Sửa nhà khéo co thì ấm
Mỗi năm chỉ có một lần Tết, loanh quanh trước sau trong khoảng ba ngày. Nhưng quá trình chuẩn bị để đón “ba ngày Tết” ấy của người Việt ta thường khá công phu, nhiều khi mất đến vài chục ngày trước đó.
Ngoài những chuyện đời thường như sắm sửa trang phục, vật dụng, thực phẩm... thì trang hoàng nội thất hay sửa chữa nhà cửa là một công đoạn tốn nhiều kinh phí và thời gian của gia chủ nhất. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, ai cũng biết vậy, nhưng... cũng như chuyện ăn uống ngày Tết, muốn “co” cho gọn mà vẫn hay bị “kéo” ra thành lu bu, mệt mỏi. Từ nội bộ gia đình thích bày vẽ trang hoàng, đến ngoại cảnh tác dụng như thợ thầy yêu sách, tốn kém... có lẽ các bên đều cần “ngồi lại bên nhau” để hoạch định một kế hoạch sửa nhà ăn tết sao cho vừa phải, khoa học và hiệu quả nhất.
Các thủ pháp dán giấy, tranh ảnh, decal... hoặc sơn lại mặt tiền giúp thay đổi diện mạo nội, ngoại thất nhanh chóng mà lại ít ảnh hưởng phần cứng của nhà.
Làm gì khi cần sửa?
“Bói ra ma quét nhà ra rác”, hễ cứ có quá trình sử dụng thì ắt nhận thấy chỗ này chỗ kia cần sửa. Nhưng sửa nhà – trang hoàng nơi ở để ăn tết khác với bảo dưỡng định kỳ, lại càng không phải là đại tu nhà cửa. Gia chủ cần phải xác định rõ: việc sửa nhà cuối năm ít nhiều phụ thuộc vào tính thời điểm và tính “tổ chức sự kiện” tết, cho nên những hạng mục mang tính thay đổi cấu trúc (thêm phòng, nâng mái...) thì không nên đặt ra khi sửa nhà cuối năm, có thể để “ra giêng ngày rộng tháng dài” cũng được. Quyết định sửa gì, ở đâu, nên dựa trên hiện trạng của ngôi nhà và nhu cầu của người sử dụng. Nếu một bộ phận nào đó bị xuống cấp quá nghiêm trọng, bắt buộc phải sửa chữa gấp thì cần bắt đầu sớm, nhưng tránh kiểu nhân tiện làm luôn, ví dụ, chống thấm chống dột trên mái dĩ nhiên phải chống, nhưng lại kết hợp sửa ra đến... mặt tiền thì coi chừng lạc đề! Nếu hiện trạng ngôi nhà vẫn tốt nhưng do có sự gia tăng nhân khẩu, ví dụ con cái sắp đám cưới, việt kiều về quê ăn tết cần phòng ngủ... thì cũng chỉ gói gọn sửa chữa tại không gian cần nâng cấp, thêm phòng. Sau khi “gạch đầu dòng” và loại bớt các yếu tố không quá cấp thiết, gia chủ sẽ giới hạn được trong phạm vi trang hoàng nhà cửa, sơn phết hay chỉ gắn đèn, thêm hoa lá cành… miễn sao tạo nên một không khí rộn ràng vui tươi cho ngôi nhà dịp đầu năm là ổn rồi.
Làm gì khi kẹt tiền?
Đây là một trong những điều cốt lõi của vấn đề sửa nhà. Nói nôm na là nếu thiếu tiền hay đang kẹt tiền thì tốt nhất không nên “đụng” vào nhà cửa dịp tết. Cuối năm luôn là thời điểm ai cũng cần tiền, chạy tiền, lại thêm người việt rất kiêng kỵ thiếu nợ vào dịp tết nên phải thanh toán mọi thứ trước giao thừa, chẳng ai muốn bị nợ và đi đòi nợ năm mới cả! Ngoài ra, vấn đề giá cả sinh hoạt dịp cận tết chắc chắn tăng cao hơn các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì các gia chủ chỉ nên chi tiêu những hạng mục nào thật sự cần thiết cho ngôi nhà của mình. Do sửa chữa luôn khó có thể lên dự toán chi tiết như xây mới, các nhà thầu nhiều kinh nghiệm khuyến cáo rằng cần dự trù 20% chi phí dự phòng cho phát sinh trên tổng số chi phí tạm tính lúc đầu. Còn nếu kẹt tiền thì giải pháp “hãy đợi đấy” là khôn ngoan hơn cả để tránh việc sửa chữa bị dang dở, đón tết kém vui.
Làm gì khi tết cận kề?
Dịp cận tết ai cũng bận bịu đủ thứ việc nên nếu gia chủ không sắp xếp kế hoạch từ trước thì sẽ gặp khó khăn trong việc gọi thầu thi công sửa chữa. Đối với các nhà thầu, tết là quãng thời gian khá “đắt sô” sửa chữa, trang hoàng nhà cửa, có lẽ cũng vì theo tập quán của người Việt ta cứ thi nhau sửa nhà, từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ bình dân đến cao cấp... dẫn đến quá tải, hút hàng và hút người, kéo theo giới kinh doanh vật liệu lẫn nhà thầu đều hay làm giá. Vì vậy, nếu đã có ý định sửa nhà thì các gia chủ phải tính toán trước về mặt thời gian để có thể làm việc với các nhà thầu trước nhằm giúp họ chuẩn bị lực lượng, tránh việc thiếu quân sẽ gây chậm trễ tiến độ công việc cũng như làm giảm chất lượng thi công. Tốt nhất là gia chủ nên tiến hành việc sửa nhà trước tết hai tháng cho những sửa chữa nhỏ, và thậm chí là năm tháng cho những sửa chữa lớn. Đó là quãng thời gian đủ dài để gia chủ có thể chủ động được công việc, tránh căng thẳng bởi thợ thầy cũng hay bị “rối” vào dịp cuối năm. Những gia chủ nhiều lần làm “khổ chủ” khi sửa nhà nêu kinh nghiệm rằng: nên lấy mốc ngày đưa ông táo (23.12 âm lịch) làm hạn chót để dứt khoát dừng hẳn mọi việc, thanh toán công xá, vật tư sòng phẳng, dọn dẹp vệ sinh, có gì ra tết tính tiếp. Mà để làm được điều đó thì chắc chắn phải biết hạn chế khối lượng công việc sửa nhà trong khả năng kiểm soát được.
