“Hỏa mù” mua bán bất động sản

Hàng loạt dự án bất động sản vừa “ra lò” đã được chủ đầu tư, công ty phân phối tuyên bố “cháy hàng” nhưng đa phần giao dịch chỉ mang tính chất nội bộ

Cuối tháng 5, chúng tôi liên hệ với Công ty Nhà mơ - chủ đầu tư dự án Dream Home Residence (đường số 59, quận Gò Vấp, TP HCM) - để tìm hiểu mua căn hộ khoảng 70 m2. Một lúc sau, nhân viên Công ty Danh Khôi (đơn vị phân phối dự án) thông báo dự án đang xây dựng, đến quý I/2017 mới giao nhà nhưng 400/450 căn hộ của tòa nhà đã có chủ.

“Nói bán sạch là... xạo”

Khi biết chúng tôi có ý định mua căn hộ hoàn thiện, lập tức nhân viên này chào mời dự án chung cư Dream Home Luxury Apartment nằm cách Dream Home Residence khoảng 300 m, đồng thời quảng cáo trong số hơn 500 căn hộ chỉ còn 3-4 căn chưa có người mua.
 

Dự án Dream Home Luxury Apartment được nhà phân phối thông báo chỉ còn 3-4 căn hộ chưa có người mua Ảnh: THY THƠ


Tìm hiểu một số dự án khác ở TP.HCM, các chủ đầu tư đều cho biết sức mua của thị trường khá tốt. Cụ thể, chủ đầu tư của 2 dự án trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình thông báo đã bán sạch 700 căn hộ ngay trong ngày mở bán. Một chủ đầu tư dự án đất nền tại quận 7 cũng cho biết qua 2 đợt chào bán, hàng trăm nền đất đều “cháy hàng”. Tại Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản (BĐS) được chủ đầu tư tuyên bố vừa mở bán đã hết hàng. Một số chủ đầu tư của các dự án tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy... cũng tuyên bố chỉ sau 1 tháng chào hàng đã bán được hơn 500 căn hộ. Không ít khách hàng tin tưởng vào độ “sốt” của dự án và đặt mua.

Kể lại trường hợp của mình, chị Lê Thị Thanh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết cách đây hơn 1 năm, chị có nhu cầu mua căn hộ chung cư ở khu vực quận 2, 9. Khi xem một căn hộ 67 m2, dự án đã hoàn thiện và bàn giao nhà với giá 820 triệu đồng, chị chưa hài lòng lắm vì trước đó, 1 căn hộ khác cũng diện tích 66 m2 giá 920 triệu đồng nhưng nội thất đẹp hơn nhiều. “Đang do dự thì nhân viên môi giới của dự án này liên tục điện thoại thúc giục, nói là nếu không đặt cọc sớm sẽ có người khác mua mất. Hôm sau, nhân viên này tiếp tục giục tôi đặt cọc vì có một khách hàng khác cũng muốn mua và đang tính đặt cọc. Tôi nghe xong thấy sốt ruột nên quyết định mua luôn căn hộ trên. Mua xong mới biết đây chỉ là chiêu của môi giới” - chị Thanh tặc lưỡi nhớ lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM Nguyễn Văn Đực cho biết bản thân ông là người thiết kế một dự án chung cư giá 16-17 triệu đồng/m2 nhưng qua đến khâu chủ đầu tư và công ty phân phối rao bán thì chỉ trong 1-2 ngày đã gần hết. “Bản thân mình cũng băn khoăn không biết thông tin này có bị “thổi phồng” không nhưng nhìn nét mặt vui vẻ của họ thì dường như lượng khách mua là không ít” - ông Đực chia sẻ.

Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty phân phối BĐS tại TP HCM lại khẳng định đơn vị phân phối nào bán dự án mà nói “bán sạch, bán hết” trong vài ngày là... xạo! “Cho dù khách hàng đặt chỗ trước 100% thì trong ngày mở bán vẫn có những người băn khoăn về giá, phương thức thanh toán, thủ tục vay ngân hàng hoặc lãi suất... Ngay đơn vị phân phối cũng không thể bán một lúc toàn bộ căn hộ có trong tay, phải định lượng theo nhu cầu hoặc liên quan đến kỹ thuật bán hàng” - vị tổng giám đốc này phân tích.

Nhiều chiêu đẩy giá

Giới cò nhà đất cho biết với một dự án hàng trăm căn, chủ đầu tư thường mời gọi thêm 2-3 tổ chức hợp tác theo hình thức góp vốn - nhận căn hộ. Chẳng hạn, dự án A có 500 căn hộ, tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, trong đó có 3 tổ chức góp vốn, mỗi đơn vị góp 300 tỉ đồng sẽ nhận khoảng 150 căn hộ để bán ra thị trường. Tức là thời điểm chủ đầu tư mở bán dự án đồng nghĩa với việc các tổ chức góp vốn đã mua hàng trăm căn hộ. “Nhờ đó chủ đầu tư mới mạnh miệng tuyên bố dự án cháy hàng nhưng thực chất chỉ là những giao dịch mang tính nội bộ” - anh Lê Huy Thành, một môi giới ở TP HCM, nói.

Theo tìm hiểu, chủ đầu tư dự án thường giao hàng độc quyền cho một vài nhà phân phối. Các đơn vị này sẽ làm thủ thuật, tạo sự khan hiếm ảo để khách hàng sớm quyết định mua vì sợ hết căn hộ. Bản thân chủ đầu tư khi đó vẫn còn hàng nhưng khách hỏi đến sẽ trả lời là gần hết hoặc hết sạch để “bắt tay” cùng tạo khan hiếm giả, tiếp sức cho nhà phân phối đẩy giá căn hộ. Một chiêu đẩy giá khác là mở bán theo nhiều đợt với số lượng căn hộ khác nhau và tăng giá cao dần trong các đợt mở bán sau. Khách hàng có ý định đầu tư sẽ thấy sốt ruột, nghĩ rằng dự án rất hấp dẫn người mua và chủ đầu tư đã bán hết căn hộ đợt trước nên đợt sau mới tăng giá.

“Khách hàng nên tỉnh táo, đừng nghe thông báo dự án “cháy hàng” rồi vội vã mua mà phải xem nhu cầu thực của mình, có phù hợp hay không?” - vị tổng giám đốc một công ty phân phối BĐS khuyến cáo.

Lo dư cung phân khúc cao cấp

Theo ông Nguyễn Văn Đực, đang có một nghịch lý là hàng loạt dự án BĐS được tung ra nhưng chủ yếu nằm ở phân khúc trung cao cấp (từ trên 1-3 tỉ đồng), trong khi nhu cầu thực của thị trường khoảng 70% khách hàng muốn mua căn hộ giá dưới 1 tỉ đồng.

“Riêng căn hộ 500-600 triệu đồng gần như không có, đang bị bỏ rơi. Trong khi khoảng 20.000 căn hộ ở phân khúc trung cao cấp đã và đang chuẩn bị bung ra thị trường liệu có người mua? Khi đó, thị trường sẽ lại rơi vào tình trạng dư cung phân khúc trung cao cấp” - ông Đực lo ngại.


BDSGOVAP.com - Theo NLĐ