“Bong bóng” bất động sản: Chưa đáng lo nhưng phải đề phòng
Thị trường bất động sản cả nước dẫu có những dấu hiệu hồi phục tích cực nhưng cũng đang xuất hiện những biểu hiện thiếu lành mạnh khiến Chính phủ liên tục cảnh báo về tình trạng “bong bóng”.
Khách hàng đang tham quan một dự án bất động sản tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nguyễn Bảo
|
Cụ thể, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi cuối tháng 4/2015 cũng như phiên họp vào cuối tháng 5/2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ để không lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản (BĐS) mà nhiều năm trước đây đã rất gian nan để xử lý.
Thị trường đủ tín hiệu tốt - xấu
Thời gian qua, thị trường BĐS cả nước đã có những dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ mà biểu hiện rõ rệt nhất là giao dịch tăng mạnh. Theo con số dự báo của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước có khoảng 14.000 giao dịch BĐS thành công.
Tính riêng tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM, lượng giao dịch thành công đã tăng từ 2,5-2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo một báo cáo khác từ Bộ Xây dựng, tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tính đến hết ngày 31/3/2015 là 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014.
Đặc biệt, dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực xây dựng và BĐS cũng tăng mạnh. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trên phạm vi cả nước, trong năm tháng đầu năm 2015, lĩnh vực BĐS đã thu hút hơn 461 triệu USD vốn FDI.
Song song với những tín hiệu tốt này, thị trường BĐS cũng bắt đầu xuất hiện những tín hiệu xấu khi giá nhà đang được “thổi” lên từ phía các chủ đầu tư lẫn đơn vị môi giới. Bộ Xây dựng trong một báo cáo mới đây cho biết thông tin nhiều dự án có vị trí tốt, đã và sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng bắt đầu tăng giá nhẹ từ 1-2% so với năm 2013.
Riêng trong quý I/2015, tại một số dự án chuẩn bị hoàn thành, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng hoàn chỉnh thì giá bán đã tăng từ 5-10%. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ giá nhà bị đẩy lên cao mà còn xuất hiện tình trạng chủ đầu tư "ém" hàng trăm căn hộ tại các sàn giao dịch BĐS để nâng giá.
Nói về hiện tượng này, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã từng cảnh báo các doanh nghiệp kinh doanh BĐS không nên tăng giá bán căn hộ khi thị trường mới chớm phục hồi. Theo ông Nam, trong nhiều năm khủng hoảng vừa qua, thị trường đã đào thải những doanh nghiệp làm ăn thiếu chuyên nghiệp, tăng giá “vô tội vạ” và đây chính là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp còn tồn tại và phát triển trong thời điểm này.
Cảnh báo là kịp thời
Đánh giá về một số biểu hiện tăng giá trên thị trường BĐS trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng đó là những trạng thái bình thường của thị trường. Theo đó, những sản phẩm tốt, sắp hoàn thành có mức tăng giá bán nhẹ so với trước đó thì cũng có thể chấp nhận được. Ngoài ra, tại một số dự án, nhìn về hình thức là tăng giá bán nhưng thực chất là sự đồng bộ giữa tăng giá và tăng những tiện ích, tiện nghi cho sản phẩm. Do đó, chưa thể nói là “bong bóng” BĐS đang quay trở lại.
Tuy vậy, ông Nguyễn Ngọc Thành cũng cho rằng, Hiệp hội BĐS Việt Nam không khuyến khích việc tăng giá bán của các doanh nghiệp bởi lẽ, thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ hồi phục nên động thái tăng giá diễn ra lúc này sẽ dễ làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, thị trường BĐS chưa có bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ “bong bóng” trở lại. Bởi lượng tồn kho khổng lồ với hàng nghìn dự án bất động sản nằm bất động khắp cả nước chưa thể giải quyết hết thì không thể xảy ra “bong bóng” BĐS lần nữa.
Các chuyên gia BĐS cũng đều đồng tình rằng, dù “bong bóng” BĐS chưa thể quay trở lại thì những nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các phiên họp Chính phủ vừa qua là rất cần thiết.
Như lời phát biểu của chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành trong một hội thảo về BĐS diễn ra mới đây thì Chính phủ một mặt muốn thị trường BĐS phục hồi nhanh chóng nhưng một mặt cũng lo ngại thị trường này phát triển quá nóng dẫn đến không thể kiểm soát.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, Thủ tướng muốn lưu ý các cơ quan liên quan về sự kiểm soát thị trường BĐS để thị trường phát triển một cách ổn định, bền vững. Xét về ý nghĩa này thì những lưu ý của Thủ tướng là rất cần thiết và kịp thời trong thời điểm hiện nay.
BDSGOVAP.com - Theo Báo Chính phủ
Tin khác
- Tín dụng bất động sản tăng mạnh
- Mức phí bảo lãnh dự án BĐS có thể bằng không ?
- Liệu giá nhà sẽ tiếp tục tăng?
- TPHCM mạnh tay “dẹp” chung cư cũ
- Biệt thự liền kề sốt… rét
- Người mua nhà hình thành trong tương lai thêm nặng gánh
- Tiếp tục "bơm" 20.000 tỷ đồng cho BĐS, giúp cả người giàu mua nhà?
- Căn hộ tầm trung lột xác
- Đầu tư 97.000 tỷ đồng cho tuyến metro số 4
- Bộ Xây dựng: Hoàn tất rà soát các dự án nhà ở xã hội trong tháng 6