Thay rèm cửa, chăn nệm, bổ sung đèn chiếu sáng... là các giải pháp sửa chữa nhanh gọn mà hiệu quả thẩm mỹ đạt được khá rõ rệt. Nếu có dính đến xây tường ngăn chia, đúc bêtông sàn, làm cầu thang mới... thì có lẽ việc sửa nhà cuối năm phải nên tính làm từ... giữa năm.
Làm gì cũng cần bình tĩnh, tỉnh táo
Có hai tình huống hay xảy ra khi sửa nhà, xuất phát từ hai phía, đó là gia chủ hay muốn “co” và nhà thầu thì hay “kéo”. Do chưa hình dung hết khối lượng công việc phải làm nên nhiều gia chủ suy nghĩ đơn giản theo kiểu “nâng nền nhà lên vài tấc cho cao ráo” nghe đơn giản vậy nhưng biết đâu để có thể làm động tác “nâng nền” ấy sẽ dắt dây ra bao nhiêu thứ đi kèm như nâng cửa lên theo, đường ống điện nước phải đi lại, rồi ốp lát, len chân tường toàn bộ, thậm chí bậc thang cũng thay đổi. Tâm lý muốn đơn giản hoá mọi chuyện, muốn tiết kiệm nhưng vẫn muốn đẹp, bền, tốt, rẻ (?) khiến các gia chủ khi gọi thầu sửa nhà hay giao việc chung chung, không rõ ràng cụ thể, làm tới đâu tính tới đó...
Từ phía nhà thầu, tâm lý chung muốn một lần “đổ quân” thì công việc càng nhiều ắt mang lại lợi nhuận tốt hơn nên họ cũng hay có xu hướng kiến nghị gia chủ làm thêm việc này, làm luôn chỗ kia cho tiện. Đó là chưa kể những nhóm thợ thiếu lương tâm còn tìm cách... phá hỏng đôi chỗ để có cớ đề nghị gia chủ sửa luôn! Do vậy, các bên nên rạch ròi trong giao kèo ban đầu, tránh nói qua nói lại, tránh hút theo tâm lý chung “nhân tiện làm luôn”. Đơn giá công việc sửa chữa cũng thường cao hơn làm mới hoặc khó tính chính xác được từ đầu, thậm chí có nhà thầu đã nói thẳng: thà phá hết để làm lại từ đầu còn dễ tính toán hơn, tiết kiệm hơn và đẹp bền hơn việc sửa chữa lắt nhắt!
Việc chọn những đơn vị thi công uy tín, tốt nhất là có quen biết hoặc qua người trong nghề giới thiệu sẽ giúp gia chủ kiểm soát được giá cả và chất lượng công trình, tránh những phát sinh ngoài ý muốn. Tuy vậy, không ít gia chủ lại cho rằng việc sửa chữa chỉ là lặt vặt, nhờ kiểu “thợ vườn, thợ đụng” làm cũng được, dẫn đến tình trạng thuê thợ thiếu chuyên nghiệp, thậm chí kéo dài và làm hư hỏng thêm nhà cửa. Tâm lý cận tết bề bộn cũng khiến gia chủ sẵn sàng chi tiền thoải mái theo đề nghị của nhà thầu miễn sao việc sửa chữa được hoàn tất trước tết, do đó sẽ tốn chi phí nhiều hơn bình thường cho những công việc mà lẽ ra họ không phải tốn đến thế.
Việc sửa nhà ăn tết từ lâu đã trở thành một tập quán hay nói nôm na là thói quen khó thay đổi của người Việt mình. Ai cũng muốn có ngôi nhà đẹp để mở đầu cho một năm mới đầy may mắn, thoải mái và thành công. Vì vậy, để cho việc sửa nhà được ổn thoả, các gia chủ cần phải có kế hoạch và phân định rạch ròi những công việc cần làm ngay từ đầu, đảm bảo hoàn tất đúng tiến độ và chất lượng. Giữa sửa chữa với làm mới cần rạch ròi, có giới hạn ngay từ đầu để gia chủ kiểm soát được chất lượng công việc, chi phí bỏ ra cũng như thời gian hoàn tất, từ đó giảm thiểu những vất vả không cần thiết, tránh “co kéo” qua lại giữa các bên.
KTS Trần Phụng Tiên Phuông
Tin khác
- Nét đẹp Á Đông trong thiết kế nội thất hiện đại
- 'Kéo rộng' phòng tắm chật
- Nới rộng không gian phòng ngủ bằng màu sắc
- Mãn nhãn với căn hộ cực nhỏ của một nàng độc thân tại Phú Nhuận
- Thủ thuật đặt Tivi ấn tượng cho nhà đẹp hơn
- Mộc mạc, dân dã với nội thất bằng tre
- Mẹo phối hợp màu sắc cho nhà thêm xinh
- 5 lời khuyên thiết kế phòng ngủ có khả năng đánh thức
- Bí quyết để có nhà bếp hoàn hảo
- Trang trí nhà với phong cách từ thập niên 80