Thời điểm nào, chi bao nhiêu cho lát đá phố cổ?
Các chuyên gia, nhà quản lý chưa đưa ra được thời điểm nào nên lát đá phố cổ Hà Nội, kinh phí bao nhiêu cũng chưa tính toán được.
Trong buổi trao đổi về dự định lát đá 11 tuyến phố cổ với ban quản lý Khu phố cổ Hà Nội, nhiều chuyên gia đã cho rằng, cần cân nhắc kỹ đến hiệu quả, thời điểm và các ưu tiên khác ở khu vực phố cổ.
Theo Giáo sư, KTS Hoàng Đạo Kính thời điểm này lát đá thêm 11 tuyến phố cổ Hà Nội là chưa phù hợp, “Việc chỉnh trang các tuyến phố cổ là việc bình thường, nhưng phải tuân thủ hai nguyên tắc: Hài hòa với cảnh quan và thời điểm để làm. Trong khu vực phố cổ, có rất nhiều ưu tiên phải làm trước, chẳng hạn như chỉnh trang, nâng cấp, xóa bỏ cảnh sống chen chúc như những “tổ người” hình thành hàng chục năm nay trong các căn nhà ở phố cổ, quy hoạch lại quảng cáo… Muốn lát đá các tuyến phố cổ phải nghiên cứu thật kỹ, tránh bài học lát đá vỉa hè hồi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, các vỉa hè chỉ được xếp đá lên, khấp khểnh, thò ra thụt vào rất cẩu thả. Các dự án ở phố cổ phải bắt nguồn từ lợi ích của người dân mà đặt ra kế hoạch cụ thể”.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp để lát đá tự nhiên hàng loạt tuyến phố cổ Hà Nội.
|
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, trước khi đi đến quyết định lát đá phố cổ, phải nghiên cứu, tính toán tất cả các yếu tố, như phần đường dành cho đi bộ, lát đá thì có tác dụng gì, thay đổi như thế nào?... KTS Trần Huy Ánh cho rằng, phải xem xét hiệu quả như thế nào, nếu là bài toán đầu tư thì cũng nên tính đến những gì thu lại được.
Các chuyên gia cũng chưa đưa ra được thời điểm nào nên lát đá phố cổ thì phù hợp cũng những đánh giá về tổng quan của công trình khi được xây dựng thì có phá vỡ quy hoạch hay tăng vẽ cổ kính hoặc làm hiện đại hóa phố cổ.
Phố cổ Hà Nội đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa, trong đó đường phố là một thành tố quan trọng của di sản. Vậy khi lát đá có ảnh hưởng đến kiến trúc và cảnh quan, môi trường sống của người dân hay không?
2010-2011 TP Hà Nội lát đá phố Tạ Hiện chiều dài 55m có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng.
|
Ông Phạm Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội khẳng định lát đá phố cổ sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho người dân. Ông Long dẫn chứng cụ thể: “Kể từ khi đoạn phố Tạ Hiện được chỉnh trang nâng cấp, cụ thể là hạ ngầm đường thoát nước, chỉnh trang mái vẩy, mái che…, thì không chỉ bộ mặt của khu vực này thay đổi, mà dịch vụ, kinh tế cùng thay đổi theo. Thí dụ, trước năm 2008, có khoảng 40% hộ dân ở đây kinh doanh dịch vụ, nhưng sau khi chỉnh trang thì đã có 100% hộ dân kinh doanh dịch vụ. Nhiều người nước ngoài cũng tham gia mở quán bar, hàng ăn… Giá thuê cửa hàng tại phố Tạ Hiện cũng tăng cao hơn so với trước”.
Trước thông tin phản ánh tuyến phố Tạ Hiện sau khi lát đá đã trở nên trơn trượt vào trời mưa, thì Trưởng ban quản lý Khu phố cổ thừa nhận có nắm được thông tin, và giải thích rằng tỷ lệ hộ kinh doanh hàng ăn ở đây cao hơn so với nơi khác, và “dầu mỡ cũng có gây ảnh hưởng”. “Chúng tôi biết và đã kết hợp với chính quyền phường tuyên truyền nhắc nhở người dân. Việc lát đá dễ gây trơn trượt vào trời mưa, do đó cần nghiên cứu cụ thể hơn. Đặc biệt việc phải tổ chức lại giao thông, trong đó có việc hạn chế phương tiện đi vào khu vực này”.
Ông Phạm Tuấn Long cho biết thêm vào thời điểm năm 2010-2011 lát đá phố Tạ Hiện chiều dài 55 m có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. “Còn việc lát đá 11 tuyến phố chưa có con số cụ thể bởi chúng tôi còn phải căn cứ vào thiết kế mới có thể tính toán ra tổng mức đầu tư".
Như vậy câu chuyện về việc lát đá 11 tuyến phố cổ Hà Nội còn nhiều việc cần phải bàn!.
Ông Phạm Tuấn Long, Trưởng ban Quản lý di tích phố cổ Hà Nội cho biết: “Hiện Ban quản lý phố cổ đang nghiên cứu đề án thiết kế đô thị tuyến phố Hà Đào – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy. Việc lát đá tại 11 tuyến phố cổ là một phần trong đề án này. Đây mới là chủ trương và đơn vị vẫn tiếp tục nghiên cứu việc lát đá trong Khu phố cổ.
Theo đề án, việc lát đá khu vực phố cổ nhằm tạo cảnh quan kiến trúc ở phố cổ Hà Nội tại 11 tuyến phố. Theo đó, việc lát đá chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 5 phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy sẽ trở thành tuyến phố thương mại. Nhóm còn lại gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Đào Duy Từ sẽ là khu phố ẩm thực đi bộ. Nếu quyết định này được thông qua, thì 11 tuyến phố này sẽ được đổ bê tông và lát đá tự nhiên trên bề mặt. Dự kiến đến năm 2016 dự án sẽ hoàn thành”.
BDSGOVAP.com - Theo VOV
Tin khác
- Rắc rối… sử dụng nhà chung cư
- Thanh khoản tiếp tục tăng
- Xây nhà ở xã hội bằng vốn ODA: Giá nhà giảm, liệu có tăng nợ công?
- Sau gói 30.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được hỗ trợ
- Công trình vi phạm “vô tư” mọc?
- Thị trường bất động sản phục hồi: “Chớ vội lạc quan”
- Nhà ở công vụ chuyển công năng sử dụng vẫn thuộc sở hữu nhà nước
- Bộ Tài nguyên và Môi trường thúc việc kiểm kê đất đai
- Thị trường bất động sản TP HCM có dấu hiệu bất ổn
- Horea xua hoài nghi “bong bóng” nhà đất