tại TP.HCM do Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) quản lý đã bỏ hoang hàng chục năm nay mặc dù đây là khu đất “sạch” không cần phải giải phóng mặt bằng nhiều. UBND TP đã nhiều lần yêu cầu giao lại cho TP để đưa vào khai thác làm công viên, trường học, trung tâm thương mại, nhà tái định cư... nhưng sau nhiều năm “thương lượng”, VNPT vẫn “cố thủ” chưa chịu giao khiến khu đất vàng rộng gần 50 ha này bỏ không rất lãng phí. Đó là chưa kể, đất bỏ hoang, nhiều người lấn chiếm xây dựng không phép 77 ki ốt, cửa hàng, nhà kho trên khu đất.
“Vàng” cũng ế
Từ năm 2009, khu đất vàng 164 Đồng Khởi (là trụ sở Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP) rộng gần 9.800 m2 bao gồm 3 mặt tiền đường Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng (Q.1) chủ trương đấu giá của UBND TP.HCM đã thu hút gần 70 nhà đầu tư xin tham gia. Trong đó, có một số nhà đầu tư lớn với vốn sở hữu trên 1 tỉ USD như: Indochina Capital, Hong Kong Land, Queensland, Vina Capital...
Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ phải thanh toán cho TP số tiền 3.412 tỉ đồng để trả tiền thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Đầu năm 2013 liên doanh Hongkong Land và Sumitomo Realty & Development đã được UBND TP chỉ định đầu tư vào khu đất này. Theo kế hoạch, chủ đầu tư sẽ xây dựng một khách sạn cao cấp, tài chính... với tổng vốn khoảng 7.168 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây liên doanh này đã xin TP rút lui khỏi dự án. Nguyên nhân là theo chủ đầu tư, những điều kiện mà TP đưa ra liên quan đến vấn đề đền bù giải tỏa, tái định cư khiến chủ đầu tư phải chịu rủi ro giá tăng và không có sự bảo đảm về thời hạn hoàn tất quá trình này. Như vậy, sau 6 năm, khu đất vàng nằm sát ngay UBND TP đã bị “đắp mền” khiến ngân sách TP thất thu một khoản tiền lớn và điều này sẽ vẫn tiếp diễn khi việc chọn lựa nhà đầu tư vào khu đất này phải làm lại từ đầu.
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2), đến thời điểm hiện nay sau gần 10 năm mới triển khai gần xong khâu giải phóng mặt bằng. Để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chi trả các khoản lãi vay, TP đã phải bỏ ra 29.068,592 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách TP là 12.063,038 tỉ đồng, nguồn tiền khai thác quỹ đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiền thu từ bố trí quỹ nhà, đất tái định cư 4.035,008 tỉ đồng và vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng đến nay là 12.970,546 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP, cho biết áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong năm 2015 - 2016 là rất lớn. Trong đó năm 2015 trả lãi vay là 902,691 tỉ đồng, năm 2016 trả nợ gốc đến hạn là 5.241,247 tỉ đồng và lãi vay phát sinh là 828,859 tỉ đồng. Ngoài ra, nhu cầu vốn đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm trong thời gian tới là rất lớn. Trong tình hình ngân sách TP rất hạn chế, khả năng vay vốn từ những ngân hàng lớn cũng rất khó khăn vì đã hết hạn mức, chỉ còn nguồn thu tiền sử dụng đất/tiền thuê đất từ các dự án đầu tư vào dự án để hoàn trả vốn vay, lãi vay và để đáp ứng về nhu cầu vốn đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, đến nay khu đô thị rộng khoảng 700 ha này mới chỉ có một vài dự án được khởi công.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tiết lộ rằng nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà bỏ vốn đầu tư vào “phố đông” của VN bởi tiền sử dụng đất quá đắt lại phải thanh toán một lần nên chi phí đầu tư ban đầu quá lớn. Một điều nữa là hiện nay hạ tầng tại khu đô thị vẫn chưa hoàn thiện nên doanh nghiệp cũng không mặn mà tham gia. Điều này dẫn đến thực tế dự án này khó thu hút đầu tư.
Bởi thế, đất vàng vẫn chưa thể đem lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách.
Tin khác
- TPHCM: Bất động sản cao cấp tăng giá mạnh
- Thanh tra trách nhiệm liên quan đến công trình 8B Lê Trực
- TPHCM đã chọn được phương án thiết kế khu trung tâm hành chính mới
- Nguồn cung BĐS cao cấp sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối 2015
- Những dự án chung cư “ăn theo” hạ tầng khu dân cư... nhà nghèo
- Bảo hiểm cháy nổ bỗng dưng… đắt khách Bảo hiểm cháy nổ bỗng dưng… đắt khách
- Thị trường BĐS phát triển với nền tảng vững chắc
- Bất động sản khởi sắc
- Khách hàng mua Cao Ốc Xanh gần 10 năm chưa được nhận nhà
- Thị trường BĐS lại nở rộ phân khúc cao cấp, hạng sang