Chậm ban hành quy chế quản lý nhà chung cư: Nhiều rắc rối

Chưa có luật để điều chỉnh nên vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị hay đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư rối như tơ vò. Hàng nghìn hộ dân sống tại các chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang mòn mỏi chờ... quy chế.

Chậm ban hành quy chế quản lý nhà chung cư: Nhiều rắc rối

Ban Quản trị (BQT) chung cư 4S (phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) được UBND quận Thủ Đức công nhận từ năm 2011, nhưng đến cuối năm 2013, chủ đầu tư vẫn không bàn giao công tác quản lý vận hành chung cư cho BQT. Sau đó, BQT đã khởi kiện đòi lại quyền lợi hợp pháp đã được chính quyền công nhận. Tuy nhiên, tòa án các cấp không thể thụ lý hồ sơ với lý do không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp như thế này.

Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, tại thời điểm này trên địa bàn thành phố đang có 63 trường hợp ban quản lý chung cư gửi đơn thư khiếu nại tranh chấp đối với chủ đầu tư chung cư. Trong số này, nổi cộm 16 vấn đề, phổ biến nhất là tranh chấp quyền sở hữu chung, sở hữu riêng. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, hiện trên địa bàn thành phố đang tồn tại không ít trường hợp trong cùng một tòa nhà chung cư nhưng có tới hai cách tính diện tích sở hữu chung - riêng khác nhau (theo thông thủy và theo tim tường), từ đó nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện BQT chung cư 4S cho rằng, kiện ra tòa để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu chung là một việc rất nhiêu khê và không biết bao giờ mới kết thúc.

Thực tế cho thấy, tranh chấp tại các chung cư đang là vấn đề nhức nhối tại TP Hồ Chí Minh hiện nay khi mà loại hình nhà ở này đang phát triển rất "nóng" trong những năm gần đây. Kết quả khảo sát bước đầu từ các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cho biết, có khá nhiều chung cư chưa bầu BQT như chung cư số 590 đường Cách Mạng Tháng Tám, chung cư Phú Thạnh, chung cư Babylon... Trong khi đó, cũng có không ít chung cư dù đã bầu BQT nhưng lại không có quy chế hoạt động.

Thực tế hiện nay hoạt động của BQT không theo một mô hình nào mà theo đặc thù riêng của từng chung cư. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện có 4 loại mâu thuẫn cơ bản tại các chung cư là: Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và BQT; giữa chủ đầu tư và cư dân; giữa BQT và cư dân; giữa nội bộ BQT với nhau. Lý giải về nguyên nhân phát sinh tranh chấp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Đỗ Phi Hùng cho biết, kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, có nhiều trường hợp chủ đầu tư sau khi xây xong chung cư bán cho khách hàng nhưng trong hợp đồng không quy định rõ phần nào được sở hữu chung, đặc biệt là không tính giá nhà để xe. Trong khi đó, việc phân chia phần sở hữu chung, sở hữu riêng tại các tòa nhà chung cư hiện nay pháp luật quy định chưa rõ ràng, có sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Để giải quyết vấn đề, theo ông Đỗ Phi Hùng, Luật Nhà ở năm 2014 là cơ sở pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những cơ sở pháp lý mới này vẫn chưa chi tiết, rõ ràng để có thể giải quyết dứt điểm những tranh chấp hiện nay.

BĐSGOVAP.com - Theo Hà Nội Mới