Sắp hết thời chây ỳ với nhà công vụ
Người sử dụng nhà công vụ không được tự ý thay thế nội thất, sửa lại nhà và phải trả lại nhà sau khi đã về hưu là những quy định cụ thể trong Dự thảo Thông tư Hướng dẫn quản lý sử dụng nhà công vụ đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến đến hết ngày 24/6, nhằm quản lý chặt chẽ loại tài sản nhà nước này.
Bịt kẽ hở thông tư cũ
Câu chuyện sử dụng nhà công vụ sai mục đích từng gây nóng trên nghị trường Quốc hội, qua đó cho thấy cơ chế quản lý loại nhà ở này còn nhiều vấn đề. Trước đây, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT - BXD ngày 16/1/2014 hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ. Tuy nhiên, thông tư này đến nay đã lỗi thời. Bám sát Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2014 và có hiệu lực từ tháng 1/2015, Bộ Xây dựng đã soạn thảo dự thảo thông tư mới nhằm thay thế Thông tư 01/2014/TT - BXD, nêu ra những quy định cụ thể hơn.
Biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiêu biểu cho câu chuyện nhà ở công vụ bị sử dụng sai mục đích.
|
Theo đại diện Bộ Xây dựng, các quy định về quản lý nhà công vụ xuất phát từ công tác quản lý còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích, đối tượng... Thực tế, có nhiều trường hợp người sử dụng hết thời hạn nhưng không trả lại nhà, sang nhượng cho con cháu hoặc không sử dụng nhưng cũng không trả lại, gây lãng phí tài sản công.
Khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) từng là “điểm nóng” khi có đến 59/80 căn hết thời hạn cho thuê nhưng chủ nhân không trả lại cho Nhà nước (cuối năm 2014). Chủ nhân của các căn nhà công vụ này cũng có nhiều suy nghĩ trái chiều về vấn đề này. Một vị nguyên là thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng nếu có cơ quan đòi nhà thì sẽ trả ngay. Theo vị này, do không có quyết định thu hồi, đòi lại nhà nên ông không trả. Một vị khác nguyên là thứ trưởng Bộ Y tế thì cho biết, ông đang nhận nhiệm vụ làm chuyên gia do Nhà nước giao. Khi hết nhiệm vụ, ông sẽ tự giác trả.
Các chuyên gia cho rằng, chính vì chưa có một cơ chế rõ ràng nên đã để xảy ra tình trạng chây ỳ không chịu trả lại nhà. Ngay như căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa tại Hoàn Kiếm, Hà Nội từng bị sử dụng sai mục đích cũng là do chưa có quy định cụ thể về việc cán bộ sau khi về hưu phải hoàn trả lại nhà công vụ.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phải có một quy chế cho thuê nhà công vụ rõ ràng. “Theo Luật Nhà ở mới, cán bộ công chức từ cấp thứ trưởng trở lên hoặc cán bộ công chức nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ”. Đồng thời, ông Liêm đề nghị, khi hoàn thành công tác thì phải có cơ chế cụ thể về việc cán bộ phải trả lại nhà.
Để khắc phục kẽ hở quản lý này, điều 13 của dự thảo mới đã quy định: Người thuê nhà phải trả lại nhà ở công vụ cùng trang bị nội thất kèm theo cho đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ trong thời hạn 3 tháng kể từ khi nhận thông báo của cơ quan quản lý và phải thanh toán các khoản chi phí trong thời gian đó. Nếu trong 3 tháng liên tục không trả tiền thuê nhà thì cơ quan trực tiếp quản lý được khấu trừ tiền lương của người thuê nhà.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ các đối tượng phải trả lại nhà công vụ gồm: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; người thuê nhà chuyển công tác đến địa phương khác; người thuê nhà có nhu cầu trả lại nhà ở công vụ; người đang thuê nhà ở công vụ bị chết hoặc sử dụng nhà ở công vụ sai mục đích.
Quy định chi tiết giá thuê
Ông Trịnh Hồng Quân, Trưởng ban Quản lý Nhà ở công vụ (Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản) cho biết, điểm khác biệt lớn nhất giữa bản dự thảo so với Thông tư 01 nằm ở việc cụ thể hóa cách tính giá cho thuê nhà ở công vụ. Cụ thể, chi phí cấu thành giá cho thuê nhà công vụ bao gồm: chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo trì và chi phí quản lý cho thuê cùng các khoản lợi nhuận định mức, hệ số giảm giá (nếu có), thuế suất thuế GTGT... trừ đi khoản thu từ kinh doanh các dịch vụ khu nhà ở công vụ trong năm.
Bộ Xây dựng đề xuất, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định về quản lý vận hành, bảo trì, quản lý cho thuê nhà ở công vụ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Dự thảo mới không chỉ đưa ra công thức chung cho nhà công vụ mà chia ra từng loại: nhà ở công vụ đang sử dụng, nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng mới và trường hợp mua nhà thương mại làm nhà ở công vụ. Với nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng mới, các chi phí quản lý vận hành, quản lý cho thuê... là mức dự kiến. Riêng dự kiến chi phí bảo trì sẽ bao gồm cả dự kiến chi phí bảo trì nhà chung cư và bảo trì trang bị nội thất gắn với nhà ở công vụ (nếu có).
Trường hợp mua nhà thương mại làm nhà ở công vụ, chi phí quản lý vận hành cho thuê sẽ tính cả chi phí quản lý cho thuê trực tiếp và chi phí quản lý cho thuê gián tiếp (tính % trên tổng chi phí quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở). Quỹ bảo trì cũng được tính toán tương tự nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng mới, tức là bao gồm cả bảo trì trang bị nội thất.
Người thuê nhà phải sử dụng nhà đúng mục đích; giữ gìn nhà và các trang thiết bị nội thất kèm theo; sửa chữa hư hỏng và bồi thường thiệt hại do mình gây ra; không được tự ý cải tạo, sửa chữa nhà ở công vụ nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý; không được chuyển đổi, cho thuê lại hoặc cho ở nhờ...
BDSGOVAP.com - Theo Tin tức
Tin khác
- Thủ tướng cảnh báo “bong bóng” bất động sản
- Dự án sân bay Long Thành: Đề nghị thu hồi một lần 5.000 ha
- Lắp dầm đầu tiên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
- Thị trường bất động sản đang phát triển bền vững
- Xác định ranh giới quy hoạch các khu đất dịch vụ trong tháng 6/2015
- Doanh nghiệp Nhà nước phải "buông" bất động sản
- Gần 17.000 hộ đã được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
- Nguồn cung văn phòng cho thuê khu vực châu Á tăng mạnh
- Quận 12: Hạ tầng và tiện ích (Kỳ 1)
- Nhà bán chạy, tồn kho bất động sản giảm gần một nửa