Đại gia địa ốc “so găng” đẳng cấp
Nguồn vốn khủng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang đổ mạnh vào thị trường địa ốc, giúp thị trường đang trở nên sôi động cả ở hoạt động triển khai, mở bán và mua bán, chuyển nhượng dự án. Theo giới chuyên môn, thị trường sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới, nhưng cuộc cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn khi nguồn cung không ngừng gia tăng, trong khi người mua nhà ngày càng khắt khe hơn.
Thị trường bất động sản TP. HCM sẽ chứng kiến sự bùng nổ nguồn cung trong thời gian tới - Ảnh: Lê Toàn
|
Cơn lốc bơm vốn vào bất động sản
Vài năm trước, khi thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tỏ ra ngần ngại với thị trường bất động sản.Tuy nhiên, từ giữa năm 2014, đặc biệt từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản đã chứng kiến dòng vốn mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt đổ vào.
Với các nhà đầu tư ngoại, chỉ trong trong thời gian ngắn gần đây, thị trường xuất hiện khá nhiều thương vụ rót vốn hay bắt tay với doanh nghiệp địa ốc Việt Nam để triển khai dự án. Gần đây nhất, Quỹ Creed Group (Nhật Bản) đã quyết định rót 200 triệu USD đầu tư vào Công ty Bất động sản An Gia (An Gia Investment) với cam kết mua 20% cổ phần công ty này và đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay lãi suất 5%/năm để An Gia mua dự án mới. Trước đó, quỹ đầu tư này cũng đã rót khoảng 60 triệu USD vào CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy để phát triển 3 dự án nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
Cũng mới đây, Keppel Land, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Singapore đã quyết định mở rộng danh mục đầu tư dự án bằng việc chi khoảng tiền 26,7 triệu USD mua lại dự án phát triển nhà ở của Công ty Tiến Phước...
Trong khi đó Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda (Malaysia) đã quyết định mua lại toàn bộphần vốn góp của Sacomreal và Thành Thành Công tại Dự án Celadon City có quy mô 82 héc-ta tại quận Tân Phú, TP. HCM để một mình phát triển dự án. Thương vụ này giá giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản về lý do mua lại toàn bộ Dự án Celadon City, đại diện Gamuda Land cho biết, trong quá trình hợp tác, giữa 2 bên chưa có sự thống nhất về quan điểm phát triển dự án, nên sau khi thỏa thuận, Gamuda Land quyết định mua lại để phát triển Dự án Celadon City theo quan điểm của riêng mình.
Trước đó, đầu năm nay, 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad cũng đã mua lại 50% Dự án Flora Anh Đào với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Nam Long
Không chỉ các nhà đầu tư ngoại, các đại gia địa ốc trong nước cũng mạnh mẽ thực hiện hàng loạt vụ thâu tóm dự án thời gian qua, trong đó Tập đoàn Novaland là một ví dụ điển hình.
Cách đây 1 năm, trong lễ kỷ niệm 22 năm thành lập, Tập đoàn Novaland đã công bố ra thị trường 15 dự án bất động sản mà tập đoàn này phát triển. Nhìn vào danh sách các dự án Novaland công bố thời điểm đó, giới kinh doanh bất động sản không khỏi ngạc nhiên về sự lớn mạnh quá nhanh của Novaland, bởi trước đó vài năm, Novaland cũng như những doanh nghiệp bất động sản khác, chỉ có một vài dự án được triển khai.Một năm sau, trong lễ kỷ niệm 23 năm thành lập, dự kiến sẽ được Novaland tổ chức trong hai ngày 12 và 13/9 tới, Novaland tiếp tục “trình làng” thêm 7 dự án mới.
Như vậy, cùng với 3 dự án được công bố hồi đầu năm, chỉ sau 1 năm, Novaland đã có thêm 10 dự án bất động sản mới, nâng tổng số dự án bất động sản Novaland đang phát triển lên 25 dự án. Điều đáng nói, các dự án của Novaland đầu tư đều có vị trí khá đắc địa, tập trung hầu hết ở các quận trung tâm của TP.HCM.
Ngoài Novaland,nhiều doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực trong nước khácHim Lam, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Khang Điền...cũng không ngừng thực hiện chiến lược “săn” dự án tạo quỹ đất mới. Đơn cử như Tập đoàn Hưng Thịnh, theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết,trong 2 năm qua, Công ty đã mua lại hoặc hợp tác đầu tư hàng chục dự án bất động sản. Gần đây nhất là mua lại 2 dự án tại quận 7 của Công ty Đức Khải và một dự án khác tại Vũng Tàu.
Một tên tuổi khác trong làng địa ốc cũng mua nhiều dự án đón đầu thị trường là Đất Xanh. Theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, đến thời điểm này, Công ty đang có quỹ đất hàng chục héc-ta để thực hiện liên tục trong nhiều năm tới.Tương tự, Him Lam cũng mua lại khá nhiều quỹ đất gần đây, trong đó điển hình là chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại dự án tại Thủ Đức từ Hoàng Anh Gia Lai.
Ai sẽ làm chủ cuộc chơi?
