Mua nhà theo tiến độ: vẫn tiềm ẩn rủi ro
Đầu năm 2015, hàng trăm người mua nhà tại dự án chung cư B5 Cầu Diễn như ngồi trên đống lửa khi thông tin bà chủ của dự án Châu Thị Thu Nga bị bắt. Họ cho biết, mặc dù không mấy ngạc nhiên về việc bà chủ dự án này bị bắt nhưng tất cả khách hàng đều lo lắng về số tiền mình đã góp vào dự án này từ nhiều năm trước.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình về rủi ro từ hình thức mua nhà bằng hình thức hợp đồng góp vốn. Trước đó, hàng loạt dự án cũng khiến khách hàng kêu trời khi tiền đã đóng từ lâu nhưng dự án sau nhiều năm triển khai vẫn chỉ là một bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Hoặc khá hơn thì xây được nửa chừng rồi đắp chiếu để đấy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hàng loạt dự án treo, chậm tiến độ hay những rủi ro pháp lý khác là hệ quả của giai đoạn thị trường sốt nóng (2007-2010). Trong giai đoạn này, nhà nhà làm dự án, người người làm dự án,thị trường luôn trong tình trạng sốt xình xịch khi cầu lớn hơn cung. Kết quả là nhiều chủ đầu tư mặc dù năng lực có hạn nhưng “vẽ” ra những dự án ngàn tỷ để thu hút vốn từ người có nhu cầu.
Sau giai đoạn khủng hoảng, người mua nhà bắt đầu tỏ ra thận trọng khi chỉ quan tâm tới những dự án đã hoàn thiện hoặc gần hoàn thiện và tên tuổi nhà đầu tư được họ chú trọng.
Đến nay, nhiều khách hàng đã bắt đầu tỏ ra mạnh dạn hơn. Khá nhiều dự án được bán khá tốt ngay sau khi đủ điều kiện mở bán.
Anh Trung, ngụ Mỹ Đình cho biết vừa quyết định xuống tiền mua một căn hộ tại dự án lớn tại quận Bắc Từ Liêm.
“Ban đầu tôi cũng khá do dự vì dự án này cũng đã từng có tiểu sử bị treo. Tuy nhiên, việc được một ngân hàng có tiếng bảo trợ tiến độ khiến tôi yên tâm hơn. Việc đăng ký mua sớm trực tiếp với chủ đầu tư giúp tôi có được mức giá tốt hơn so với việc mua lại từ nhà đầu tư thứ cấp. Tuần nào tôi cũng đi ngang qua để theo dõi tiến độ xây dựng. May mắn là đến thời điểm này mọi thứ đều diễn ra đúng như kế hoạch”, anh nói về quyết định của mình.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch Công ty luật SBLaw :“Việc mua nhà bằng hình thức góp vốn sẽ có lợi thế về giá nhưng không thể loại trừ hoàn toàn rủi ro. Ngoài rủi ro về mặt tiến độ, khách hàng có thể còn phải đối phó với những rủi ro về tính pháp lý và rủi ro tài chính của dự án. Do thủ tục triển khai dự án hiện nay khá rắc rối và tốn thời gian nên nhiều chủ đầu tư quyết định “xây trước, xin sau” để bắt kịp cơ hội. Do đó, nếu không tìm hiểu kỹ, rất có thể khách hàng sẽ ngậm trái đắng khi mua phải những dự án như vậy”.
Theo ông Hà, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh nhà ở sửa đổi mới được quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2015 sẽ giảm thiểu đáng kể rủi ro cho người mua nhà. Tuy nhiên, người mua nhà tại các dự án trước hết phải biết cách tự bảo vệ mình.
“Hiện nay, việc tìm hiểu thông tin về chủ đầu tư là khá dễ dàng. Người mua nhà có thể lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín qua những dự án họ đã thực hiện. Ngoài ra, khi mua nhà, khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý của dự án và tiến hành đối chiếu thông tin tại các cơ quan có liên quan như Sở Tài Nguyên, Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc Quy hoạch. Không nên mua nhà tại các dự án mà chủ đầu tư có ý định dấu diếm thông tin. Cuối cùng, người mua nhà nên tham vấn luật sư trước khi ký tên vào hợp đồng mua bán”, ông Hà cho biết thêm.
BDSGOVAP.com - Theo muabannhadat.vn