Dự án FDI bỏ hoang: Đừng thấy tỉ đô mà hoa mắt

Một địa phương nhỏ như Phú Yên nhưng có tới 3 dự án sản xuất thép hàng tỉ đô vẫn được cấp phép cùng một lúc… cũng lạ kỳ thật

Đấy là một trong những bất cập đã được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện tài chính) chỉ ra sau hiện tượng hàng loạt dự án FDI bỏ hoang như vừa qua. Và theo dự báo hiện tượng này còn kéo dài nếu công tác thẩm định, cấp phép cho dự án đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay.
 
Biết rõ không khả thi vẫn cố
 
Nếu những nguyên nhân phía chủ đầu tư chủ yếu là do năng lực tài chính, tìm hiểu, đánh giá thị trường không sát, hoặc bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế… thì vấn đề của phía tiếp nhận đầu tư lại nằm ở lợi ích, năng lực hạn chế, thiếu một tầm nhìn dài hạn mang tính chiến lược vĩ mô.
 
Dự án FDI bỏ hoang: Đừng thấy tỉ đô mà hoa mắt
Nhiều dự án bỏ hoang gây lãng phí lớn
 
Điều này đã được nhiều chuyên gia chỉ rõ trong các báo cáo của địa phương. Theo vị chuyên gia, tâm lý chạy theo tăng trưởng, muốn có tiền nhưng lại không đủ khả năng để thẩm định năng lực tài chính của đối tác, không hiểu rõ tiềm năng, hạn chế của địa phương… đã dẫn tới dự án ký duyệt rồi lại phải bỏ hoang, không thể triển khai.
 
Ở đây, ông Thịnh muốn nói tới là khả năng hấp thụ dự án là không có, nhưng vì thành tích vì tăng trưởng nhiều địa phương đã chọn giải pháp cứ “có tiền là ký”. Dự án càng to, quy mô càng lớn, tiền càng nhiều ký càng dễ, càng nhanh.
 
Một ví dụ điển hình, được nêu ra là trường hợp của Phú Yên. Một tỉnh nhỏ, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển nhưng lại có tới ba nhà đầu tư ngoại là Nga, Hàn Quốc, Singapore rót vốn vào và đều đầu tư sản xuất thép.
 
Trước áp lực chỉ tiêu tăng trưởng, Phú Yên cũng như nhiều địa phương khác đã chọn giải pháp tăng trưởng nóng. Chấp thuận cho đầu tư khi chưa khảo sát, đánh giá kỹ điều kiện, năng lực của địa phương mình hay khả năng hấp thụ vốn tới đâu.
 
Bằng chứng là cả ba dự án sản xuất thép có số vốn hàng tỉ đô đã được Phú Yên cấp phép và cuối cùng khi triển khai đã vấp phải hàng loạt những khó khăn. Dự án phải dừng.
 
Vị chuyên gia đặt câu hỏi, khi thu hút đầu tư Phú Yên đã thẩm định, đánh giá dự án như thế nào? Điều kiện kinh tế, môi trường, xã hội có thuận lợi để phát triển ngành nghề trên hay không? Quan trọng hơn cả, việc cấp phép đó có phù hợp với quy hoạch chung của địa phương và quy hoạch của cả nước hay không?
 
Và cũng tự tìm cho mình câu trả lời, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, nhìn qua cũng thấy phát triển dự án là hoàn toàn không khả thi.
 
Ông giải thích, thứ nhất sản xuất thép phải cần nhiều nước. Đây là vấn đề Phú Yên phải thấy rõ họ không thể đáp ứng được. Sản xuất thép nhưng không đảm bảo đầy đủ điện, nước thì làm sao có thể triển khai được cùng một lúc mấy dự án thép hàng chục tỉ đô như vậy?.
 
Thứ hai, nguồn lực lao động, đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực để điều hành, triển khai dự án cũng là vấn đề vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc các dự án phải dừng, bỏ hoang là kết quả đã được dự báo trước.
 
Câu chuyện này cũng giống như tình trạng nhà máy sợi Đình Vũ. Đã nhìn thấy rõ không tiềm năng, không triển khai được nhưng vẫn cố có cho được dự án. Cuối cùng, dự án được duyệt nhưng khi bắt tay vào triển khai dự án lại không phù hợp thực tế, chi phí cao, không hiệu quả. Rõ ràng đây là vấn đề lớn và buộc chủ đầu tư phải dừng lại.
 
Vậy vì sao nhiều dự án FDI dù biết không hiệu quả, thậm chí biết rõ không khả thi vẫn được phê duyệt? Ông Thịnh nói rằng, địa phương và các cơ quan quản lý không phải không biết chỉ là địa phương có đủ bản lĩnh để quyết định từ chối hay tiếp nhận nó.
 
