Bài toán vốn cho sân bay Long Thành
Dù tỉnh Đồng Nai đang nôn nóng thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng trong 3 năm số vốn dự kiến lên tới hơn 11.266 tỉ đồng đang là áp lực lớn lên ngân sách.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành - Ảnh: tư liệu
|
Tại hội thảo “Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - cần cơ chế chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đào tạo, chuyển đổi nghề và ổn định cuộc sống người dân” do tỉnh Đồng Nai và Báo Lao Động tổ chức sáng qua 30.10, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã tổ chức tham vấn lấy ý kiến đại diện của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng. Kết quả 100% hộ dân và tổ chức đồng ý với chủ trương thực hiện dự án, nhưng người dân mong muốn khi thực hiện bồi thường phải thỏa đáng.
“Tỉnh đang còn vướng về các quy định pháp luật, dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng (GPMB). Việc GPMB, tái định cư là công việc vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án, nên cần cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp”, ông Thái cho hay.
Tiền ở đâu ?
Ông Đặng Minh Đức, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai kiến nghị thực hiện bồi thường, GPMB ngay từ bây giờ, bởi theo tính toán của tỉnh, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của bước 1 với 2.750 ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để giao chủ đầu tư triển khai thì cần thời gian ít nhất 3 năm để kịp mốc 2018 triển khai. Nếu chậm bồi thường, chắc chắn bức xúc của người dân trong vùng dự án sẽ tăng lên. Tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị thực hiện công tác bồi thường một lần, xây trước khu tái định cư cũng như cần một cơ chế đặc thù về quy trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng khu hạ tầng tái định cư.
Lộ trình để xây dựng hết 5.000 ha đất dài hàng chục năm qua 2 giai đoạn, chúng ta chú trọng chủ trương đền bù, lo cho người dân, lấy quỹ đất nhưng trong thời gian chưa làm, quỹ đất xây dựng thế nào. Đất của người dân đừng để 10 năm sau mới làm, nhà nước lấy rồi bỏ đất hoang. Lộ trình thực thi và việc lấy đất phải được tính toán để tránh lãng phí TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM |
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, với tình hình Tân Sơn Nhất hiện nay, dự án sân bay Long Thành tiến hành được sớm ngày nào, dân được nhờ ngày đó. Theo ông Lịch, phải tách GPMB, tái định cư thành tiểu dự án riêng. Nghị quyết Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể, chỉ đạo thu hồi đất một lần, như vậy Chính phủ có pháp lý để làm, việc chuẩn bị cho giãn dân lấp nền có thể làm trước, không phải chờ quyết định đầu tư… Dự kiến chính sách hỗ trợ, đền bù trình Thủ tướng phê duyệt dưới hình thức quyết định của Thủ tướng, nhưng ông Lịch kiến nghị được ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ.
Đồng tình với ý kiến của ông Lịch về khuôn khổ pháp lý, tuy nhiên, theo TS Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách, nhưng vấn đề là “tiền đâu?”. Ngân sách phải lo, nhưng chúng ta muốn 100, ngân sách chỉ lo được 30, 40, đây cũng là vấn đề thực tiễn mà tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT phải có giải trình rất cụ thể để dòng tiền tương thích với nhu cầu thực tế. Ông Phước cũng gợi ý, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, có thể dùng cách nhà nước và nhân dân cùng làm. Ví dụ như phát hành trái phiếu, tín phiếu mà gần 5.000 hộ dân sẽ là người mua, ví dụ đền bù 3 tỉ đồng thì đưa trước cho người dân 1 tỉ, còn lại mua trái phiếu trả lãi, nhưng quyết định cuối cùng là người dân.
Tiếp nối quan điểm nguồn ngân sách đang khó khăn, theo TS Lịch, Đồng Nai có đặc điểm rất thuận lợi, là tỉnh điều tiết về T.Ư, riêng phần thu nội địa ước tính khoảng 12.000 tỉ đồng (theo cơ chế nộp về T.Ư 51% - địa phương 49%). Cho rằng “anh Phước nói hay nhưng người dân muốn khi đền bù là tiền tươi thóc thật”, ông Lịch khuyến nghị Đồng Nai có thể phát hành đi vay theo tiến độ đền bù, hằng năm số vay phải trả bao nhiêu thì khấu trừ vào phần phải nộp T.Ư. Khi có sân bay rồi thì nguồn thu cực lớn, mỗi năm mất vài nghìn tỉ giảm đi nộp ngân sách, vài năm sau thu trở lại.
