Cảnh giác với các chiêu lừa mua bất động sản
Người mua bất động sản thường xuyên phải đối mặt với những chiêu trò khi mua bất động sản khi thị trường có dấu hiệu ấm dần.
Suất ngoại giao chênh giá cả trăm triệu đồng
Sau một thời gian dài bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng, từ giữa năm 2014 đến nay, trên thị trường bất động sản đã xuất hiện hiện tượng chênh giá trở lại và nhiều người mua muốn tiếp cận sản phẩm phải trả từ vài chục tới vài trăm triệu đồng tiền giá chênh.
Nếu như trước đây, việc chênh giá thường là do khách hàng không thể tiếp cận được với nguồn hàng từ trực tiếp chủ đầu tư. Thì nay, chủ đầu tư phải dùng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá để "chiều lòng" khách hàng.
Anh Tuấn Anh - một nhà đầu tư bất động sản phân tích: "Việc chủ đầu tư tăng giá theo đợt bán đã tạo ra mức giá chênh rõ rệt cho thị trường và là cơ hội để giới đầu cơ quay lại thị trường. Cụ thể nhất là việc, giới đầu cơ thường ôm các suất bán đợt 1 và đợi chủ đầu tư ra hàng các đợt sau với mức giá cao hơn, sẽ bung hàng với giá rẻ hơn mức giá này để kiểm lời".
Anh Tuấn lấy ví dụ, đợt 1 mức giá của dự án chỉ 26 triệu đồng/m2, đợt 2 chủ đầu tư tăng lên 28 - 29 triệu đồng/m2. Giới đầu cơ chỉ cần bán lại với mức giá 27 - 27,5 triệu đồng/m2 là đã "lời" hàng trăm triệu đồng và khách hàng cũng nghĩ mình được mua rẻ.
Ngoài ra, việc nhiều chủ đầu tư cố tình tung những suất ngoại giao với mức giá rẻ hơn hẳn mức giá công bố cũng khiến cho thị trường bị nhiễu loạn và khiến nhiều khách hàng phải mua chênh với mức giá "cắt cổ".
Tại một Hội thảo về bất động sản cách đây không lâu, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã đặt ra nghi vấn về sự bắt tay giữa chủ đầu tư và đơn vị phân phối trong việc tăng giá bán bất động sản.
Nghi vấn này không phải không có cơ sở, bởi rất nhiều dự án trên thị trường thời gian gần đây có nguồn hàng rất lớn, nhưng tình trạng bán nhỏ giọt, khan hàng dẫn đến tình trạng loạn giá chênh diễn ra ngày một phổ biến.
Người tiêu dùng bị môi giới bủa vây
Nhiều đơn vị bán bất động sản đã liên tục “tra tấn” khách hàng dưới hình thức nhắn chào bán nhà đất. Nhiều khách hàng tỏ ra vô cùng bức xúc khi bất đắc dĩ phải nhận những tin nhắn rác kiểu này.
Anh Việt Dũng ở Minh Khai (Hà Nội) thở dài “Tất cả đều là các số di động lạ, họ gửi đủ khung giờ, có hôm sáng sớm đã nhắn, đang ăn cơm cũng nhận tin rao bán nhà dự án nọ kia, thậm chí có hôm nửa đêm cũng nhắn khiến tôi thấy khiếp quá”.
Tin nhắn bủa vây người tiêu dùng
Chị Thúy Hằng ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng trong tình trạng tương tự. Có hôm ngồi kiểm tra lại các tin nhắn chị còn đếm được tổng số 15 tin nhắn rao bán căn hộ, biệt thự, liền kề trong 1 ngày.
Một chủ đầu tư bất động sản ở Hà Nội tỏ ra không thích với kiểu bán nhà qua gửi tin nhắn điện thoại. Bởi lẽ, sản phẩm bất động sản có giá trị lớn do vậy khách hàng nếu muốn mua họ sẽ tự tìm hiểu kỹ thông tin và chắc chắn họ cũng sẽ tìm đến đơn vị uy tín để mua bán, giao dịch, còn việc nhắn tin sẽ khiến nhiều người thấy phiền hà, giảm giá trị dự án.
