Mở cửa thị trường cho nhiều người chơi hơn

Nghiên cứu của CBRE phân tích những tác động tích cực của 2 luật BĐS mới lên thị trường bán lẻ và văn phòng cho thuê tại TP.HCM.
 

 

Quý 2/2015, thị trường văn phòng sôi động với 2 tòa nhà mới: tòa nhà văn phòng Hạng A, Vietcombank Tower (Quận 1) và tòa nhà văn phòng hạng B, Lim 2 (Quận 3). Luật mới cho phép công ty có vốn đầu tư nước ngoài được phép cho thuê lại tài sản họ đang thuê và công ty có vốn nước ngoài được phép mua lại tòa nhà đã xây dựng để sử dụng. Đây là một cách tìm kiếm và tiếp cận các nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường, cho phép chủ đầu tư tiếp cận các nguồn vốn khác nhanh hơn và dễ dàng hơn. Theo đó, sẽ có nhiều diện tích văn phòng được chào thuê dài hạn hoặc bán. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng các chủ đầu tư phải cẩn trọng trong việc tìm khách thuê chiến lược dài hạn để tránh việc cạnh tranh nội bộ trong chính tòa nhà của mình.

 

Diện tích thực thuê mới ghi nhận tại các văn phòng hạng A và B trong Quý 2/2015 cải thiện đáng kể so với quý trước. Với hai toà nhà mới đi vào hoạt động, Vietcombank Tower và Lim 2, diện tích thực thuê mới hạng A và Hạng B tăng đáng kể. Hạng A ghi nhận 37.413 m2 diện tích thực thuê (NLA) so với 807 m2 NLA ở quý trước và 2.061 m2 ở Quý 2/2014.  Giá thuê cải thiện được ghi nhận ở Hạng A và Hạng B. Giá thuê Hạng A tăng trung bình 1,9% so với quý trước nhờ có sự cải thiện giá thuê của các tòa nhà (Vincom Center (10%), Bitexco Financial Tower (5%),…) trong quý khảo sát.

Sau ba năm yên ắng, thị trường bán lẻ đã có sự phục hồi rõ nét hơn với nhiều sự kiện sôi động trong Quý 2/2015. SC VivoCity, TTTM đầu tiên của Công ty TNHH Đầu tư Mapletree từ Singapore, hợp tác với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, Saigon Co.op, đã khai trương vào Tháng 5/2015 với 72.000 m2 diện tích sàn. Tọa lạc tại con đường mua sắm đắc địa Nguyễn Huệ, khối đế thương mại Times Square cũng đã mở cửa trong Tháng 6. Với 4.000 m2 diện tích sàn, khối đế thương mại này cung cấp các thương hiệu nội thất hạng sang như Cassina, Giorgetti, B&B Italia được phân phối bởi Eurasia. Hơn nữa, với niềm tin quay trở lại, ngày càng nhiều nhà bán lẻ nước ngoài có kế hoạch gia nhập thị trường TP.HCM, đa dạng ở nhiều phân khúc, như: Carolina Herrera, Stuart Weitzman, Dorothy Perkins, MaxMara, LOST, Hamleys and Paul. Tập đoàn Vingroup tiếp tục mở rộng mảng bán lẻ của mình với chuỗi cửa hàng chuyên biệt được đầu tư và vận hành bởi công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinDS, mang tên Beautyzone, Sportsworld, Shoecenter và Fashion Megastore.

 

Để đón đầu sự hồi phục của thị trường, các chủ đầu tư bán lẻ đã tăng tốc tốc độ xây dựng dự án của mình, ví dụ như The One và Saigon Centre giai đoạn 2. Saigon Centre dự định sẽ đóng cửa vào cuối tháng 6 để thực hiện kết nối với giai đoạn 2. Toàn bộ quá trình nâng cấp này sẽ mất khoảng một năm. Theo sau Saigon Centre, Union Square cũng sẽ đóng cửa vào Tháng 10 năm này để thiết kế lại mặt bằng và chọn lọc thương hiệu.

 

Với sự hình thành của tuyến Metro đầu tiên, thị trường bán lẻ, đặc biệt dọc trục đường Nguyễn Huệ, kỳ vọng sẽ thay đổi đáng kể trong những năm tới. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM đã trình đề cương xây dựng khu thương mại ngầm 6.300 tỷ đồng dưới nhà ga trung tâm Bến Thành, nối liền với phố đi bộ Nguyễn Huệ, lên Ủy Ban Nhân Dân chờ phê duyệt. Với 45.000 m2 diện tích sàn, nối với tuyến Metro số 1, số 2, số 3a và số 4, đây là loại hình bán lẻ mới, đột phá chưa từng có ở Việt Nam và được cả người tiêu dùng cũng như nhà bán lẻ mong đợi.

BĐSGOVAP.com-(Nguồn: CBRE)