Tuy nhiên, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội Quốc hội nêu, toàn bộ nguồn lực là thẩm quyền của Chính phủ, việc đề nghị Đồng Nai xin rút lại một phần ngân sách hằng năm để đầu tư sẽ phá vỡ cơ chế chung của quốc gia, bán trái phiếu cho chính đối tượng chịu tác động cũng chưa hợp lý.
Tránh lãng phí đất khi dự án kéo dài
Theo TS Trần Du Lịch, đất Long Thành gồm đất nông nghiệp của dân, đất lâm trường của nhà nước và các loại đất ở. “Nhưng một đặc điểm không thể quên, ngoài đất của dân, đất đầu cơ của các nhà đầu cơ rất lớn, do đó chính sách đền bù phải khác nhau. Lâu nay chính sách của chúng ta đang theo hướng khuyến khích đầu cơ đất nông nghiệp, đền bù theo giá tiền trao cháo múc, nhưng chỉ cần hỗ trợ tại chỗ cho người dân sinh sống, không hỗ trợ cho đầu cơ”, ông Lịch khuyến nghị.
Cũng theo ông Lịch, hướng để đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho những người dân như thế nào là vấn đề quan trọng trong khung chính sách sắp tới. Các nơi bố trí tái định cư cần gắn với việc quy hoạch đô thị cảng hàng không, để tương lai của người dân nông nghiệp thành dân đô thị cảng. “Lộ trình để xây dựng hết 5.000 ha đất dài hàng chục năm qua 2 giai đoạn, chúng ta chú trọng chủ trương đền bù, lo cho người dân, lấy quỹ đất nhưng trong thời gian chưa làm, quỹ đất xây dựng thế nào. Đất của người dân đừng để 10 năm sau mới làm, nhà nước lấy rồi bỏ đất hoang. Lộ trình thực thi và việc lấy đất phải được tính toán để tránh lãng phí”, ông Lịch nói.
Góp ý cho dự thảo khung chính sách đền bù được UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho rằng, cần xã hội hóa trong việc định giá đất, mời các công ty định giá đất uy tín để tính giá đất bồi thường. Đảm bảo công bằng cho người dân, tránh khiếu nại về giá đất bồi thường, cần cho phép người dân chỉ định một đơn vị tư vấn giá đất khác để có một hội đồng định giá khách quan. Ngoài ra, cần có thêm chính sách mềm dẻo và linh hoạt, giao cho UBND tỉnh theo luật Đất đai, với những trường hợp không thể hỗ trợ được đề xuất để Chính phủ quyết định.
Cho rằng vấn đề đền bù GPMB và hỗ trợ việc làm là bài toán rất khó cho Đồng Nai nhưng ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, theo Nghị định 69 của Chính phủ, việc GPMB là trách nhiệm của địa phương, không phải của T.Ư.
Ở một góc độ khác, ông Lưu Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH nêu ý kiến: “Vấn đề việc làm cho người lao động ở khu vực này rất quan trọng, hiện tại báo cáo chưa thấy ưu tiên nào cho người bản địa làm việc trong cụm cảng. Đặc thù riêng với đối tượng mất đất đã được quy định trong luật, nghị định, không nên tạo tiền lệ không tốt cho quá trình xử lý sau này”.
Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tạm ứng vốn theo tiến độ thực hiện công tác GPMB, xây dựng hạ tầng bố trí tái định cư, đồng thời cho phép áp dụng phương thức chỉ định thầu, giao UBND tỉnh tự tổ chức thẩm định, phê duyệt với 2 khu tái định cư Bình Sơn và Lộc An - Bình Sơn. Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm để trình Thủ tướng.
BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn
Tin khác
- Cần sớm có quy chuẩn - tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng hỗn hợp
- Doanh nghiệp bất động sản còn xem nhẹ quảng cáo trực tuyến
- Sakura Valley Đồng Nai “hút” nhà đầu tư
- Ồ ạt xây nhà, lập mộ giả chờ đền bù
- Bất động sản có thể hưởng lợi nhờ TPP
- Vì sao Park Riverside lại “nóng sốt” trên thị trường?
- Thủ tướng sẽ quyết định số phận của Thuận Kiều Plaza
- Giữ lại Thuận Kiều Plaza để sửa chữa, nâng cấp
- Ai đang “chống lưng” cho hàng loạt sai phạm tại KĐT Yên Hòa?
- Dự án xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực: "Chủ đầu tư đã cố tình vi phạm"