Nhà ở xã hội như là lương gián tiếp!
Chưa năm nào việc tăng lương tối thiểu lại trở nên quan trọng như năm nay. Cũng mừng là đời sống của người lao động đang được quan tâm hơn, và Tổng liên đoàn Lao động cũng năng động hơn. Còn nhớ có những lúc mà tiếng nói bên phía chủ nhân hùng cứ công luận, như thời phòng Thương mại Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo về những bất lợi của sự tăng lương tối thiểu “quá lố”. Thế nhưng, để đời sống người lao động được đảm bảo hơn, không chỉ giới chủ và công đoàn gánh vác, mà còn có phần của Nhà nước, “ông chủ” lớn nhất của mọi xã hội, trong việc bảo đảm cho các công dân một cuộc sống tối thiểu.
Ngay tại các nước đang là kinh tế thị trường 100% tự bao đời như Mỹ, Pháp..., người lao động thu nhập thấp đâu chỉ sống được nhờ đồng lương. Lương là để chi trả những chi tiêu thường dùng, trong khi nhà ở, trường học cho con cái, bệnh viện đã có nhà nước bảo đảm, tùy xã hội mà có cách đáp ứng khác nhau song cùng mục đích là hỗ trợ người thu nhập thấp. Tỷ như ở Mỹ, nay với Obamacare người nghèo có thể mua được bảo hiểm y tế, còn ở Pháp vẫn còn “bao cấp” thì an sinh xã hội bao luôn bảo hiểm y tế. Điều này, ở Việt Nam, người lao động có đăng ký cũng đang được hưởng theo chuẩn của Việt Nam.
Tuy nhiên, có lẽ người lao động có thu nhập thấp cần được hỗ trợ thêm trong cuộc sống bằng một chỗ ở được nhà nước giúp đỡ. Tỷ như ở Mỹ, người nghèo được hưởng chế độ mà người Việt bên đó gọi tắt là housing. Đây là một phần trong công việc của Bộ Gia cư và Phát triển đô thị (Department of Housing and Urban Development, HUD). Lấy thí dụ một gia đình người Việt nhập cư hợp pháp, người chồng thất nghiệp, người vợ chỉ có một công việc bán thời gian, và ba đứa con dưới 18 tuổi còn đi học. Gia đình đó nộp đơn xin hỗ trợ housing và được nhà nước trả tiền thuê nhà hàng tháng hơn 2.000 đô la Mỹ, trong khi chỉ phải tự trả tiền túi ba, bốn trăm đô la! Housing là trong một chương trình lớn của chính phủ liên bang nhằm hỗ trợ các gia đình có thu nhập rất thấp, người già và người tàn tật, để giúp họ đủ khả năng có được nhà ở đàng hoàng, an toàn và vệ sinh trong thị trường tư nhân. Các gia đình, cá nhân tham gia chương trình này có thể tự do tìm nhà riêng của họ, bất kể là nhà phố, biệt thự hay căn hộ, miễn là các chỗ ở đó nằm trong các dự án nhà ở được trợ cấp được quản lý bởi các cơ quan gia cư công cộng (PHAs). Các PHAs nhận kinh phí liên bang từ HUD. Mỗi gia đình được cấp phiếu housing tự có trách nhiệm tìm một đơn vị gia cư phù hợp với sự lựa chọn của mình, mà chủ sở hữu đồng ý cho thuê theo chương trình housing. Các đơn vị gia cư cho thuê phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và an toàn, được xác định bởi PHA. Tiền trợ cấp nhà ở được trực tiếp trả cho chủ nhà bởi PHA thay mặt cho các gia đình tham gia. Các gia đình sau đó trả tiền chênh lệch giữa tiền thuê thực tế tính của chủ nhà và số tiền trợ cấp của chương trình (1).
Còn ở Pháp thì khác với hệ thống HLM (nhà ở giá thuê phải chăng) dành cho những người có thu nhập khiêm tốn do các cơ sở công gọi là OPH (cơ quan gia cư) hoặc tư gọi là ESH (xí nghiệp nhà ở xã hội) nay đổi tên thành SA HLM (công ty nặc danh nhà ở giá phải chăng) xây dựng, quản lý. Hiện các cơ sở công và tư này đang quản lý khoảng 4,5 triệu căn, với tên gọi chung là nhà ở xã hội, tức khoảng 17% nhà ở tại Pháp. Nhà nước miễn thuế cho các cơ sở này đồng thời trợ cấp đặc biệt hầu giúp cho các cơ sở này đảm đương được công việc xây dựng, quản lý, cho thuê các căn hộ chung cư, và đảm bảo việc bán lại các căn hộ này cho người thuê (2).
Đặc điểm của hệ thống HLM này là giá thuê nhà rẻ hẳn so với giá thị trường, thường thì rẻ hơn khoảng 46% giá thuê bình quân, theo cơ quan thống kê Pháp INSEE (3). Cũng theo INSEE, nhờ được thuê nhà ở xã hội, công chúng có thể tiết kiệm được hàng tháng bình quân 227 euro, tức khoảng 25% lương tối thiểu. Chính vì thế mà nhà ở xã hội còn được xem là một thành tố quan trọng của điều được gọi là “đồng lương gián tiếp” (le salaire indirect) (4). Khái niệm “đồng lương gián tiếp” này cần được tính đến ở Việt Nam và nhà nước tư bản làm được, thì xã hội chủ nghĩa càng phải làm được.
Trong thực tế, ở Việt Nam, cũng đã xuất hiện “nhà ở xã hội”, cùng một tên gọi song lại không cùng một nội dung. Việc sử dụng thuật ngữ này cho thấy điều này không xa lạ gì với một số quan chức Việt Nam. Nhưng vấn đề không chỉ ở chỗ làm sao biến “nhà ở xã hội” thành hiện thực mà là: (1) tiến đến nhìn nhận rằng tăng lương trực tiếp mới chỉ là một phần hạn chế của cuộc sống người lao động; (2) xem việc giúp người lao động an cư bằng cách này hay cách kia như là một đồng lương gián tiếp; (3) từ đó phân bổ ngân sách hướng đến số đông và sự an cư của người lao động như là thành tố tối quan trọng đảm bảo ổn định xã hội và cả chính trị.
Thực ra, từ mấy năm nay, gói “30.000 tỉ” nghe rất kêu song chưa đi vào cuộc sống người lao động, nhất là người lao động chỉ sống với lương tối thiểu. Các “công ty dịch vụ công ích”, trên danh nghĩa, có thể biến thành những đơn vị đầu tiên của một “Tổng cục gia cư” tương lai.
BDSGOVAP.com - Theo TBKTSG
Tin khác
- Gói 30.000 tỷ có dấu hiệu bị lợi dụng?
- Chuyển nhượng nhà đất duy nhất có thể không mất thuế
- 7 sai lầm khiến nhà đầu tư bất động sản mất tiền
- 24 địa phương đã thành lập Văn phòng đăng kí đất đai
- Hơn 15.000 tỉ đồng làm đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
- GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Xu hướng tăng được giữ vững
- Khó khăn và giải pháp tháo gỡ
- Đất quận 9 tăng giá chóng mặt
- Chương mới về nhà ở xã hội
- “2015 sẽ là bước phục hồi ngoạn mục cho bất động sản”