Nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản

Theo VEPR, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản.
 

Cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2015(Ảnh minh họa: KT)


Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2015. Trong đó, về lĩnh vực tài chính, từ các chỉ số 9 tháng qua, VEPR cảnh báo nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.

Tiềm ẩn rủi ro về giá trong ngắn hạn

Chỉ số CPI tăng chậm trong 9 tháng đầu năm, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng 9. Đáng chú ý theo chu kỳ hàng năm, tháng 9 là thời điểm mặt bằng giá chịu nhiều áp lực tăng ở nhóm mặt hàng giáo dục do bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, hai nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực giảm giá, vốn đóng góp tổng trọng số xấp xỉ 17% trong rổ hàng hóa CPI, là tác nhân chính dẫn tới hiện tượng bất thường trong năm 2015.

VEPR cũng lưu ý là xu hướng lạm phát thấp không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang khá phổ biến ở các thị trường mới nổi do tác động của giá hàng hóa và năng lượng, ví dụ Thái Lan (-1,07%), Trung Quốc (2%), Singapore (-0,8%), Phillipines (0,4%), Malaysia (3,1%).

Bên cạnh đó, giá năng lượng suy giảm được cho là đã tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các dự báo về giá năng lượng cho năm 2016-17 đều thuận lợi cho việc giữ ổn định mặt bằng giá trong nước.

Thị trường xuất khẩu gạo khó khăn do dư cung trên phạm vị toàn cầu, đặc biệt mở bán kho gạo dự trữ của Thái Lan, dẫn đến giá lương thực trong tháng 9 giảm 2,23% so với đầu năm.

Những yếu tố của phía cung chỉ báo xu hướng lạm phát thấp trong một, hai quý tiếp theo dù mặt bằng giá có thể chịu áp lực vào thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên VEPR cho rằng, tốc độ tăng cung tiền đang vượt xa GDP danh nghĩa sẽ tạo ra rủi ro cho mặt bằng giá trong năm 2016. Chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức cùng mức tỷ giá kém cạnh tranh có thể đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá trong ngắn hạn.

VEPR cho rằng tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép nên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

Cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản

Ở thị trường tài sản, VEPR cho rằng, thị trường bất động sản có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ trong Quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm. Thông tư 36/2014 của NHNN nới lỏng cho vay bất động sản, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, đã tạo hiệu ứng tích cực. Theo thống kê của Savills, số căn hộ chào bán mới cũng như được bán thành công liên tục ở mức cao.

Tốc độ cho vay bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh, đạt 10,89% trong nửa đầu năm 2015. VEPR cho rằng sự hồi phục của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.

Vì thế, VEPR khuyến nghị: tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. VEPR đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.


BDSGOVAP.com - Theo DiaOcOnline.vn