Với nguồn vốn lớn đang đổ vào thị trường,thời gian tới, thị trường bất động sản TP.HCM được dự báo nguồn cung sẽ bùng nổ. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia và quan sát từ thực tế của thị trường hiện nay so với thời điểm bong bóng bất động sản của những năm 2007 - 2008, thời mà dự án tràn lan, doanh nghiệp nào cũng có thể làm chủ đầu tư, thì thấy,thị trường hiện nay hoàn toàn khác. Phần lớn các dự án đều được phát triển bởi các doanh nghiệp uy tín và chuyên nghiệp.
Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho rằng, nguồn cung dù nhiều, nhưngnhu cầu nhà tại TP.HCM vẫn còn rất lớn, vấn đề là làm thế nào có được sản phẩm chất lượng đúng nghĩa, đáp ứng nhu cầu đó.
Còn theo tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc ở TP.HCM, nguồn cung lớn, sự lựa chọn ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng đang buộc các doanh nghiệp địa ốc phải bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Thị trường vẫn trong giai đoạn gạn đục khơi trong, doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyên nghiệp, đẳng cấp, tạo dựng được uy tín trên thị trường sẽ làm chủ được cuộc chơi.
Có lẽ nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, các doanh nghiệp địa ốc luôn chú trọng đến chiến lược phát triển và xây dựng một thế mạnhcho riêng mình. Chẳng hạn, với Novaland, thế mạnh của doanh nghiệp này là không đầu tư dàn trải, mà tập trung phát triển các dự án có vị trí chiến lược và thương hiệu sản phẩm.
Theo ông Bùi Cao Nhật Quân, quỹ đất tại TP.HCM, đặc biệt là tại các quận huyện trung tâmkhông còn nhiều, trong khi nhu cầu nhà ở lại rất cao. Bên cạnh đó, mỗi khi phát triển các dự án bất động sản, Novaland luôn đặt mình trong trường hợp của khách hàng để xây dựng các tiêu chí phát triển dự án, làm đúng những gì đã cam kết với khách hàng. Có lẽ nhờ vậy, thời gian qua, Novaland được đánh giá là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về bán hàng, với hơn 3.000 sản phẩm căn hộ được tiêu thụ từ đầu năm đến nay.
Nếu như Novaland xem vị trí dự án làm lợi thế cạnh tranh, thì Him Lam sử dụng tiến độ dự án để chứng minh về năng lực tài chính với khách hàng. Hầu hết các dự án của Him Lam được tung ra trên thị trường đều được xây dựng hoàn thiện mới bán. Cũng nhờ chính cách làm này, nhiều năm qua, mặc dù thị trường khó khăn, nhưng Him Lam vẫn luôn bán được hàng. Tương tự,Nam Long cũng là một trong những doanh nghiệp khá thành công trên thị trường thời gian qua nhờ phát triển dòng sản chuyên biệt Ehome.
Còn như nhắc đến dòng sản phẩm căn hộ Sunview, thì người tiêu dùng hình dung ngay đó là dòng sản phẩm của Đất Xanh. Đến nay, Đất Xanh đã cho ra đời khá nhiều dự án căn hộ mang thương hiệu này, từ Sunview 1, 2, 3, đến Sunview Town và hầu hết đều nhận được sự quan tâm khá lớn của khách hàng.
Theo ông Lương Trí Thìn, ngoài dòng sản phẩm Sunview, tham vọng của Đất Xanh sắp tới là sẽ tìm mua những khu đất có quy mô từ 10 - 20 héc-ta để hình thành những khu đô thị khép kín mang tên Đất Xanh City.
Gần đây, thị trường chứng kiến sự ra đời dòng sản phẩm Mega do Công ty Khang Điền phát triển và cũng thu hút sự quan tâm của khách hàng. Đây là dòng sản phẩm nhà phố liền kề, có sân vườn, compound an ninh, bảo vệ 24/24, thiết kế hiện đại, giá bán tầm trung, được Khang Điền triển khai khá thành công.
Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, để đánh giá thị trường lúc này khó khăn hay thuận lợi là không dễ dàng. Điều này chỉ có thể nhìn nhận ở từng khía cạnh, từng dự án cụ thể. Với các doanh nghiệp thiếu tính chuyên nghiệp, thị trường vẫn còn rất khó khăn, bởi người tiêu dùng hiện nay không bỏ tiền để mua sản phẩm của những chủ đầu tư mà họ không tin tưởng. Song cũng chính bối cảnh này lại là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh chuyên nghiệp, làm cuộc chơi đang sôi động dần lên.
BDSGOVAP.com - Theo Đầu tư Chứng khoán
Tin khác
- Khẩn trương cấp “sổ đỏ” cho nhà ở xã hội
- Giá nhà trong tương lai sẽ chịu áp lực tăng bởi… tỷ giá
- Bảo lãnh ngân hàng cho nhà ở hình thành trong tương lai: Liệu có khả thi?
- Không đặt cọc và mua nhà ở xã hội thông qua các sàn trung gian
- Giảm thời gian cấp “sổ đỏ” xuống còn tối đa 15 ngày
- Cấp, đổi giấy chứng nhận: Dân phiền, quận, huyện than
- Khoét ruột rừng Phú Quốc - Kỳ 1: Rừng trống như sân banh
- Phí bảo lãnh bất động sản: Khó đủ đường
- Nghịch lý nhà đất: Thượng đế tiền tỷ nơm nớp lo vận rủi
- Thu hồi dự án chậm tiến độ: Không dễ!