Ở đây cũng phải thừa nhận, rất khó cưỡng lại trước áp lực về vốn, chỉ tiêu tăng trưởng GDP của các địa phương. Có vốn là có tăng trưởng, tăng trưởng còn liên quan tới chỉ tiêu, thành tích, báo cáo đẹp, hoành tráng… Có vốn còn có phong bì, lợi ích… vì vậy mà nhiều dự án đã được gật đầu cho qua bất chấp những cảnh báo của các chuyên gia.
 
Năng lực kém + thiếu quy hoạch = Thiệt hại cho người dân
 
Về phía cơ quan quản lý, ông Thịnh thẳng thắn cho rằng, trục trặc lớn nhất của VN hiện nay nằm ở chỗ thiếu một quy hoạch chi tiết cho từng địa phương, từng ngành, nghề, từng lĩnh vực. Cộng với đó là năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định, cấp phép còn hạn chế, nên mới có câu chuyện như Phú Yên vừa qua.
 
Vì vậy, ông nói rằng cần phải làm tốt hơn nữa vấn đề hoạch định chính sách, định hướng phát triển của cả nước cũng như từng vùng trong tương lai trung và dài hạn. Việc này hiện nay làm chưa tốt. Thiếu tính liên kết, thiếu tính đồng bộ dẫn tới các dự án không phát huy được hiệu quả.
 
Ví dụ, tỉnh A được quy hoạch để phát triển công nghiệp chế biến, thì khi cấp phép chỉ được cấp phép cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Nếu quy hoạch để phát triển công nghiệp chế biến nhưng lại cấp phép sản xuất thép như vậy rõ ràng là sai.
 
Bên cạnh đó cũng cần phải khống chế cả về sản lượng sản xuất dựa trên điều kiện, năng lực của địa phương.
 
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận nhiều dự án được chấp nhận đầu tư quá dễ dãi, thẩm định sơ sài. Hay nói cách khác là chất lượng của hoạt động đầu tư và chất lượng nguồn vốn chưa được kiểm soát tốt.
 
Vị chuyên gia cho rằng trách nhiệm này thuộc về phía các cơ quan quản lý, cơ quan cấp phép như Sở KHĐT địa phương, Bộ KHĐT và các Ban quản lý dự án, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất.
 
Trách nhiệm của cơ quan cấp phép không chỉ dừng lại ở việc xem hồ sơ và cộp con dấu đỏ mà còn phải dựa trên cơ sở thực tế. Phải thẩm định, đánh giá được tương lai dự án, điều kiện của địa phương và quan trọng nhất là có phù hợp với quy hoạch của địa phương đó hay không.
 
Bởi, nếu thẩm định không tốt sẽ có đánh giá không tốt. Đánh giá không tốt sẽ dẫn tới những quyết định không đúng. Việc này ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng nguồn vốn đầu tư, uy tín, môi trường thu hút đầu tư. Đặc biệt là lòng tin của VN với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào VN trong thời gian tới.
 
Theo đánh giá, hiện nay, tỉ lệ các dự án FDI bỏ hoang ở VN hiện rất cao, cao hơn cả TQ và các nước trong khu vực. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngại về môi trường, chính sách, điều kiện đầu tư của VN đang có vấn đề.
 
Trong tương lai, để khắc phục hiện tượng này cần phải thay đổi tư duy trong chiến lược thu hút vốn FDI. Cần hướng tới chất lượng, sẵn sàng từ chối những dự án không phù hợp với quy hoạch chung. Đồng thời, cũng cần quy định thời hạn triển khai đối với từng dự án, tranh tình trạng lừng khừng, chờ thời cơ. Có như vậy mới có thể thu hút được nhà đầu tư thực sự có năng lực, có khoa học công nghệ, và thực hiện dự án nhanh nhất.
 
Trên hết, vẫn phải nói tới là quy hoạch bài bản, cụ thể. Quy hoạch càng chi tiết, thì khả năng sàng lọc dự án càng tốt. Không nên buông lỏng quản lý, thu hút như thời gian vừa qua.
 
Ông Thịnh cũng kiến nghị, với những dự án FDI đang dang dở hiện nay cũng phải có giải pháp xử lý cho dứt điểm. Cụ thể, với những dự án chưa triển khai, thì đình chỉ, chuyển hóa ngay theo định hướng mới để thu hút nguồn vốn mới.
 
Với dự án đã triển khai dở dang, phải có thái độ kiên quyết, dứt khoát với nhà đầu tư. Có thể rút giấy phép, không cấp lại với những dự án không đạt yêu cầu.
 

 

BDSGOVAP.com - Theo CafeLand.vn