Vị trí và kích thước của cửa hợp phong thủy
Một ngôi nhà được bài trí ánh sáng đầy đủ, có diện tích càng rộng lớn càng tốt chưa chắc đã hợp phong thủy. Cửa chính cũng vậy, có phải cửa càng to càng đẹp là hợp phong thủy?
Có nhiều người quan niệm rằng, nhà cao cửa rộng là đẹp. Tuy nhiên nếu xét về góc độ thẩm mỹ thì nó có thể rất đẹp nếu được thiết kế và trang trí hợp lý. Nhưng đối với cửa, xét về mọi góc độ dù ngôi nhà lớn hay nhỏ thì cửa cũng phải tìm được một kích thước hợp lý thì ngôi nhà mới hài hòa và cân bằng. Cũng giống như việc lựa chọn các thiết kế nội thất, kích thước và hình dáng đều cần phải phù hợp với kích thước chung của căn phòng.
Một số lưu ý khác về cửa chính đó là nếu đặt cửa chính chạy thẳng với cửa hậu đều không tốt. Vượng khí từ ngoài vào sẽ chạy thẳng xuống cửa hậu và ra ngoài. Theo phong thủy, khi làm nhà các gia chủ thường tránh đặt 3 cửa ra (hoặc nhiều hơn) và cửa sổ thẳng hàng nhau trên một phía tường vì cho rằng một lương khí quá lớn, quá nhanh khi xâm nhập vào ngôi nhà sẽ làm cho sức khỏe và sự may mắn trôi đi mất.
Hậu quả đối với người sử dụng đó là có thể bị đau dọc theo mạch nhâm và đốc, vùng bụng và lưng, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Ngoài ra, dòng khí lưu chuyển nhanh cũng có thể tạo thành một hàng rào chắn vô hình và gây ra các liên hệ căng thẳng ở nhà hay ở nơi làm việc.
Kích thước của cửa có liên quan đến những may mắn và vận hạn của chủ nhà.
Để khắc phục nhược điểm này, phong thủy cho rằng nên treo rèm trước các cửa để có thể cản lại sự độc hại. Hoặc có thể treo khánh, quả cầu bằng thủy tinh để phân tán khí, chặn đứng dòng khí di chuyển quá nhanh và phân bố đều chúng ra khắp các không gian khác.
Xét thấy nhiều cửa đặt thẳng hàng nhau sẽ tạo thành luồng gió mạnh hút dọc dãy cửa, rất nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là đối với người già và vào ban đêm khi mở cửa bước ra ngoài. Không ít người bị đột tử hoặc nguy hiểm đến tính mạng (mà dân gian thường gọi là “trúng gió”), nhất là đối với người mắc bệnh về tim mạch, thần kinh… Gió lạnh cũng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, (dân gian gọi là “cảm chạy vào trong”) lâu dần có thể sinh bệnh. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng chung đến sức khỏe của người trong nhà chứ không cứ gì bệnh về đường tiêu hóa.
Thực tế cho thấy rằng, các cửa đặt thẳng hàng nhau sẽ làm cho người bên ngoài hoặc ở bên trong nhìn thấy hết tất cả bên trong, làm mất đi vẻ kín đáo, sinh ra nhiều bất tiện, đặc biệt là đối với phòng ngủ.
Thực tế trong các thiết kế, đặc biệt là thiết kế cửa, phong thủy rất coi trọng việc tính toán các kích thước. Một cửa ra vào phải có kích thước hợp lý so với căn nhà hay kích thước từng buồng. Nhà phong thủy ví một cửa ra vào hẹp trong một ngôi nhà hay phòng rộng giống như một cái mồm hay một ống hơi nhỏ sẽ không đủ chỗ cho khí tốt đi vào và luân chuyển vì thế mà làm giảm sút sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc của người trong nhà. Ngược lại, một cửa ra vào quá rộng sẽ làm khí tràn ngập phòng cho nên của cải hay dịp may có đến thì cũng không giữ lại được lâu.
Để thoát khỏi tình huống này, nhà phong thủy thường khuyên người ta treo gương bên trên hay cả hai mặt cửa ra vào đối với những cửa hẹp để tạo ra chiều cao và rộng hoặc đặt một vật nặng gần cửa ra vào nhưng không được để quá gần cửa.
Theo tổng thể về độ thẩm mỹ thì phòng rộng phải mở cửa lớn, phòng hẹp cửa nhỏ mới tạo được sự cân đối, hài hòa. Ngược lại, phòng rộng mà cửa hẹp, phòng hẹp cửa lại lớn là trái lẽ thường. Không cứ gì phong thủy mà các nhà kiến trúc cũng phải tính toán kích thước các cửa sao cho có tỉ lệ hợp lý với các ngôi nhà to, nhỏ. Còn việc treo gương hay sơn phòng chính là tạo ra ảo giác để khắc phục bớt các nhược điểm không cân xứng giữa kích thước của cửa vào phòng.
Cách đo cửa chính xác
Kích thước phong thủy áp dụng cho nội khí là đo các khoảng lọt lòng thông thuỷ cho khí đi qua. Không đo cánh cửa, phần mở mang tính động dù thước đó là Lỗ Ban.
Nhiều người phân vân, khi lấy số đo cửa hợp phong thủy thì nên đo lọt lòng hay bao gồm cả khung cửa. Vì kích thước phong thủy áp dụng cho nội khí, tức phải đo các khoảng lọt lòng thông thủy cho khí đi qua, chính là đo khoảng trống, phần tĩnh ổn định. Không đo cánh hay khung cửa, phần mở mang tính động. Cụ thể, đo phần lọt lòng nhỏ nhất của khuôn bao, nhiều thợ hay gọi là lọt lòng gió. Về chiều cao, cần tính và đo khoảng lọt lòng từ sàn hoàn thiện đến phần thấp nhất của khuôn bao phía trên.
Những khung cửa không có cánh cũng đo phần lọt lòng nhỏ nhất và cố định như đã nêu trên. Đối với loại cửa vòm, chiều cao đo tính đến phần đỉnh vòm. Đối với cửa có phần lật hoặc cố định bên trên, kích thước phong thuỷ chỉ tính với phần khung có cánh mở được bên dưới. Cách tính này đảm bảo các bộ cửa đi theo ý đồ thẩm mỹ và tương quan với ngôi nhà, miễn phần mở để đi lại theo kích thước phong thuỷ, những phần chung quanh chỉ đóng vai trò như cửa sổ, lấy sáng và thông thoáng.
Tin khác
- Mượn tuổi làm nhà thế nào cho đúng?
- Phong thủy phòng ngủ và 13 điều cấm kỵ
- Treo đồng hồ hợp phong thủy giúp nâng cao tài vận
- Tuyệt chiêu phong thủy cho phòng khách
- Cách bố trí phòng tắm hợp phong thủy
- Quan sát ngoại cảnh để tìm “long mạch”
- 10 đại kỵ không thể không biết trong phong thủy nhà ở
- Bố trí bàn vi tính và bàn của thủ quỹ thêm tài lộc
- Sắp xếp phòng khách tạo sự may mắn
- Những bí mật phong thủy của Dinh Độc Lập