Bất động sản có thể hưởng lợi nhờ TPP

Theo các chuyên gia, tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lên thị trường bất động sản sẽ không lớn như các ngành hàng dệt may, nông nghiệp song thị trường sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao.

Đón đầu xu thế

TPP được kì vọng sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Theo đó, các công ty nước ngoài ở nhiều lĩnh vực khác nhau có thể sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. Theo Công ty nghiên cứu thị trường CBRE, việc các công ty nước ngoài thành lập hoặc đặt chi nhánh tại Việt Nam sẽ làm gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa nhiều, đây là cơ hội cho các chủ đầu tư văn phòng có thể điều chỉnh kế hoạch phát triển của mình nhằm hướng đến phân khúc khách hàng này.
 

Khách nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS Việt Nam.


Mặt khác, các công ty, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam kéo theo nhu cầu về căn hộ cho thuê và căn hộ để bán. Cùng với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, lao động sẽ được tự do dịch chuyển trong khu vực thì nhu cầu về nhà ở sẽ còn tăng thêm. Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đã có hiệu lực và đang chờ các văn bản hướng dẫn thi hành. Những điều kiện thuận lợi kể trên sẽ thúc đẩy người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, đặc biệt khi giá nhà tại Việt Nam thấp hơn so với các nước lân cận.

Để đón đầu xu thế này, Công ty tư vấn dịch vụ Savills Việt Nam vừa thành lập Bộ phận bán và cho thuê nhà ở tại TP Hồ Chí Minh dành cho khách nước ngoài, xây dựng một đội ngũ vững mạnh để có thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho nhóm đối tượng khách hàng với nhiều tiềm năng đầu tư này. Theo ông Neil MacGregor, TGĐ Savills Việt Nam, số lượng các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm nay, nhiều khách muốn mua và thuê nhà ở tại TP Hồ Chí Minh cũng như khu vực lân cận. Mặt khác, các chuyên gia nước ngoài được kỳ vọng sẽ lưu trú và làm việc tại Việt Nam nhiều hơn khi TPP và các FTA của Việt Nam với các nước chính thức có hiệu lực.

Các công ty trong nước cũng bắt đầu chuẩn bị cho xu thế này. Chủ đầu tư VinaCapital - Vinaliving vừa mở bán một dự án biệt thự cao cấp ven sông Sài Gòn tại TP Hồ Chí Minh. Đại diện chủ đầu tư này cho biết, đây là dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng có vị trí thuận lợi để đi về trung tâm thành phố, thiết kế thông minh, giá hợp lý, do đó dự báo sẽ có nhiều khách nước ngoài quan tâm. Thời gian qua, công ty này đã tập trung đầu tư vào loại hình BĐS này để đáp ứng nhu cầu của khách ngoại (chiếm khoảng 10% số khách mua). Tuy nhiên, đại diện công ty này cho biết, hiện chưa có nghị định hướng dẫn quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam theo Luật Nhà ở (sửa đổi), do đó khách ngoại vẫn phải nhờ người thân đứng tên.

Tác động đến lĩnh vực hạ tầng

Bên cạnh nhà đất, văn phòng cho thuê thì TPP có thể còn tác động đến nhiều ngành khác liên quan đến BĐS như xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, nhà kho và ngành hậu cần. Đây cũng là kết quả của việc thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chuyên gia của CBRE đánh giá tác động này rất tích cực.
 

“TPP đang tạo ra cơ hội nguồn vốn cho DN trong nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho DN trong nước nâng cấp tiêu chuẩn, kinh nghiệm, sự hiểu biết cũng như kỹ năng bán hàng; đồng thời buộc họ phải nỗ lực xây dựng đẳng cấp, tiêu chuẩn quốc tế về quy trình làm việc, chất lượng và thiết kế xây dựng”, Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital
 

Cụ thể, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước trong khối TPP nhập khẩu hàng hóa Việt Nam (dệt may, thủy sản) như Mỹ và Nhật Bản, để đón đầu việc miễn thuế. Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài có khả năng sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam, nơi mà một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc. Các DN nước ngoài cũng sẽ xem xét chuyển nhà máy từ các nước ngoài TPP sang Việt Nam để hưởng thuế suất thấp. Điều này cũng gia tăng nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy...

Trong bối cảnh này, chủ đầu tư các khu công nghiệp và các công ty xây dựng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất khi một lượng lớn các công ty dệt may, thủy sản sẽ di dời đến Việt Nam. Mặt khác, giao dịch thương mại tăng khiến nhu cầu về dịch vụ hậu cần cũng tăng. Các nhà đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông sẽ được hưởng lợi.

Thực tế, tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp, đã bàn bạc với một số DN đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp chuẩn bị thật tốt mặt bằng để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư mới thông qua việc chuẩn bị quỹ đất sạch dồi dào, cơ sở hạ tầng chu đáo và đồng bộ. Mặt khác, các khu công nghiệp của tỉnh liên tục được mở rộng và khai thác hiệu quả. Các cụm công nghiệp cũng được tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với tỷ lệ lấp đầy là 45%.

Liên quan đến giá đất, theo CBRE, còn sớm để kết luận về khả năng tăng giá đất. Tuy nhiên, việc nhu cầu tăng đối với đất công nghiệp và nguồn cung hạn chế của đất tiêu chuẩn là hai yếu tố sẽ khiến giá đất thay đổi, đặc biệt là ở những khu vực được săn tìm nhiều nhất bởi các nhà sản xuất hàng may mặc như Bình Dương, Đồng Nai và Long An.

Theo các chuyên gia, để đón đầu các lợi thế, các DN trong nước cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực lao động, công tác chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng suất cũng như tuân thủ luật pháp.



BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn