Giữ nhà cổ: trách nhiệm của chính quyền và chủ nhà
“Không chỉ có biệt thự Pháp trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đổ sập, mà cả những ngôi nhà trong khu phố cổ hay chung cư cũ của Hà Nội cũng có nguy cơ đổ sập rất cao!...”.
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên - Huế, một công trình kiến trúc Pháp điển hình ở Huế, đã bị phá bỏ hoàn toàn để xây dựng công trình mới - Ảnh: Minh Tự
|
Phải gấp rút đánh giá tình trạng kỹ thuật của các công trình cổ, KTS Nguyễn Quốc Thông - phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - đã đề xuất như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
* Theo ông, điều cấp thiết nhất đối với những căn nhà do Pháp xây đã hết hạn sử dụng là gì?
KTS Nguyễn Quốc Thông - Ảnh: Thái Lộc |
- Phải nhanh chóng khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ thuật đối với những ngôi nhà đã được sơ bộ xác định xuống cấp nghiêm trọng, đồng thời thông báo cho chủ quản lý và sử dụng biết, có biện pháp khắc phục. Việc này có thể làm ngay được từ khảo sát nhanh, đánh giá sơ bộ đến đánh giá kỹ, toàn diện công trình.
Đối với những căn nhà có tình trạng nguy cấp thì phải có giải pháp khẩn cấp. Nếu không thì tai họa có thể xảy ra, không chỉ đối với các biệt thự mà cả đối với nhiều căn nhà ở khu phố cổ hay chung cư cũ được xây dựng trong những thập niên 1960, 1970 ở Hà Nội.
Để làm được điều đó một cách khẩn trương và hiệu quả, trách nhiệm thuộc về cả hai phía: chủ nhà và chính quyền.
* Trước đây có nhiều công trình do Pháp xây dựng rất giá trị bị đập bỏ với lý do nhận được khuyến cáo hết hạn sử dụng từ phía Pháp. Lần này, nhiều người lo ngại sự kiện sập nhà trở thành cái cớ để người ta đập bỏ hàng loạt kiến trúc Pháp cũ. Ông nghĩ như thế nào về sự lo ngại này?
- Không thể như thế được, nhất là đối với những công trình được đánh giá là di sản kiến trúc có giá trị. Nếu thế thì nhiều di sản kiến trúc khác trong nước và trên thế giới đã hết niên hạn sử dụng cũng dễ dàng bị đập bỏ hết sao?
Là di sản kiến trúc, các công trình ấy, ở đâu cũng vậy, luôn được gìn giữ, bảo vệ bằng các hoạt động bảo tồn, trùng tu, cải tạo... để đảm bảo di sản tồn tại trong tình trạng tốt nhất.
Như vậy đối với những căn nhà được đánh giá có giá trị như là di sản, trong đó có kiến trúc thời Pháp, cần thiết phải có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hoặc trùng tu, cải tạo thích nghi... tùy theo cấp độ xếp hạng của di sản kiến trúc đã được xác định.
* Ông từng tham gia với tư cách chuyên gia trong dự án đánh giá về kiến trúc biệt thự thời Pháp ở Hà Nội, kết quả của đợt đánh giá này như thế nào? Nó có liên quan đến tình trạng kỹ thuật của từng nhà hay không, thưa ông?
- Mấy năm trước, nhiều biệt thự Pháp ở Hà Nội đã bị phá dỡ để xây dựng công trình mới, TP Hà Nội nhận thấy nguy cơ mất dần một quỹ di sản kiến trúc rất có giá trị nên đã hợp đồng với Viện quy hoạch và kiến trúc đô thị, Trường đại học Xây dựng thực hiện dự án khảo sát đánh giá quỹ kiến trúc biệt thự xây dựng thời Pháp ở Hà Nội (không bao gồm công thự).
Dự án tập trung đánh giá chủ yếu về giá trị kiến trúc nghệ thuật. Trong hồ sơ mới chỉ đánh giá sơ bộ về hiện trạng kỹ thuật của ngôi nhà.
Theo tôi, việc đánh giá đầy đủ tình trạng kỹ thuật của kiến trúc Pháp là rất cần, đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh.
BDSGOVAP.com - Theo Tuổi trẻ
Tin khác
- Chủ tịch TP Hà Nội yêu cầu rà soát toàn bộ biệt thự cổ
- TPHCM: đề xuất giá cho thuê nhà công vụ thấp
- Quy định ngân hàng bảo lãnh mua nhà: Càng để lâu, càng nhiều giao dịch trái luật
- Đảm bảo tính chuyên nghiệp nghề môi giới BĐS
- Báo động dự án ‘vùng nhạy cảm’
- Hàng trăm căn nhà… chờ sập!
- Cho thuê đất công tiền tỉ giá rẻ, ai hưởng lợi?
- Bảo lãnh dự án bất động sản, “bóng” trong chân… chủ đầu tư!
- Bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai: Nhà nước đang làm việc của doanh nghiệp
- Có giải quyết được tồn đọng sổ đỏ khi rút ngắn thời gian cấp?