Nguyên lý cơ bản về phong thủy chung cư

Khác với hệ thống nguyên lý - thao tác thiết kế phong thủy một ngôi nhà đơn lẻ (nhà riêng), phong thủy chung cư và công sở cho đến nay dường như vẫn là một “bí kíp” chưa được phá giải, dù trên thực tế nó đã được vận dụng trong thiết kế xây dựng cung điện, đền đài và tứ hợp viện từ hàng nghìn năm trước…

Góc phong thủy: Nguyên lý cơ bản về phong thủy chung cư

Thiết kế phong thủy nhà ở là hệ thống thao tác: Định vị sơn - hướng, phối trí các kiến trúc chức năng, giao thông nội - ngoại thất phù hợp với hệ địa mạch, khí trường trong một không gian và quy mô xây dựng cụ thể. Đòi hỏi bắt buộc của một bản thiết kế phong thủy đạt chuẩn là “đúng nguyên lý, tiện dụng - mỹ quan và tiết kiệm”…

Đúng nguyên lý là sơn chủ, hướng nhà, cổng, cửa, sân vườn, bếp, ban thờ, vệ sinh, nước, ánh sáng, không khí, các phòng… phải được bố trí đúng vị trí (tốt hoặc xấu), quán xuyến cùng một hệ ngũ hành, tương sinh hoặc tương hòa, không tạo ra những khuất khúc, sát khí. Sơn chủ, ban thờ, phòng ngủ phải tụ khí nhưng không u ám, tù đọng. Bếp, nhà vệ sinh, cầu thang, hành lang, cổng - cửa phải tán khí, thông thoáng. Toàn bộ hệ thống này tương thích với vận khí của chủ nhà, có lợi cho sức khỏe, tăng phúc tăng thọ.

Tiện dụng - mỹ quan là tuyệt đối không được dùng đá, bình phong, non bộ, bể cá, xoay tường, nâng cao bậc cầu thang… để “trấn yểm” gây bất tiện hoặc mất mỹ quan trong sinh hoạt hàng ngày của con người. Mọi yêu cầu phong thủy phải phù hợp với điều kiện địa hình, diện tích thực tế và kết cấu kiến trúc.

Tiết kiệm là quán triệt nguyên tắc “thày giỏi không dùng vật trấn yểm”, vận dụng các yếu tố âm dương ngũ hành linh hoạt để hóa giải sát khí, thực hiện trấn yểm mà như không trấn yểm. Trên cơ sở đó giúp gia chủ tiết kiệm chi phí khi xây dựng nhà ở (vốn đã quá tốn kém). Đây cũng là yêu cầu về đạo đức của người làm thầy phong thủy.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu hệ thống nguyên lý và thao tác cơ bản trong thiết kế phong thủy chung cư, công sở, trước hết là nguyên tắc xác định sơn chủ, lập hướng.

Phối hợp nguyên lý phong thủy Loan Đầu với phong thủy Bát Trạch trong việc định vị, lựa chọn phương án thiết kế phong thủy và hình khối kiến trúc. Nghĩa là kết hợp xem xét địa thế, môi trường xung quanh với việc lập hướng, chọn hình khối kiến trúc và hoạch định giao thông trong khuôn viên chung cư, công sở.

Chung cư, công sở có thể có nhiều cổng, cửa lớn nhưng phải định rõ cổng chính phụ - cổng phụ. Cổng và cửa chính phải cùng một khí trường - địa mạch (âm dương, ngũ hành), tốt nhất là tương sinh hoặc chí ít cũng phải tương hòa.

Trước cửa chính của mỗi tòa chung cư hoặc công sở đều phải dành một khoảng sân thoáng đãng, sạch sẽ để làm minh đường. Trường hợp có nhiều tòa nhà đối xứng nhau trong cùng một khuôn viên (như kiểu tứ hợp viện), ở trung tâm khoảng sân giữa các tòa nhà (minh đường chung) nên bố trí đài phun nước, tiểu cảnh non bộ hoặc một kiến trúc cảnh quan (như tiểu đình chẳng hạn) để hóa giải sát khí. Nếu khoảng sân không đủ diện tích để thiết kế đài phun nước thì bắt buộc độ cao nền móng, kích thước cửa chính của các tòa nhà phải bằng nhau.

Sơn chủ (ngôi chủ) của chung cư, công sở có thể đặt ở tòa nhà trung tâm, nhưng cũng có thể đặt ở phòng điều hành quản lý chung cư, hoặc phòng thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Do đó, hướng của chung cư, công sở có thể là hướng cổng - cửa chính, cũng có thể là hướng phòng thủ trưởng cơ quan, phòng điều hành quản lý chung cư. Chỉ cần lưu ý định vị sao cho sơn chủ và hướng có cùng hệ khí, âm dương hài hòa.