“Chúng tôi không chủ trương bày ra cách bán hàng bằng nhắn tin tới từng người, có lẽ các đơn vị môi giới, hoặc cá nhân người môi giới thực hiện theo cách riêng của họ”, vị này cho hay.
Tuy nhiên, có lẽ cách quảng bá sản phẩm qua tin nhắn sẽ khó bỏ khi mà một nhân viên môi giới chia sẻ: Chị cứ hình dung một dự án có vài nghìn đến hàng chục nghìn căn hộ và cũng có tới hàng nghìn nhân viên môi giới bán hàng, nếu không nhắn tin trực tiếp như thế thì người mua đâu có biết đến mình là ai. Nếu gửi cả nghìn tin nhắn mà vẫn có 1-2 khách hàng mua nhà cũng là hiệu quả lắm rồi!
Chi phí môi giới cả trăm triệu/ căn
Trong quá trình tìm hiểu mua nhà, anh Tuấn (Tây Sơn – Đống Đa) còn bị một số môi giới đưa vào một "ma trận" về giá cả căn hộ. "Mỗi ngày họ đều đặn gọi cho tôi để báo một giá khác nhau và đều tăng dần. Trong vòng 2 tháng mà số tiền chênh đã tăng 2-3 triệu đồng/m2 và liên tục giục tôi xuống tiền. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tôi phát hiện ra một số căn tuy được rao bán khá lâu nhưng vẫn chưa giao dịch được, vậy mà môi giới không ngừng báo giá tăng từng ngày".
Thị trường BĐS đang bắt đầu ấm trở lại trong thời gian qua được cho là có nhiều cơ sở. Theo một báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, trong 4 tháng đầu năm nay đã có khoảng 5.850 giao dịch thành công, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 4 đã có khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với tháng trước đó.
Tuy vậy, lãnh đạo một sàn BĐS tại Hà Nội đánh giá, việc một số dự án công bố "sốt" đến mức giá leo thang từng ngày hoặc tiền chênh lên tới vài trăm triệu đồng có phần hơi quá so với nhu cầu thực. Đôi khi thị trường xuất hiện những mức giá, hoặc số lượng giao dịch cực kỳ khả quan. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một chiêu thức mà dân môi giới hay dùng để tạo hiệu ứng 'sốt giả' trên thị trường. Có khi khách hàng hỏi cả chục căn thì đều được trả lời là hết hàng nên rất dễ gây cảm giác thị trường đang mua bán nườm nượp...
Cũng theo vị lãnh đạo này, một số sàn có thể sẽ để cho chính nhân viên môi giới của mình ôm các căn hộ đẹp, nhưng đến khi có khách hỏi thì lại thông báo là hết, và muốn được nhượng lại thì phải chịu tiền chênh cả trăm triệu. Vị này cũng nhận định, số liệu mở bán các căn hộ tại một số dự án hiện nay cũng không hẳn đã đúng. "Có những dự án mở bán nhưng không có mấy khách đến tham quan, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn thống kê con số bán hàng lên tới vài chục căn mỗi ngày".
Tin khác
- Khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội?
- Kiều hối sẽ chảy nhiều vào bất động sản
- TP.HCM: Doanh nghiệp BĐS chưa mặn mà với nhà ở xã hội
- Có hay không chia nhỏ hợp đồng để hưởng lợi từ gói 30.000 tỷ đồng?
- Vingroup hợp tác với 8 "ông lớn" xây dựng ngoại
- TPHCM ban hành Quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2015
- Đề xuất thu hồi dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM
- Tiền nhàn rỗi chảy vào bất động sản
- Dự án căn hộ cao cấp: Hướng tới đối tượng nhà đầu cơ
- Thị trường căn hộ: Nhà sang bán dễ?