Bảo hiểm than gặp khó khi làm việc với chủ đầu tư

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho rằng, trong những tháng cuối năm nay, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đà hồi phục, song các nhà phát triển dự án phải đối diện với nhiều nguy cơ và rủi ro trong quá trình đầu tư, xây dựng dự án, từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thiện.
 

Hội thảo tập trung vào việc tìm giải pháp giảm thiểu rủi ro cho dự án


Tại hội thảo “Đầu tư và phát triển BĐS - giải pháp quản lý rủi ro hiệu quả” do công ty môi giới bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson (JLT) phối hợp cùng Hiệp hội BĐS TP.HCM và Công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI) vừa tổ chức tại TP.HCM, đại diện PVI cho biết, qua thực tế, đã bộc lộ các vấn đề khiến sự hợp tác giữa DN và công ty bảo hiểm chưa đạt được hiệu quả do cung cấp thiếu thông tin, dẫn đến việc đánh giá rủi ro của nhà bảo hiểm gặp khó khăn.

Ngoài ra, bản chào phí thấp nhất chưa chắc đã tốt nhất, mà điều quan trọng là khả năng chi trả giải quyết bồi thường và kinh nghiệm, uy tín của nhà bảo hiểm.

Ở góc độ pháp lý, LS. Phạm Minh Hoàng thuộc Văn phòng luật sư TriLaw cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng có hiệu lực từ 01/01/2015 thì bảo hiểm trong hoạt động xây dựng là bắt buộc đối với các trường hơp: bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng; bảo hiểm đối với vật tư, vật liệu, phương tiện, thiết bị thi công, người lao động; bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba; bảo hiểm bảo hành công trình xây dựng.

Theo ông Nguyễn Phúc Hiếu Thảo, Phó tổng giám đốc Công ty JLT Việt Nam, có ba loại hình bảo hiểm chính để chuyển giao rủi ro của dự án xây dựng là bảo hiểm xây dựng mọi rủi ro, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Theo đó, bảo hiểm xây dựng mọi rủi ro bao gồm bảo hiểm thiệt hại vật chất đối công trình, bảo hiểm trách nhiệm dân sư đối với bên thứ ba và bảo hiểm mất lợi nhuận ước tính do công trình chậm đưa vào sử dụng theo sau tổn thất được bảo hiểm theo đơn.

Cũng theo ông Thảo, để quản lý rủi ro hiệu quả hơn, chủ đầu tư nên đứng ra thu xếp mua chương trình bảo hiểm cho toàn bộ dự án, bao gồm chủ đầu tư, các nhà thầu và các nhà tư vấn. Bởi lẽ, việc mua theo một đơn bảo hiểm  chung về phạm vi bảo hiểm xuyên suốt dự án giúp cho việc quản lý chương trình bảo hiểm đơn giản hơn, chi phí bảo hiểm sẽ giảm hơn...

Theo bà Lê Thị Ngọc Hương, Tổng giám đốc JLT Việt Nam, công ty thành viên của Tập đoàn Jardine Lloyd Thompson - công ty tư vấn bảo hiểm hàng đầu thế giới, với quy định mới về biểu phí bảo hiểm xây dựng bắt buộc do Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành, JLT Việt Nam sẽ phối hợp với các doanh nghiệp bảo hiểm để tư vấn chương trình bảo hiểm đáp ứng đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn có sự linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư phát triển dự án.


BDSGOVAP.com - Theo Đầu tư