Đến đây chúng tôi xin nói thêm rằng, những trường hợp hướng cổng - cửa công sở không hợp với tuổi thủ trưởng, thay vì đập phá cổng hoặc đắp núi trước cửa, chỉ cần thay đổi phòng hoặc vị trí ngồi của thủ trưởng là có thể hóa giải.

Những chung cư, công sở hướng chính đông và đông nam nên bố trí ngôi chủ (phòng chủ) ở hướng bắc, nam, đông hoặc đông nam. Những chung cư, công sở hướng chính tây, tây bắc nên bố trí phòng chủ ở hướng đông bắc, tây nam, tây bắc hoặc hướng tây.

Các tòa nhà trong cùng khuôn viên nên thiết kế theo nhiều phong cách, hình khối khác nhau nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ và tránh tình trạng “khu doanh trại”, vừa đơn điệu vừa dễ phạm “mê cung sát”. Thực tế có nhiều khu tái định cư, khu biệt thự cao cấp phạm vào cấm kỵ này của phong thủy.

Các khu nhà phía đông nên thiết kế thiên về khối hình chữ nhật, tạo cảm giác cao dần từ đông nam lên đông bắc và hướng chầu về bắc. Các khu nhà phía tây nên thiết kế thiên về khối hình vuông, tạo cảm giác thấp dần từ tây bắc xuống tây nam và hướng chầu về nam.

Ở các phương đông nam, đông bắc và tây bắc có thể bố trí các kiến trúc cao lớn hoặc các tòa tháp. Trong trường hợp này, tòa nhà chính cần tọa lạc ở hướng bắc, có hình khối uy nghi, đồ sộ, tương ứng với vị thế “ngôi chủ” để các kiến trúc cao lớn nói trên “chầu” về. Các hướng nam, đông, tây và tây nam không nên xây dựng những tòa nhà hoặc tháp cao lớn, đồ sộ.

Trường hợp muốn thờ phụng thổ công, thần tài… nên bố trí một phòng riêng trong khu chung cư, công sở hoặc tại phòng điều hành quản lý chung cư. Không nên bố trí gian thờ trong phòng làm việc.

Nhà bếp, phòng bếp trong từng căn hộ chung cư, bếp chung của công sở nên quy hoạch thống nhất theo hai hệ thống đông tứ và tây tứ. Bếp đông tứ phù hợp với các căn hộ (phòng, tòa nhà) quay lưng về hướng bắc, nam, đông và đông nam; bếp tây tứ phù hợp với các căn hộ (phòng, tòa nhà) quay lưng về hướng tây, tây bắc, tây nam và đông bắc. Nhà bếp, vị trí đặt bếp lò phải tránh các cung càn, hợi, nhâm, cấn, ất và cung khôn.

Tương ứng với nguyên lý bố trí bếp, khu vực vệ sinh cũng phải bố trí thống nhất thành hai hệ thống, đông tứ và tây tứ. Nhà vệ sinh không được đặt vào các cung ngọ, khôn, cấn và càn.

Vị trí các cổng, đường giao thông trong khuôn viên, bể (giếng) nước, đài phun nước, non bộ… của chung cư hoặc công sở không được phạm Hoàng tuyền và Bát sát. Cấp nước cho từng tòa chung cư, công sở chỉ nên xuất phát từ một điểm, vào bể chung trước khi chia cho các tòa nhà đông tứ và tây tứ. Tương ứng với hệ thống bếp và nhà vệ sinh nêu trên, hệ thống thoát nước phải bố trí hai hố ga trước khi dồn vào đường thoát chung của cả khu. Xả nước của từng tòa nhà chung cư, công sở cũng phải thống nhất tại một điểm.

Cây xanh trong khuôn viên chung cư, công sở phải trồng theo mô hình lòng chảo, nghiêng từ tây bắc xuống đông nam. Những cây lớn, không rụng lá vào mùa đông trồng bao bọc từ hướng bắc sang tây và tây nam; những cây thân nhỏ, rụng lá theo mùa trồng bao bọc thấp dần từ đông bắc qua đông đến đông nam; hoa và cây cảnh trồng trong “khu vực lòng chảo”.

BDSGOVAP.com - Theo Lao Động

BĐS Được Quan Tâm

    * Gia chủ
    * Giới tính
    * Loại BĐS
     
    * Gia chủ
    * Năm xây
    * Loại BĐS
     
    * Gia chủ
    * Hướng
    * Giới tính
    * Loại BĐS