Bất động sản ‘hốt’ vốn ngoại
Nhiều doanh nghiệp đã tung dự án đón đầu làn sóng mua nhà đất của Việt kiều, người nước ngoài - Ảnh: Đình Sơn
|
Tại sự kiện mở bán căn hộ cao cấp Vinhomes Central Park ngay khu trung tâm TP.HCM mới đây, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ đã thu hút 400 khách nước ngoài quan tâm, trong đó đã có 112 khách nước ngoài đặt mua nhà. Đây là một trong những dự án có số lượng người nước ngoài mua nhà nhiều nhất hiện nay.
Nhiều dự án căn hộ cao cấp khác cũng đang tranh thủ bán cho khách ngoại. Tập đoàn Novaland đang triển khai chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón kiều bào và người nước ngoài”. Đặc biệt, cam kết hoàn tiền mua nhà cộng lãi suất phát sinh nếu trong vòng 1 tháng từ thời điểm giao nhà khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm. Chương trình này được áp dụng tại 4 dự án The Sun Avenue (Q.2), The Botanica (Q.Tân Bình), Lucky Palace (Q.6), Sunrise CityView (Q.7).
Không chỉ tại TP.HCM, chủ đầu tư các dự án BĐS ở các khu vực phục vụ cho nhu cầu nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng đang triển khai các dự án nhắm vào đối tượng này. Điển hình như dự án nghỉ dưỡng cao cấp Grand World Phú Quốc, với tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng của Tập đoàn LDG Group đang thu hút được một lượng lớn khách hàng là Việt kiều và người nước ngoài.
Tại TP.HCM, khu vực tập trung nhiều người nước ngoài có thể kể đến như Q.2, Q.7... Số liệu từ Trung tâm phục vụ khách hàng Phú Mỹ Hưng cũng cho thấy, chỉ riêng nơi đây đã có hơn 11.000 người nước ngoài, tương đương gần 41% dân cư Phú Mỹ Hưng, tạo nên một đô thị quốc tế.
Ngoại hối sẽ tiếp tục đổ vào
Theo một nhà chuyên môn có kinh nghiệm thì không phải bất cứ dự án BĐS cao cấp nào cũng có thể “hút” được người nước ngoài, mà dự án đó phải đảm bảo được nhiều yếu tố như quy hoạch, hạ tầng, dịch vụ tiện ích và đặc biệt là vấn đề an ninh. Người nước ngoài thường ưa chuộng những dự án vừa có thể ở vừa đầu tư sinh lời.
Một trong những điều người nước ngoài quan tâm nhất đến BĐS tại VN là chủ quyền sở hữu tài sản mua. Nếu đã có luật quy định rõ ràng về vấn đề này thì rất thuận lợi để người nước ngoài mua nhà. Họ cũng quan tâm đến vị trí của dự án và thiết kế. Về thiết kế, họ thích những công trình lớn, thoáng đãng có thiết kế đẹp và hợp lý. “Một số bạn của tôi ở Hồng Kông, Singapore cũng quan tâm đến nhà ở VN bởi giá nhà ở những nơi này rất đắt nên họ muốn về đây mua nhà. Họ đặc biệt thích những căn hộ có trần nhà cao, thông thoáng và các khu căn hộ có thiết kế bề thế, gần sông nước”, ông Renger Dominique (quốc tịch Pháp) nói.
Đã sống và làm việc tại VN được 5 năm, nhưng đến nay ông Kim Jeong-hoon (quốc tịch Hàn Quốc) mới quyết định mua nhà. Tuy nhiên ông này cho rằng, thời hạn sở hữu nhà chỉ 50 năm là quá ít. Mong rằng, trong tương lai, luật có thể điều chỉnh và người nước ngoài sẽ được sở hữu tài sản ổn định lâu dài như công dân VN.
Dù vậy, giới chuyên gia BĐS cho rằng, với quy định thông thoáng như hiện nay chắc chắn lượng ngoại hối sẽ lại tiếp tục được đổ vào BĐS.
Cơ hội đầy tiềm năng
Theo thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015 riêng kiều hối đã có 2,16 tỉ USD chuyển về TP.HCM, trong đó khoảng 21,8% là đổ vào BĐS; dự báo cả năm TP.HCM sẽ đón nhận khoảng 5,3 - 5,5 tỉ USD.
Tính trên cả nước, mỗi năm có khoảng 12 tỉ USD kiều hối, nếu bình quân 20% lượng kiều hối đổ vào BĐS thì mỗi năm chỉ riêng dòng vốn này thị trường đã hấp thụ khoảng 2,4 tỉ USD. Ngoài ra, hiện VN có khoảng 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc, trong đó hơn 21.000 người đủ điều kiện sở hữu nhà ở tại VN. Đó cũng sẽ là cơ hội đầy tiềm năng cho các đại gia địa ốc khi luật đã “mở” cho khách “Tây”.
BĐSGOVAP.com - Theo Thanh niên
Tin khác
- Thị trường bất động sản: Ma trận thống kê
- “Soi” lợi nhuận từ các kênh đầu tư bất động sản
- Thị trường bất động sản: Phân khúc cao cấp đã trở lại
- Thế nào là bất động sản cao cấp?
- Nếu chủ đầu tư “làm xiếc” người mua nhà sẽ quay lưng
- Thị trường Bất động sản TP HCM: Loạn thông tin cung - cầu
- Căn hộ “hạng C” thống trị Sài Gòn
- Hơn 3 tỷ USD vẫn “chôn chặt” trong bất động sản
- Giao dịch tăng vọt, cảnh báo bong bong bất động sản
- Tiền sử dụng đất cao, dân ngại hợp thức hóa nhà